Với tư tưởng cấp tiến hiện nay, trong công cuộc “giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt” thì chữ viết càng cần phải được chú trọng, trau chuốt, làm đẹp hơn bao giờ hết để xứng tầm với ngôn ngữ Tiếng Việt đã và đang được quan tâm gìn giữ.
Xét về khía cạnh thời gian thì bề dày lịch sử của chữ Việt (Quốc Ngữ) chưa đáng là bao, nhưng nếu xét về khía cạnh ý nghĩa thì nó mang một trọng trách vô cùng lớn lao, thể hiện những bản sắc, tinh hoa của nền văn hóa dân tộc với hơn 4.000 năm lịch sử. Như vậy, có thể coi chữ Việt là một tài sản vô giá của dân tộc Việt, vừa góp phần truyền tải thông tin một cách đầy đủ, phong phú, đẹp đẽ và thể hiện được những quan điểm của dân tộc, vừa góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, tinh thần hay nói rộng hơn là chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội và tư tưởng của toàn dân Việt Nam.
Hãy thử tưởng tượng, Việt Nam sẽ ra sao nếu không có chữ viết riêng??? Có lẽ theo thông lệ thì chỉ có nước thuộc địa mới như vậy.
Trong giai đoạn cả nước đang nỗ lực thi đua, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, tạo đà cho phong trào “sống, học tập và làm việc theo gương Hồ Chủ tịch”, thì việc noi gương Bác trong việc viết đúng Tiếng Việt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện.
Thế nhưng, ngày nay tình trạng viết tắt Tiếng Việt xuất hiện tràn lan, tùy tiện, có thể nói viết tắt đã len lỏi đến tận “hang cùng, ngõ hẻm” trong xã hội và dần dần theo cách tự nhiên nó tự do đi vào nhãn quan, tiềm thức của mọi người như một lẽ đương nhiên và mọi người đều phải chấp nhận, cho dù nhiều khi có thể là khiên cưỡng, bởi đơn giản là độc giả không có sự lựa chọn nào khác.
Việc viết tắt phổ biến tự do, rộng rãi mọi nơi xem ra có vẻ mọi người vẫn hiểu đấy thôi, có ai phản đối đâu.
Nhưng không hẳn vậy, nếu đi sâu vào xem xét, mổ xẻ vấn đề một cách nghiêm túc thì đây có thể coi là vấn đề không đơn giản mà cần được giải quyết thấu đáo.
Mấy ai trong chúng ta không một lần nhìn thấy những cụm từ viết tắt LTS, KCS, MC, PR mới nghe qua tưởng chừng như đơn giản vì thường xuyên gặp trên các phương tiện thông tin đại chúng, ấy vậy mà khi được hỏi nghĩa chính xác của nó thì khá nhiều độc giả bị đẩy vào thế “hiểu qua loa - phường” cho xong chuyện...
Trên đây chỉ là những ví dụ điển hình nhưng đã cho chúng ta thấy sự hiểm nguy của viết tắt. Vậy, nên chăng, chúng ta cần thận trọng xem xét cụ thể về vấn đề này, nếu quy chiếu theo nguyên tắc về “giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt” thì hết sức cân nhắc khi viết tắt và “chỉ viết tắt khi thật cần thiết” nhưng phải được “chú thích rõ ràng”.
Thế nhưng, hỡi ôi! Hãy thử xem qua một vài trường hợp và cùng nhau nghiên cứu, ngõ hầu giải tỏa tâm lý của độc giả, khi phải đối mặt thường xuyên với những từ, cụm từ viết tắt mà chắc hẳn không phải ai cũng đủ trình độ, nhận thức và đồng cảm với tác giả để có thể hiểu thấu đáo nghĩa của nó.
Thực trạng
1. Trong xã hội: Dạo qua một vòng tại các Thành phố lớn, ta có thể thấy viết tắt xuất hiện nơi nơi, từ băng rôn, khẩu hiệu tới tên cơ quan, trường học, công ty, nhà máy, biển chỉ dẫn, sân bay, nhà ga, bến xe... Ví dụ: TP., Q., XHCN, CP, TNHH, THCS, THPT...
2. Trên phương tiện thông tin đại chúng: Việc viết tắt trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền thông, báo chí thì còn đa dạng hơn nữa. Có thể khẳng định, hiện nay không mấy tờ báo, tạp chí, đặc san, cuốn sách nào mà không có hiện tượng viết tắt, chỉ ít hay nhiều, có chú giải hay không mà thôi, rồi ngay cả trên truyền hình, viết tắt cũng xuất hiện ngày càng nhiều.
3. Trong văn bản pháp quy: Do mang tính pháp lý nên viết tắt trong văn bản không nhiều như trong xã hội và trên phương tiện thông tin đại chúng nhưng không phải là không có, đặc biệt là tên các Bộ, các Sở, Ban, ngành chức năng thường xuyên được viết tắt. Mặt khác lại không có tiêu chuẩn, quy định viết tắt thành ra nhiều khi gây khó khăn cho người đọc. Ví dụ: Ban QLDA - BQL dự án, Tổng Cty - TCty - TCT, Tổng GĐ - TGĐ, Phó TGĐ - PTGĐ...
4. Trong trường học: Việc viết tắt ở trường học bắt đầu từ cổng trường (THCS, THPT...) và trong sách giáo khoa (ví dụ: SGK), thì viết tắt ở trong trường, trên lớp, ở vở của học sinh, sinh viên là đương nhiên.
5. Trong đời sống: Các tác nhân trên tác động khá nhiều tới viết tắt trong đời sống của dân chúng. Đối với những văn bản không quan trọng, thì viết tắt giải quyết vấn đề về thời gian và là một bộ phận góp phần làm cho Tiếng Việt thêm phong phú, đa dạng. Nhưng nếu là văn bản quan trọng (ví dụ: Đơn xin vào Đảng) thì viết tắt lại là điều không thể chấp nhận được.
Hậu quả
Xét cho cùng, vấn đề nào cũng có 2 mặt của nó: ưu điểm và nhược điểm, tốt và không tốt. Nhưng nếu muốn giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt thì điều quan trọng đầu tiên nên chăng là hạn chế tối đa viết tắt, chỉ viết tắt khi không còn sự lựa chọn (ví dụ: tên của các tổ chức, cơ quan...) nhưng phải được chú thích, chú giải rõ ràng.
“Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” (Hồ Chủ tịch)
Hiểu theo nghĩa hẹp, trong ngữ pháp Việt Nam, nếu chỉ đảo từ, đảo vị trí, thiếu sót, lỗi chính tả... là câu văn đó đã mang ý nghĩa khác hẳn rồi, nếu nhầm dấu của từ thì tệ hại không kém. Trong khi viết tắt đúng có thể làm cho độc giả không hiểu, hoặc hiểu nhầm ý của tác giả, thậm chí gây ức chế cho người đọc thì viết tắt sai lỗi chính tả, hậu quả sẽ lớn đến nhường nào?
Vậy thì viết tắt để làm gì? Chắc là một hình thức tiết kiệm thời gian, tiết kiệm bút, giấy, mực... gì đó? - Thiết nghĩ là không đúng, vì viết tắt nào có tiết kiệm được bao nhiêu.
Nếu như không may, trong một câu có một vài từ sai lỗi chính tả thì người đọc vẫn có thể suy luận được, còn nếu viết tắt mà nhầm hoặc sai thì đúng là “thảm họa” cho cả tác giả lẫn người cảm thụ, rồi sau đó lại phải đính chính, xin lỗi thì tiết kiệm hay là phiền toái?.
Một số ví dụ về viết tắt dễ gây nhầm lẫn, nếu viết đúng người đọc luận để hiểu đã khó huống hồ sai lỗi chính tả thì???: KTX, KCS, KCX, KCN, PCLB, UBPCLBTƯ, PCCN, PCCC... Rồi LĐLĐVN, Hội LHVHNT, Hội LHTNVN, Hội LHPNVN, Hội NTTSNL, UBTVQH, UBMTTQ, BCHQS, BHXH, CTCP, TTX, ĐHCĐ...v.v...
Đó là chưa kể tới có nhiều nội dung mang tính chính trị, trọng đại, quốc gia, dân tộc, trang trọng... vẫn thường xuyên được giới truyền thông áp dụng như: VN, QH, TT, HCM, VPCT nước, VPCP, TƯ Đảng, Đảng CSVN, Đoàn TNCS HCM, CHXHCN, CHDCND, HĐND, UBND, TP.HCM, TP.HN... rồi tên các cơ quan đầu não, các Bộ, ngành, Tỉnh, Thành phố, Quận, Huyện, Phường... v.v...
Ngoài ra còn nhiều sự bất cập do sự hiểu nhầm không mong muốn chỉ vì lý do viết tắt tùy tiện và vì không có quy chuẩn. Ví dụ: CP (Chính phủ - Cổ phần), BCH (Ban chấp hành - Bộ chỉ huy), ĐV (Đảng viên - Đoàn viên - Đơn vị...), KT (Kinh tế - Kỹ thuật), TC (Tài chính - Tổ chức), TT (Trung tâm - Thông tin)...
Với sự lan tỏa rộng rãi, viết tắt tìm được một “tiềm năng bỏ ngỏ”, một “bến đỗ” mới nên đã chuyển mình và “nhảy vọt” sang hẳn sang Tiếng Anh hay Tiếng nước ngoài thì quả thật nhiều khi thành “hiểm họa” cho người đọc. Nếu mở một cuộc điều tra, khảo sát thí điểm về ý nghĩa chính xác của những từ, cụm từ viết tắt bằng tiếng Anh, hay tiếng nước ngoài vẫn thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì tin rằng số người hiểu biết chiếm một tỷ lệ khá “khiêm tốn”. Ví dụ những từ đơn giản thường gặp: MC, PR, WTO, ASIA, ASEAN, EU, NATO, UNICEF, EVN, PVN, VFF, VPF, WB, ADB, ODA, JBIC, JICA, PCI, TEDI, PMU, PETROLIMEX, CIENCO, MB, BIDV, CPI, GDP, FAO, FBI, CIA, AFP, SIDA, UNDP, APEC, OPEC, DOC, COC...
Thay cho lời kết: Chữ viết là một hệ thống kí hiệu đồ hoạ được sử dụng để cố định hoá ngôn ngữ âm thanh, lời nói. Chức năng chính của chữ viết là đại diện cho lời nói nhằm truyền tải và lưu giữ thông tin, tư duy của con người. Vậy, nếu chữ viết nói chung và viết tắt nói riêng mà để người đọc phải suy luận, cố gắng để hiểu, hoặc hiểu nhầm hay nhiều khi không thể hiểu được nội dung, ý nghĩa cần truyền tải, ý định của tác giả thì nên chăng cần phải sớm thay đổi tư duy này nếu chúng ta còn muốn “Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt”.
TẠ TÔN – MINH ĐỨC