 |
Trung đoàn thủ đô về Hà Nội 10/10/1954 - chụp từ sách Ảnh Việt Nam thế kỷ XX, tác giả được ghi là Vũ Minh. |
 |
Và ảnh của tác giả Đào Trình, được rửa từ phim mà ông đang sở hữu. |
- Với vai trò là Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Hà Nội, ông có ý kiến như thế nào về những tranh cãi xung quanh bản quyền những bức ảnh về ngày giải phóng thủ đô 10/10/1954 đang gây chú ý trong dư luận thời gian qua?
- Tôi nghĩ rằng việc này cần giải quyết ổn thỏa và đảm bảo bản quyền của tác giả, phải làm rõ ai là tác giả của bức ảnh này. Có hai bức ảnh giống nhau không hay chỉ có một bức ảnh? Vì hai nhiếp ảnh cùng một lúc chụp một hoạt động, không thể đứng chồng lên nhau để chụp cùng một góc độ để cho ra đời hai bức ảnh giống nhau y hệt được, chỉ cần lệch đi một độ là nó đã khác rồi.
Thật ra việc tranh chấp này đã xảy ra từ cách đây một năm, tạp chí Nhiếp ảnh của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam từng phản ánh vấn đề này.
- Việc tranh luận diễn ra từ một năm nay, tại sao Hội không đứng ra giải quyết?
- Vì Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh không hề nhận được ý kiến gì từ phía gia đình cố nghệ sĩ Vũ Minh, đến giờ phút này Hội vẫn đợi một cái đơn đề nghị từ phía gia đình ông thì mới vào cuộc làm sáng tỏ vụ việc.
- Vậy Hội có ý định dùng danh nghĩa của mình để đứng ra giải quyết?
- Hội không làm như vậy được, vì gia đình cố nghệ sĩ Vũ Minh còn đó, phải dựa trên yêu cầu từ phía gia đình.
Hội đã có Trung tâm bản quyền và mới đây trung tâm đã giải quyết ổn thỏa một vụ việc, đó là xem xét lại bức ảnh của nhiếp ảnh gia Trần Lam trong TP.HCM - bức ảnh Đêm trăng Lăng Bác, vụ việc đã được giải quyết, trung tâm bản quyền đã làm việc đó rất hay.
Còn trường hợp đang nói đến, nếu từ hai phía có đơn kiện về bản quyền bức ảnh ngày giải phóng thủ đô thì trung tâm bản quyền sẽ đứng ra xem xét và giải quyết chuyện đó.
Thời gian diễn ra tranh chấp cũng khá lâu, đã bao giờ Hội tìm cách liên hệ với gia đình cố nghệ sĩ Vũ Minh để hướng dẫn, đề nghị gia đình chính thức lên tiếng yêu cầu giải quyết vụ việc?
- Chưa, việc đó thì Hội chưa làm.
 |
Nghệ sĩ Dương Tiến gửi thư cho nghệ sĩ Mạnh Thường bức xúc về vấn đề này. |
- Nếu như vì lý do gì đó mà gia đình cố nghệ sĩ Vũ Minh không có đơn gửi lên Hội, thì có phải nghiễm nhiên những bức ảnh đó thuộc bản quyền của nhiếp ảnh gia Đào Trình, vì hiện ông Đào Trình nói mình đang giữ tấm phim gốc của bức ảnh?
- Không thể có chuyện nghiễm nhiên được, vì thứ nhất dư luận đã lên tiếng phản đối, nhiều nghệ sĩ cũng bức xúc, chúng tôi cũng đã đăng bài viết về sự việc này trên tạp chí Nhiếp ảnh Việt Nam và cũng đã có những chứng cứ rất thuyết phục của các nghệ sĩ khác chứng minh bức ảnh là của cố nghệ sĩ Vũ Minh.
Thứ hai chưa có căn cứ nào nói rằng nó là phim gốc cả. Bức ảnh của cố nghệ sĩ Vũ Minh được chụp bằng máy ống rộng ngày xưa, trong khi đó ông Đào Trình lại đưa ra cái phim nhỏ, mà các nhà kĩ thuật nhiếp ảnh nói phim nhỏ đó hoàn toàn có thể chụp lại từ ảnh to ra được, rồi cứ đưa ra nói là phim gốc, chứ không nghĩ đó chỉ là phim chụp lại. Có nghĩa là ông Đào Trình hoàn toàn có thể chụp lại bức ảnh của cố nghệ sĩ Vũ Minh và nói rằng mình giữ phim gốc.
- Vậy theo ý kiến của cá nhân ông, thì bức ảnh đó là của tác giả nào?
- Tôi nghiêng về ý kiến đây là những bức ảnh của cố nghệ sĩ Vũ Minh.
- Có nghĩa là chuyện chỉ có thể được làm sáng tỏ khi gia đình cố nghệ sĩ Vũ Minh có đơn khiếu nại?
- Nếu bây giờ gia đình nghệ sĩ Vũ Minh có ý kiến Hội sẽ thành lập một hội đồng, trung tâm bản quyền Hội nghệ sĩ sẽ đứng ra giải quyết ổn thỏa vụ việc này.
Tranh chấp xung quanh bức ảnh Chủ tịch Trần Duy Hưng vẫy chào nhân dân Hà Nội diễn ra năm 2007 cũng liên quan đến nghệ sĩ Đào Trình. Nhiều năm trước đó, bức ảnh vẫn được hiểu là của NS Nguyễn Duy Kiên, nhưng đến năm 2007, NS Đào Trình đăng báo bức ảnh này, nhận mình là tác giả và gửi hồ sơ lên Hội NSNA VN và Hội Nhiếp ảnh TP.HCM đề nghị kiểm định tấm phim do ông đang giữ xem có phải là phim gốc hay không.
 |
Chủ tịch Trần Duy Hưng vẫy chào nhân dân Hà Nội (ảnh rửa từ phim được cho là phim gốc của NS Đào Trình). |
Ngày 5/11/2007, Hội đồng Nghệ thuật Hội Nhiếp ảnh TP.HCM đã họp và ra văn bản chứng nhận phim chụp bức ảnh Chủ tịch Trần Duy Hưng vẫy tay chào nhân dân Hà Nội của NS Đào Trình là phim gốc.
Còn gia đình NS Nguyễn Duy Kiên thì không lưu giữ được phim gốc bức ảnh này. Vì vậy, bản quyền bức ảnh đã được coi là thuộc về NS Đào Trình, người đang giữ phim gốc trong tay.
Lần này, với vụ tranh cãi về quyền tác giả bức ảnh Trung đoàn Thủ đô về Hà Nội ngày 10/10/1954 liệu giữa NS Đào Trình và NS Vũ Minh (đã mất), liệu kịch bản tương tự có lặp lại nếu gia đình NS Vũ Minh không lên tiếng hoặc lên tiếng nhưng không đưa ra được chứng cớ nào chứng minh gia đình có ảnh gốc?
Theo Thùy Linh (vtc.vn)