Lịch sử ngàn năm
Di tích lịch sử văn hoá Đền Đô đã được Nhà nước công nhận xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia theo Quyết định số 154 ngày 25/01/1991 của Bộ Văn Hoá thông tin - Thể thao và Du lịch.
Đền Đô hay còn gọi là Cổ Pháp Điện hay đền Lý Bát Đế, được xây dựng vào thế kỷ 11, là nơi hội tụ của thiên khí, nơi có thế 8 đầu rồng chầu về. Đền được dựng trên nền đất mà xưa khi vua Lý Công Uẩn đăng quang và trở lại thăm quê hương vào tháng 2 năm Canh Tuất (1010), tại đây nhà vua đã dừng thuyền rồng để đi thăm các bậc kỳ lão, yết lăng Thái Hậu và đo vài mươi dặm đất làm "Sơn Lăng cấm địa". Dân làng Đình Bảng đã cho xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp nhà vua.
Khi vua Lý Công Uẩn băng hà (1028), Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha, ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua cha và cũng từ đó đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý sau khi băng hà. Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê đền Đô đều được quan tâm tu sửa và mở rộng, đặc biệt Đền được mở rộng nhất vào thế kỷ XVII (1602) với quy mô của 21 hạng mục công trình được sắp xếp theo kiểu "Nội công ngoại quốc", xung quanh có tường thành vây bọc. Kiến trúc của đền có sự kế thừa phong cách cung đình và phong cách dân gian, tổng thể kiến trúc được kết hợp hài hoà, chạm khắc tinh xảo, thể hiện một công trình kiến trúc bề thế vững chắc nhưng không cứng nhắc trong khung cảnh thiên nhiên. Chẳng thế mà người xưa đã hết lời ca ngợi vẻ đẹp độc đáo của Đền Đô:
" Đền Đô kiến trúc tuyệt vời
Thăng Long đẹp nhất, đẹp người ngàn năm"
Cho đến ngày nay, Đền Đô với kiến trúc độc đáo mang tính giá trị nghệ thuật, cảnh trí hữu tình và mang trong mình một giá trị lịch sử văn hoá đậm nét của Vương Triều Lý nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung.
Lễ hội đậm đà bản sắc
Lễ hội Đền Đô diễn ra từ ngày 14 tới ngày 16 tháng 3 âm lịch. Chính hội là ngày 16 tháng 3 âm lịch, ngày vua Lý Thái Tổ lên ngôi. Phần lễ diễn ra long trọng với lễ trình thánh và lễ rước kiệu diễn tả lại ngày Vua Lý đăng quang. Màn được đông đảo nhân dân chờ đợi là lễ rước kiệu với hàng vạn người tham gia từ chùa Kim Ðài đến Đền Ðô. Ði đầu đám rước gồm có một đoàn tướng võ, cởi trần, đóng khố, tay cầm truỳ đồng và hàng trăm quân sĩ đi theo. Tiếp đến là 100 người khiêng kiệu mặc áo đỏ, mũ đen. Ði đầu là kiệu của Thánh Mẫu có 18 nữ tướng theo sau rồi đến kiệu Bát Ðế, mỗi kiệu một con ngựa và có 16 nam tướng mặc áo đỏ. Sau cùng đoàn rước là các vị mặc sắc phục lễ hội, hương lão và đông đảo dân làng dự hội. Phần hội diễn ra sôi nổi với các trò chơi dân gian như cờ tướng, đấu vật, tổ tôm điếm, đánh đu, thả chim bồ câu, múa rối nước, thi gói bánh Phu thê... hát tuồng, hát quan họ, hát chầu văn thể hiện đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc.
Theo ông Nguyễn Thạc Vinh, Chủ tịch UBND phường Đình Bảng cho biết để chuẩn bị cho lễ hội, phường Đình Bảng đã thành lập Ban tổ chức (BTC), các tiểu BTC và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. UBND phường, BTC cũng đã xin phép thị xã và tỉnh để tổ chức lễ hội. Không gian của lễ hội năm nay thoáng đãng hơn năm trước. Trọng tâm của lễ hội là đoàn rước chiều ngày 14 tháng 3 âm lịch từ Đền Đô ra chùa Dận để rước Mẫu về dự lễ hội, dự ngày vua Lý Thái Tổ đăng quang và rước từ chùa Dận về Đền Đô diễn ra vào sáng ngày rằm tháng ba âm lịch. Nghi thức rước được thực hiện theo nghi thức cổ, tất cả những người trực tiếp tham gia đoàn rước đều mặc trang phục cổ.
Công tác an ninh trật tự - ATGT được BTC đặc biệt quan tâm. Trong thời điểm diễn ra lễ rước, BTC phối hợp với Công an thị xã và Phòng cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Bắc Ninh và Phòng cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội tổ chức phân luồng hợp lý, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Công tác bảo đảm an ninh tại khu vực Đền Đô, các khu phố trước, trong những ngày diễn ra lễ hội cũng chú trọng, với mục tiêu bảo đảm an toàn cho nhân dân địa phương và du khách thập phương về trảy hội.
Hàng năm, cứ vào mùa lễ hội, đông đảo nhân dân trong xã và du khách thập phương lại về Đền Đô trảy hội, cùng thắp nén nhang, tỏ lòng thành kính với tổ tiên, cầu mong năm mới an lành và cũng là dip ôn lại truyền thống lịch sử của cha ông thời kỳ dựng nước. Theo thời gian, lễ hội Đền Đô vẫn tồn tại trong tâm thức, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống, là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân Đình Bảng, Bắc Ninh. Đó cũng là cách để thế hệ hôm nay hướng về cội nguồn tổ tiên, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn và truyền thống quý báu của dân tộc tự ngàn đời.
Ông Nguyễn Thạc Vinh cũng cho biết: Năm nay, Lễ hội Đền Đô kỷ niệm 1001 năm ngày Lý Thái Tổ đăng quang ngôi Hoàng đế, về quy mô, lễ hội tổ chức không lớn bằng năm ngoái, song các hoạt động về cả phần lễ và phần hội vẫn được tổ chức theo nghi lễ truyền thống và có nhiều hoạt động mà các năm trước không có. Để tổ chức tốt lễ hội, phường Đình Bảng đã thành lập BTC, các tiểu BTC và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. UBND phường, BTC cũng đã xin phép thị xã và tỉnh để tổ chức lễ hội. Không gian của lễ hội năm nay thoáng đãng hơn năm trước, Ban quản lý di tích và UBND phường Đình Bảng đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng chỉnh trang khuôn viên, xây mới sới vật. Trọng tâm của lễ hội là đoàn rước chiều ngày 14 tháng 3 âm lịch từ Đền Đô ra chùa Dận để rước Mẫu về dự lễ hội, dự ngày vua Lý Thái Tổ đăng quang và rước từ chùa Dận về Đền Đô diễn ra vào sáng ngày rằm tháng ba âm lịch. Năm nay, Ban tổ chức tiến hành rước 10 kiệu, 8 ngựa và 1 long đình với sự tham gia của hàng nghìn người, hàng trăm đoàn đại biểu. Dự kiến đoàn rước kéo dài hơn 3 cây số. Nghi thức rước được thực hiện theo nghi thức cổ, tất cả những người trực tiếp tham gia đoàn rước đều mặc trang phục cổ.
Tham dự lễ hội Đền Đô, ngoài phần lễ, du khách còn được đắm mình trong những làn điệu quan họ đằm thắm, thiết tha. Đồng thời được thưởng thức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thi đấu TDTT tiêu biểu như: hát tuồng, hát chèo, hát văn, hát xẩm, hát trống quân, đấu vật, tổ tôm điếm, chọi gà, cờ người, cầu lông, bóng chuyền, thi nấu cơm nồi đất, đập niêu, bắt vịt dưới hồ, biểu diễn văn nghệ… Riêng văn nghệ diễn ra từ đêm 13 đến hết đêm 16 tháng ba âm lịch, với sự tham gia của nhiều ca sỹ, nghệ sỹ tên tuổi của Trung ương, các thầy cô giáo, các em học sinh của trường Mầm non Đình Bảng. Giải vật truyền thống trong lễ hội thu hút nhiều đô vật nổi tiếng của cả nước. Ngày 12 tháng 3 sẽ khai mạc Triển lãm cây cảnh, ngày 14-3, khai mạc Hội trợ Kinh tế và Làng nghề Bắc Ninh. Tối 15 và 16, sẽ có màn đốt cây bông tại khu vực Thuỷ Đình Đền Đô.
Lễ hội Đền Đô năm nay không trùng vào ngày nghỉ nên theo lượng người về trảy hội sẽ không đông như mọi năm. Tuy vậy, Công tác an ninh trật tự - ATGT vẫn được Ban tổ chức đặc biệt quan tâm. Trong thời điểm diễn ra lễ rước, BTC phối hợp với Công an thị xã và Phòng cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Bắc Ninh và Phòng cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội tổ chức phân luồng hợp lý, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Công tác bảo đảm an ninh tại khu vực Đền Đô, các khu phố trước, trong những ngày diễn ra lễ hội cũng chú trọng, với mục tiêu bảo đảm an toàn cho nhân dân địa phương và du khách thập phương về trảy hội. Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay BTC sẽ tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh dịch vụ tại lễ hội bán đúng giá, bảo đảm chất lượng, giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý các trường hợp bán giá cao, bắt chẹt khách hàng, các trường hợp bán hàng rong khu vực trước cửa Đền.
Chùm ảnh Lễ hội Đền Đô 2012:
Thu Hiền