Vậy là kỳ thi tuyển sinh CĐ-ĐH năm nay, các thí sinh không còn phải hồi hộp chờ công bố điểm sàn để biết mình đỗ hay trượt nữa bởi Bộ GD&ĐT đã công bố quyết định bỏ điểm sàn vào ngày 12/3/2014. Giờ đây, thay vào chuyện dựa vào điểm sàn để tuyển sinh, các trường ĐH-CĐ sẽ chờ Bộ GD&ĐT sẽ xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào đối với từng khối và từng ngành đào tạo. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Bộ vẫn chưa đưa ra được bảng các tiêu chí khung đảm bảo chất lượng này.
Nếu như trên thế giới, khái niệm điểm sàn trong kỳ thi đại học khá xa lạ thì tại Việt Nam, cái gì khó quản đều được “neo” vào một “cái sàn” vô hình. Vì thế mà giáo dục qua nhiều lần đổi mới và cải cách giờ mới lại quay về hòa nhập với thế giới khi để cho chính các trường ĐH-CĐ tự chủ động tuyển sinh, thí sinh cũng tự tìm đến các trường, thỏa mãn các tiêu chí, các điều kiện của nhau thì trường có sinh viên.
Theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường tự chủ tuyển sinh sẽ được phép xét tuyển dựa trên học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT. Phương án này có thể sẽ được nhiều trường, đặc biệt là các trường đại học ngoài công lập lựa chọn, vì vậy không còn cần đến điểm sàn nữa.
Chính sự bó buộc vào điểm sàn cũng đã khiến cho kỳ thi tuyển sinh vào ĐH-CĐ của Việt Nam năm nào cũng như “ác mộng” của cả thầy cô lẫn học sinh. Trong khi xét tuyển năng lực học sinh cần dựa trên cả quá trình chứ không chỉ dựa vào mỗi một điểm thi, nhiều khi mang tính may mắn.
Việc dỡ bỏ điểm sàn cũng khiến các trường công lập và ngoài công lập nhẹ bớt được gánh nặng tuyển sinh. Nếu như mọi năm, các trường phải có nhiều “mánh” để “vợt” thí sinh thì năm nay, sự cởi trói này khiến họ chủ động hơn: trường có tiếng, đào tạo tốt, sinh viên ra trường chất lượng dễ kiếm việc làm sẽ được nhiều thí sinh dự tuyển. Còn với những trường mọc lên như nấm sau khi Bộ GD&ĐT cấp phép ồ ạt, cơ sở vật chất yếu kém, đội ngũ giáo viên không ổn định cũng sẽ phải tự biết đường mà rút lui trong cuộc cạnh tranh giáo dục lành mạnh này.
Phát biểu trên báo VOV, ông Lê Quốc Hạnh, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Hà Nội cho biết: “Việc Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn và trao quyền tự chủ cho các trường mang tính tích cực rất lớn. Tôi ủng hộ chủ trương đó, vì nhà trường tùy theo năng lực và điều kiện cụ thể có thể tuyển sinh”.
Còn theo ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng trường Đại học Thăng Long thì chia sẻ: “Tôi nghĩ bỏ điểm sàn là hợp lý. Vì thi đại học có tính chất tuyển chọn từ trên xuống dưới, cho nên điểm sàn không còn phù hợp nữa, tự mỗi trường có thể ra điểm sàn cho mình. Với các trường ngoài công lập, những năm trước, vì điểm sàn mà nhiều sinh viên không được theo học, đã ảnh hưởng tới số lượng tuyển sinh”.
Thế nhưng, dù đã “dỡ sàn” cho điểm thi đại học nhưng Bộ GD&ĐT vẫn cứ lấn bấn với chuyện ra tiêu chí cho từng khối, từng ngành, chứng tỏ Bộ vẫn lo sẽ khó quản khi các trường được “tự tung, tự tác”. Nhất là khi thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh chỉ còn 4 ngày, mà nỗi băn khoăn lo lắng của thí sinh về những “tiêu chí” trên vẫn còn chưa rõ ràng thì có lẽ việc dỡ bỏ điểm sàn xem ra vẫn chưa triệt để.
Có thể nói, với những đổi mới trong năm qua của Bộ GD&ĐT cho thấy sự cố gắng rất lớn của những người làm giáo dục Việt, dù bị bàn tán, phản đối, thậm chí người đứng đầu Bộ còn bị tín nhiệm thấp trước Quốc hội, song không thể phủ nhận giáo dục đã cố sửa mình để mong có những thế hệ công dân bắt kịp thời đại. Nhưng có vẻ những nỗ lực ấy vẫn chưa được tính toán kỹ lưỡng, đầy đủ, thận trọng, kể cả có xét tới hậu quả lâu dài có thể xảy ra, nên những quyết định dù đúng nhưng vẫn chưa có tính thuyết phục cao, vẫn bị coi như cách “vừa làm vừa run”, mà như thế chưa đủ để tạo sức mạnh như một cú hích đột phá cho nền giáo dục nước nhà.
Theo Thuận Thục
Sống mới online