Theo Bộ Nội vụ, kết quả đo lường sự hài lòng năm 2021 của Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước được phản ánh qua 39 chỉ số nhận định, đánh giá; 30 chỉ số hài lòng và 13 chỉ số mong đợi.
Chỉ số hài lòng 2021 được tổng hợp, so sánh giữa 3 nhóm dịch vụ: Nhóm dịch vụ lĩnh vực kinh doanh, nhóm dịch vụ lĩnh vực đất đai, môi trường và nhóm lĩnh vực dịch vụ khác. Việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức năm 2021 đã hoàn thành, lắng nghe được ý kiến phản hồi của 28.372 người dân, tổ chức từ khắp mọi vùng, miền trong cả nước.
Với cách tính như vậy, các tỉnh, thành phố khác có chỉ số hài lòng ở nhóm đầu (từ 90% trở lên) gồm: Quảng Ninh (94,07%), Hải Phòng (93,38%), Hưng Yên (92,07%), Hà Tĩnh (91,17%), Sơn La (90,13%), Bắc Ninh (90,09%) và Bắc Giang (90,01%). Xếp thứ hạng cuối cùng trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là tỉnh Cao Bằng (82,79%).
Cũng theo số liệu được công bố, với tổng số 87.38 điểm, chỉ số cải cách hành chính tỉnh Hải Dương vươn lên vị trí thứ 19, thuộc nhóm B, tăng 11 bậc so với năm trước.
Các chỉ số thang điểm cụ thể gồm: Điểm thẩm định: 55.28/60.50 điểm; Chỉ số SIPAS 9.20/10 điểm; Khảo sát lãnh đạo quản lý: 19.89/23.50 điểm; Tác động đến phát triển kinh tế - xã hội 2.25/6 điểm.
    |
 |
Thành phố Hải Dương. Ảnh Internet |
Kết quả Chỉ số CCHC 2021 của các tỉnh, thành phố được phân theo 3 nhóm. Trong đó, nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, gồm 3 tỉnh, thành phố: Hải Phòng (91,80%); Quảng Ninh (91,14%); Đà Nẵng (90,25%). Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% đến dưới 90%, gồm 59 tỉnh, thành phố. Nhóm C, đạt kết quả Chỉ số từ 70% đến dưới 80% có 1 tỉnh (Kiên Giang).
Kết quả này đến từ việc tỉnh Hải Dương đã tích cực đẩy mạnh thực hiện, tạo bước chuyển biến đột phá, đi vào thực chất về cải cách hành chính. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực thu hút đầu tư, năm 2022, tỉnh phấn đấu giảm ít nhất 50% thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư của một dự án so với hiện nay; rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư như: đăng ký doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng, môi trường, thuế, hải quan, cấp phép kinh doanh có điều kiện…
Ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong thực hiện các quy trình, thủ tục hành chính theo nguyên tắc 5 rõ (rõ về thủ tục; rõ về quy trình; rõ trách nhiệm của từng cơ quan liên quan; rõ thời gian rõ kết quả và chất lượng trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính)...
Thời gian tới, tiếp tục thực hiện cách thể chế, cải cách, rút gọn thủ tục hành chính, tinh giản, tinh gọn bộ máy, tập trung nguồn lực chất lượng cao, chủ động thay đổi từ cơ chế quản lý sang hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đã mang lại những kết quả, tác động tích cực đối với cả cơ quan hành chính nhà nước và người dân, tổ chức. Đồng thời, cho thấy toàn diện thực trạng chất lượng cung ứng dịch vụ công, từ đó cung cấp thông tin kịp thời, khách quan giúp Chính phủ, chính quyền, cơ quan hành chính nhà nước có cơ sở để thực hiện các giải pháp cải cách, nâng cao chất lượng dịch vụ công, chất lượng phục vụ người dân, tổ chức./.