Tại sự kiện này, khách mời sẽ có cơ hội lắng nghe chia sẻ cũng như trao đổi, thảo luận với Ông Andrej Motyl - Đại sứ Thụy Sỹ tại VN, ông Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế về những kinh nghiệm của Thụy Sĩ trong việc cải cách thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển cũng như thu hút được đầu tư nước ngoài; những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể áp dụng.
 |
Lễ ra mắt cuốn sách "Swiss Made" |
Năm 2012, GDP của Thụy Sĩ đạt hơn 600 tỉ đô-la Mỹ, tương đương với thu nhập bình quân đầu người hàng năm của quốc gia là trên 75 nghìn đô-la. Trong khi đó, tại Mỹ, thu nhập bình quân đầu người là 50 nghìn đô-la; tại Pháp và Đức, con số này khoảng 43 nghìn đô-la, còn tại Anh Quốc là 41 nghìn đô-la. Thụy Sĩ cũng có tỷ lệ bằng sáng chế, tỷ lệ số người đoạt giải Nobel trên đầu người cao nhất thế giới, được xếp hạng là quốc gia cạnh tranh nhất thế giới, và hệ thống giáo dục cũng thuộc loại tốt nhất thế giới.
Tại sao đất nước Thụy Sĩ- một nước nhỏ, không giáp biển và chỉ có nguồn tài nguyên ít ỏi là nước và thắng cảnh tuyệt đẹp phục vụ du lịch - lại gặt hái được rất nhiều thành công trong một thời gian dài như vậy? Trong ngân hàng, dược phẩm, máy móc, thậm chí dệt may, ở bất cứ lĩnh vực nào công ty Thụy Sĩ xếp hạng cùng với các đối thủ cạnh tranh toàn cầu lớn nhất và mạnh nhất. Làm thế nào mà họ đạt được điều đó? Thụy Sĩ có thể tiếp tục duy trì được điều đó trong một nền kinh tế toàn cầu siêu cạnh tranh như hiện nay hay không?
R. James Breiding, cố vấn đầu tư của Mỹ và cựu phóng viên tạp chí Economist thường trú tại Thụy Sĩ, đã hé mở bí ẩn này trong cuốn sách của ông Swiss Made - Chuyện chưa từng kể về những thành công phi thường của đất nước Thụy Sĩ. Giống như như một chuyên gia đã có cơ hội vào nhà bếp và nắm bắt được bí mật của đầu bếp, cuốn sách cung cấp cho người đọc những nghiên cứu cụ thể và đánh giá sâu sắc về các lĩnh vực kinh tế nổi trội tại Thụy Sĩ, những nguyên nhân cơ bản nhất giúp doanh nghiệp và nền kinh tế Thụy Sĩ gặt hái được nhiều thành công đáng ngưỡng mộ như hiện nay.
Đây chính là một cuốn bách khoa toàn thư sống mãi với thời gian, chứa đựng những bài học hàng trăm năm kinh nghiệm đã được kiểm chứng trong tư duy và hành động thực tế của người Thụy Sĩ, từ các chính khách, nhà quản lý, các doanh nhân cho đến những công dân bình thường. Những bài học được đúc rút này đã tác động sâu sắc đến Kiến trúc luật pháp, hành chính, giáo dục và cơ sở hạ tầng của đất nước, trở thành nền tảng cho một sân chơi công bằng của mọi công dân và doanh nhân, từ đó thúc đẩy đãi ngộ hiền tài và sáng tạo.
Chính việc cho phép mọi công dân, vùng miền, các hình thái chính trị đa dạng, chủ sử dụng lao động, người lao động tham gia vào quá trình ra quyết định đã biến Thụy Sĩ thành nơi trú ẩn của sự Ổn định, Sáng tạo và Thịnh vượng. Ngoài ra quá trình hội nhập liên tục của các Dân tộc từ khắp nơi trên thế giới đã đem lại nguồn động lực giúp Thụy Sĩ không ngừng tự đổi mới, trong khi vẫn giữ vững những nguyên tắc bất biến như lối tư duy và hành động cẩn trọng, hay thái độ bảo vệ thiểu số và tôn trọng suy nghĩ của thiểu số.
Tại hội thảo này, hai diễn giả chính - Ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan- cùng Ông Andrej Motyl, Đại sứ Thụy Sỹ tại VN, sẽ chia sẻ sâu với độc giả những kinh nghiệm chính phủ Thụy Sĩ trong việc cải cách thể chế giúp xây dựng, hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung phát triển, nâng cao sức cạnh tranh như thế nào.
Sự suy thoái của nền kinh tế và triển vọng kinh tế ảm đạm hiện nay làm cho cạnh tranh quốc tế khốc liệt hơn bao giờ hết cả ở Việt Nam và Thụy Sĩ. Trong bối cảnh này, chia sẻ và thảo luận về kinh nghiệm thành công Thụy Sĩ … có thể giúp nâng cao hơn nữa sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường nói chung và quốc tế nói riêng./.
Nhất Anh