Khơi thông dòng vốn tín dụng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn

Thứ hai, 27/03/2023 16:15
(ThanhtraVietNam) - Chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn của nước ta đã phát huy vai trò quan trọng trong việc khơi thông dòng vốn tín dụng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực… góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Khơi thông và chuyển tải nguồn vốn tín dụng đến người nông dân một cách hiệu quả nhất

Những năm qua, chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn của nước ta đã phát huy vai trò quan trọng trong việc khơi thông dòng vốn tín dụng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực… Với trần lãi suất cho vay ngắn hạn thấp hơn so với các lĩnh vực khác, các gói tín dụng phù hợp được đưa ra với từng lĩnh vực, ngành hàng, nhiều hình thức, giải pháp hỗ trợ cho vay được đẩy mạnh… đã giúp tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn cao hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng.

Với quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện thấp hơn từ 1% - 2% lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác; các ngân hàng cũng đồng thời triển khai nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) mở rộng tín dụng nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với đó, chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như lúa gạo, thủy sản, cà phê… Do vậy, các đối tượng khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có điều kiện tiếp cận được nhiều hơn nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Việc triển khai thực hiện những chính sách trên đã góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tín dụng của ngành ngân hàng cho khu vực này đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu như trước đây, chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thì hiện nay có tới 70 ngân hàng thương mại, hơn 1.100 quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia cho vay lĩnh vực này.

Mô hình ngân hàng lưu động của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội được đặt tại hầu hết các xã, thôn, bản của 63 tỉnh, thành phố đã hỗ trợ tài chính và cung cấp dịch vụ ngân hàng tới đại đa số người dân trên phạm vi cả nước, kể cả người dân ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Tín dụng tiêu dùng, phục vụ đời sống đã được các TCTD triển khai mạnh mẽ hơn ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã công bố và triển khai trong toàn hệ thống Chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô khoảng 5.000 tỷ đồng phục vụ mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết của khách hàng cá nhân, hộ gia đình như các nhu cầu mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình, chi phí học tập, khám chữa bệnh,… các nhu cầu vốn không quá 30 triệu đồng; thời gian sử dụng vốn ngắn và khách hàng chứng minh được nguồn trả nợ sẽ được ngân hàng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm với mức lãi suất hợp lý và giải ngân trong ngày.

Đặc biệt, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được ngành ngân hàng triển khai sâu rộng, không chỉ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho các doanh nghiêp nói chung mà còn chú trọng tới các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, liên kết với nông dân trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nông thôn…

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 

Cần tiếp tục xác định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên

Kết quả đầu tư tín dụng trong nông nghiệp, nông thôn đã góp phần không nhỏ giúp người dân, doanh nghiệp có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân khu vực nông thôn, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng đối với ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, trong đó tốc độ tăng trưởng năm 2018 đạt 3,76%, cao nhất trong giai đoạn 2012 - 2018, góp phần tích cực tạo sự bứt phá trong tăng trưởng GDP năm 2018 với mức tăng 7,08%.

Diện mạo vùng nông thôn có nhiều thay đổi tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện. Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã có bước chuyển dịch tích cực theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản hàng hóa có nhu cầu thị trường và có giá trị kinh tế cao...

Tiếp tục phát huy những tiềm năng, lợi thế cũng như kết quả đã đạt được, các chuyên gia tài chính cho rằng định hướng chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thời gian tới cần tiếp tục xác định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên và chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất các giải pháp hỗ trợ vốn đầu tư phục vụ cho phát triển của khu vực này. Đầu tư cho vay cần hướng tới sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tăng khả năng liên kết trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất trong thời gian tới; xác định doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là đối tượng khách hàng quan trọng trong chính sách tín dụng của các ngân hàng.

Tích cực triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong đó kết hợp giữa chính sách tín dụng thương mại để phát triển nâng cao đời sống người dân với cho vay các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước.

Cũng như tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để mọi người dân, doanh nghiệp ở nông thôn nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Nhà nước và các quy định của TCTD về cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; lợi ích của cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Không những vậy, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các TCTD xây dựng và triển khai những sản phẩm tín dụng phù hợp với người nông dân và đặc thù của sản xuất nông nghiệp; kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chỉ đạo hệ thống ngân hàng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay...

Ngoài ra, các TCTD đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, cung ứng các sản phẩm tiện ích ứng dụng công nghệ mới phù hợp với nhu cầu của người dân, doanh nghiệp tại khu vực nông thôn. Phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết, giúp tăng giá trị gia tăng trong sản xuất, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đảm bảo khơi thông và chuyển tải nguồn vốn tín dụng đến người nông dân một cách hiệu quả nhất./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra