Rồi cái cảnh giữa đời thực đó trở thành cơn ác mộng, nhiều đêm ập về xâm chiếm giấc ngủ của cô gái trẻ Trần Thị Thành. Không chỉ với Thành, đó cũng là cơn ác mộng của cả một gia đình khốn cùng có ba chị em.
Trốn chạy đêm đêm
Cô gái Trần Thị Thành (ở Gia Canh, Định Quán, Đồng Nai, hiện là sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế TP.HCM) kể về ngôi nhà của mình với một tình thương pha lẫn nỗi sợ hãi. Nỗi sợ của những đêm cả ba chị em nằm ngủ mà cứ nơm nớp lo người cha tâm thần cầm dao kề vào cổ.
Vào năm 1994, khi Thành vừa 3 tuổi thì cha cô mắc bệnh tâm thần và tuổi thơ của cô gái nhỏ cùng các chị cứ triền miên trong cảnh sẵn sàng vùng chạy khỏi nhà để tránh những trận đòn và cú chém chí mạng mỗi khi cha lên cơn tâm thần.
“Cha đập phá và cầm dao rượt đuổi đòi giết mẹ con mình nên mọi người phải trốn nhờ nhà hàng xóm. Cha lại qua đập phá nhà hàng xóm, nhiều người sợ quá nên không dám chứa nữa”, Thành kể mà giọng xót xa thương người cha tâm thần, thương mẹ và thương cả mấy chị em.
 |
Trần Thị Thành phụ bán tại quán Xôi Lá Chuối (Q.10, TP.HCM) |
Và căn nhà nhiều ác mộng ấy như cơn gió độc thổi bạt giấc mơ học hành của hai người chị lớn, đẩy họ về những xưởng may công nghiệp kiếm sống qua ngày. Ba chị em ở ngôi nhà ấy phải hình thành một thói quen: luôn chuẩn bị sẵn sách vở trong cặp, mỗi khi có chuyện là ôm cặp bỏ chạy khỏi nhà vì cha lên cơn bất thình lình và thường kéo dài cả ngày.
Những đêm ôm vở hong ánh đèn ngay góc hè nhà hàng xóm để học bài đã mang lại cho Thành động lực để có thể sải bước chân đến giảng đường.
Ngày nhận tin đỗ vào Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật miền Nam, Thành ôm mẹ khóc khi lứa heo mẹ nuôi bằng vốn xóa đói giảm nghèo mắc bệnh chết sạch. Người mẹ vừa buông gánh ve chai giữa trời tối mịt nghe Thành báo tin mà nước mắt rưng rưng. Thành an ủi mẹ: “Con sẽ lên Sài Gòn sớm để kiếm tiền nhập học”.
Khó mấy cũng chịu được
Mức học phí 5,8 triệu đồng/năm ở Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật miền Nam trở nên quá sức với một cô gái tự thân kiếm sống chưa đầy một tháng ở Sài Gòn. Vì không đủ tiền, không được nợ học phí nên Thành đành rút hồ sơ và chuyển nguyện vọng sang Cao đẳng Kinh tế TP.HCM, nơi đây một người chị của Thành cũng đang theo học.
Thành kể lại lúc không có tiền đóng học phí, cô đã nghĩ đến một tương lai tối mặt tối mũi cùng mớ ve chai, hoặc khá hơn là đi làm thuê ở xưởng gia công giỏ lục bình.
Khác hẳn vẻ hồn nhiên lúc gặp cô ở chỗ làm thêm, cô nói bằng một giọng quyết tâm và già dặn hơn tuổi 18 của mình: “Bây giờ đến giảng đường được rồi thì khó khăn mấy mình cũng chịu được. Hồi nhỏ mình bị viêm não Nhật Bản, quan tài đã mua về sẵn luôn rồi mà không chết thì giờ phải gắng ngẩng đầu sống thôi”.
Mỗi sáng, Thành nén cơn đau do thấp khớp để cuốc bộ 3km đến trường, trưa tập tễnh về lại quán Xôi Lá Chuối trên đường 3-2 (Q.10, TP.HCM) để bắt đầu buổi làm thêm.
Công việc làm thêm mang lại cho Thành thu nhập 1,2 triệu đồng và Thành cân đo đồng tiền của mình: “Sống ở TP.HCM đắt đỏ nên phải thắt lưng buộc bụng. Mình tính rồi: nếu đi xe buýt tốn thêm 90.000 đồng/tháng nên cố dậy sớm một chút. Gánh ve chai của mẹ ở nhà không đủ mua thuốc cho cha và chữa bệnh đau tim, cột sống cho mẹ thì làm sao mình có thể trông chờ chứ. Giờ mình đã biết tự lo cho bản thân rồi!”.
150 học bổng “Tiếp sức đến trường”
Tối 30-10, báo Tuổi Trẻ tổ chức tôn vinh, biểu dương và trao học bổng “Tiếp sức đến trường” trị giá 5 triệu đồng/suất cho 150 tân sinh viên nghèo, vượt khó của bảy tỉnh thành miền Đông Nam bộ và các tỉnh thành khác đang học tại TP.HCM.
Chương trình do Tổng công ty Dầu VN, Công ty golf Long Thành, Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM - Saigon Co.op, Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, Ủy ban Tương trợ người VN tại Đức, Công ty võng xếp Duy Lợi và bạn đọc báo TT tài trợ. Nhân dịp này Công ty Asama tặng 30 xe đạp cho các bạn tân sinh viên nghèo. |
Theo TT