Đấu tranh với vấn nạn hàng giả, hàng nhái – Việc không chỉ của riêng ai

Thứ hai, 07/09/2020 07:44
(ThanhtraVietNam) - Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang là một trong những vấn nạn vô cùng nhức nhối trong cuộc sống hiện nay. Hệ lụy mà nó mang lại vô cùng to lớn, ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý, tài chính của người tiêu dùng; giảm uy tín của những doanh nghiệp làm ăn chân chính; suy giảm niềm tin của người tiêu dùng tới tính minh bạch của thị trường hàng hóa…

Phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, giá cả - "Phân khúc" thị trường của hàng giả, hàng nhái "phủ rộng", len lỏi ở khắp mọi nơi, từ vùng sâu vùng xa, miền múi, làng xã tới cả những đô thị lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... Thực tế, hiện nay hầu hết những nhãn hàng nổi tiếng, có thương hiệu, được người tiêu dùng lựa chọn đều bị làm giả, làm nhái. Từ đồ ăn, thức uống, mỹ phẩm, quần áo, bánh kẹo, bim bim, đồ gia dụng tới cả thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng… không có gì là không có đồ giả tràn lan  trên thị trường.

Nguyên nhân của tình trạng tràn lan hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã được các cơ quan chức năng chỉ ra tại nhiều diễn đàn. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng chủ yếu vẫn là chế tài xử phạt hiện nay của các cơ quan chức năng còn chưa đủ mạnh, quản lý tại không ít nơi còn lỏng lẻo, chưa đồng bộ; ý thức của người dân chưa cao. Thậm chí, vì lợi nhuận mà bất chấp việc “hại mình, hại người, hại người thân” từ những sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Vấn nạn hàng nhái, hàng giả, đáng nói nhất hiện nay là khi dịch bệnh COVID-19 trở lại phức tạp, tình trạng khẩu trang/găng tay giả tràn lan ngoài thị trường. Lực lượng chức năng đã thu giữ được hàng chục tấn khẩu trang/găng tay y tế không có nguồn gốc, xuất xứ đang “làm mưa, làm gió” ngoài thị trường.

leftcenterrightdel

Một trong những cách phân loại khẩu trang thật/giả qua ngâm nước, cắt và xé... Ảnh minh họa: L.A 

 

Khẩu trang/găng tay y tế thì có thể mua tại nhiều nơi, thường thì người dân sẽ có thói quen ra hiệu thuốc, cửa hàng tiện lợi, siêu thị… Tuy nhiên, với thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, ngồi một chỗ, chúng ta có thể dễ dàng mua được 1 hộp khẩu trang hay nhiều thùng khẩu trang chỉ với một cú nhấp chuột hoặc một cuộc điện thoại. Chỉ cần nhập từ khóa “khẩu trang y tế” trên facebook, shopee, lazada hay tiki… là chúng ta có thể nhận rất nhiều kết quả khác nhau tới từ nhiều gian hàng bán sỉ, bán lẻ khác nhau. Mẫu mã, giá cả, xuất xứ thì vô cùng đa dạng và phong phú, một hộp khẩu trang có giá từ vài chục ngàn tới vài trăm ngàn. Chỉ nhìn qua thôi là đã thấy mẫu mã vô cùng bắt mắt, hình ảnh, slogan quảng cáo rất thu hút, có cánh như: “khẩu trang 4 lớp kháng khuẩn”, “khẩu trang than hoạt tính 4 lớp”, “khẩu trang cao cấp” “ngăn 99% vi khuẩn”; khẩu trang kháng khuẩn, ngăn ngừa vi rút, khói bụi đạt tiêu chuẩn ISO và chứng nhận của Bộ Y tế…

Mới đây, ngày 30/7, Tổng Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra đột xuất Công ty TNHH sản xuất và thương mại thiết bị Nam Anh (tại đường Lê Lăng, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh), phát hiện và thu giữ khoảng 151.000 chiếc khẩu trang 3M giả nhãn hiệu khẩu trang 3M Company của Mỹ. Công ty Nam Anh có website là khautrangnamanh.com, trên website này DN tự giới thiệu là đơn vị hàng đầu Việt Nam chuyên sản xuất, phân phối khẩu trang y tế cho thị trường trong và ngoài nước. Theo đánh giá của lực lượng chức năng, đây là một trong những vụ việc xâm phạm sở hữu trí tuệ lớn nhất từ đầu năm đến nay về mặt hàng khẩu trang đã được bảo hộ tại Việt Nam…

Hay vào ngày 3/8, Đội Quản lý thị trường số 26, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã triệt phá thành công 1 cơ sở sản xuất khẩu trang không đạt tiêu chuẩn chất lượng tại 1 phân xưởng dệt may nằm trên phường Phú Lãm, quận Hà Đông, Hà Nội. Qua khai thác thông tin nhận được, một ngày phân xưởng dệt may này có thể sản xuất hàng chục nghìn chiếc khẩu trang. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng phát hiện 200 thùng khẩu trang không đạt tiêu chuẩn chất lượng, tương đương với 500.000 chiếc khẩu trang đang nằm trong kho chờ xuất ra thị trường.

Có thể nói, đây chỉ là hai trong nhiều vụ điển hình được phát hiện, trên thị trường còn vô cùng nhiều những chiếc khẩu trang/găng tay y tế giả, không nguồn gốc đã và đang được tiêu thụ tới tay người tiêu dùng.

leftcenterrightdel
 Người tiêu dùng nếu mua sản phẩm khẩu trang hoặc bảo hộ y tế trên mạng cần kiểm tra kỹ trước khi nhận để đảm bảo những rủi ro về chất lượng. Ảnh chụp màn hình: L.A

“Không thương hiệu, giá trên trời” là câu mà một người dân đã thốt lên khi được phóng viên hỏi. Chị Trang, Thái Thịnh, Hà Nội nói: “Lần này mua khẩu trang không khó như đợt dịch trước, tuy nhiên, chất lượng khẩu trang thì tệ vô cùng, có những cái tôi vừa lôi trong hộp ra đã bị tuột quai đeo, đứt dây, mưa chưa tới đã thấm ướt…”

Trước tình trạng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, vì vậy, việc người dân sử dụng phải các loại khẩu trang giả, không đảm bảo về chất lượng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong việc phòng, tránh dịch bệnh.

Hiện nay, rất nhiều xưởng gia công khẩu trang y tế để kinh doanh kiếm lợi, không nhãn mác, không thông tin về nhãn hiệu thậm chí địa chỉ, số điện thoại ghi trên hộp cũng là địa chỉ, số điện thoại “ma”, gọi tới không có người bắt máy, địa chỉ thì lấy “hú họa” của nhà dân. Khi chúng tôi liên lạc tới thì địa chỉ này không hề biết tới sự tồn tại của xưởng sản xuất khẩu trang tại gia đình họ.

Theo một chuyên gia y tế, một số cách để nhận diện khẩu trang y tế giả là chúng ta có thể ngâm khẩu trang trong nước, nếu khẩu trang không thấm nước sẽ là khẩu trang có chất lượng. Sau đó có thể cắt đôi khẩu trang để kiểm tra bên trong. Nếu khẩu trang thật thì lớp giấy bên trong không hề bị mục nát vì bị ngâm nước. Bên cạnh đó, chúng ta có thể kiểm tra bằng cách xé mạnh khẩu trang, nếu kéo với lực lớn mà lớp ngoài khẩu trang không “xi-nhê” tức là khẩu trang này đạt chất lượng tốt. Một điều quan trọng mà chuyên gia lưu ý đó là người dân nên mua khẩu trang y tế tại những cửa hàng lớn, có uy tín; kiểm tra kỹ thông tin, nguồn gốc, xuất xứ trên bao bì sản phẩm…

Câu chuyện khẩu trang, găng tay giả, nhái là một trong những vi phạm cá biệt trong rất nhiều các sản phẩm làm giả, làm nhái đã, đang và sẽ tồn tại trên thị trường. Để hàng giả, hàng nhái dần hết "đất" sống, các lực lượng chức năng cũng sẽ có những giải pháp trong phạm vi quản lý nhà nước. Cùng với đó, Nghị định 98/2020/NĐ-CP mới được Chính phủ ban hành đã có thêm nhiều chế tài được đánh giá tăng sức mạnh quản lý để xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

Điều 10 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP nêu rõ, phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định đối với một trong các trường hợp hàng giả: Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; là thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.

Hình thức xử phạt bổ sung được đưa ra tại Điều 10 là: Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả…; tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để sản xuất hàng giả đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này. Bên cạnh đó Nghị định cũng quy định, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; đình chỉ hoạt động một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2020.

 

Lan Anh

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra