Tổng số hơn 22.343.000 hồ sơ phải giải quyết trong năm 2022
Theo Phó Chủ tịch UBND TP, trong năm qua, TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp và đã có nhiều sáng kiến, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, TP đã xây dựng và triển khai thực hiện Tháng hành động “Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trong ngày”; qua đó Thành phố đã thực hiện 58 thủ tục hành chính tiếp nhận và giải quyết trong một ngày làm việc. Sau hoạt động này, TP tiếp tục duy trì và pháp lý hóa toàn bộ quy trình giải quyết 58 thủ tục này.
Bên cạnh đó, TP đã xây dựng và phát triển kho dữ liệu dùng chung của TP để phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính. Đối với cơ sở dữ liệu Hộ tịch: TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành số hóa 4 loại sổ hộ tịch (sổ đăng ký kết hôn; sổ đăng ký khai sinh; sổ đăng ký khai tử và sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con) với tổng số trên 12,8 triệu hồ sơ. Tất cả dữ liệu số hóa Sổ hộ tịch của TP đã được đồng bộ với cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp. Từ ngày 15/6/2022, TP thực hiện cấp bản sao trích lục kết hôn, khai sinh, khai tử, đăng ký nhận cha, mẹ, con từ dữ liệu số hóa sổ hộ tịch tại Kho dữ liệu dùng chung TP cho người dân mà không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch và nơi cư trú. Người dân sẽ không phải mất thời gian về nơi cư trú trước đây hoặc nơi đăng ký hộ tịch để trích lục tại bất cứ phường, xã, thị trấn nào trên địa bàn TP.
Ngoài ra, TP tiếp tục thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân, doanh nghiệp ngoài giờ hành chính; thực hiện các mô hình, giải pháp cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Trong năm 2022, tổng số hồ sơ các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn TP tiếp nhận giải quyết trong kỳ báo cáo được tổng hợp là khoảng 22.343.000 hồ sơ (tăng 24,8% so với năm 2021), đã giải quyết 22.305.000 hồ sơ; trong đó hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,84% và hồ sơ giải quyết quá hạn là 0,16%.
Có thể thấy, qua các con số nêu trên, nếu tính về số tương đối thì số hồ sơ giải quyết quá hạn của TP trong năm 2022 không cao, tuy nhiên, nếu tính về con số tuyệt đối thì số hồ sơ giải quyết quá hạn của TP là rất lớn với 37.355 hồ sơ. Như vậy, TP cũng tự đánh giá có hơn 30.000 người dân hoặc doanh nghiệp chưa thật sự hài lòng với sự giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính trên địa bàn TP.
    |
 |
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị (Ảnh: CTTĐT.TPHCM) |
Năm 2023, TPHCM chọn chủ đề năm là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”; trong đó, lấy việc nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ của cán bộ công chức là nội dung quan trọng, góp phần tác động tích cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp, từng bước cải thiện các chỉ số có liên quan đến cải cách hành chính như: PCI, PAR INDEX, SIPAS. Điều này thể hiện quyết tâm cao của chính quyền TP trong thay đổi cách thức làm việc của cán bộ công chức để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
5 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trong thời gian tới
Cũng theo Phó Chủ tu5ch UBND thành phố, trong thời gian tới, UBND thành phố đề ra 5 giải pháp để thực hiện, cụ thể:
Một là, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức TP thông qua việc tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức một cách nghiêm túc, khoa học và hiệu quả. Từng cơ quan, đơn vị tổ chức rà soát trách nhiệm cao của từng công chức; điều phối công chức hợp lý, tăng cường công chức đến những bộ phận đang có nhiều áp lực để xử lý hồ sơ tồn đọng. Mỗi cán bộ công chức tự rà soát, phân nhóm và xây dựng kế hoạch xử lý, phấn đấu đến cuối năm 2023 hồ sơ mới phải hoàn thành đúng hạn, hồ sơ cũ và tồn tại phải cơ bản hoàn thành. Trong trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có những hành vi vi phạm, nhũng nhiễu thì TP sẽ xem xét xử lý và điều chuyển phân công công việc khác.
Hai là, tiếp tục đề cao trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo, điều hành hoạt động cải cách hành chính. Từng cơ quan, địa phương xây dựng giải pháp khắc phục ngay đối với việc giải quyết hồ sơ quá hạn, hồ sơ tồn đọng kéo dài. Đặc biệt là xử lý nghiêm đối với các trường hợp giải quyết quá hạn, tồn đọng kéo dài do yêu tố chủ quan, xử nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để nêu gương.
Ba là, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước, thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể TP với UBND các quận - huyện trong công tác tham mưu và triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo hướng: rõ nội dung, rõ trách nhiệm, rõ kết quả ở từng khâu, từng đơn vị; có sự giám sát, kiểm tra chéo trong nội bộ; công khai, minh bạch từng quy trình, từng bước, xây dựng hoàn thiện đưa vào hoạt động quy trình liên thông điện tử; tăng cường sự giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, cấp ủy và các thành viên, đại biểu Hội đồng nhân dân, người dân và đơn vị báo chí, truyền thông.
Bốn là, vận hành, phát triển Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP, kết nối dịch vụ công quốc gia. Tiếp tục xây dựng và triển khai Kho dữ liệu dùng chung của TP, thực hiện số hóa hồ sơ, hồ sơ thủ tục hành chính; áp dụng chữ ký số trong giải quyết hồ sơ và lưu trữ hồ sơ được số hóa, phục vụ cho việc quản lý, khai thác tài liệu điện tử trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Cuối cùng là phát động phong trào thi đua, đề xuất và xây dựng các mô hình, giải pháp đột phá, sáng tạo, hiệu quả gắn với Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, qua đó khắc phục tình trạng giải quyết hồ sơ quá hạn, hồ sơ tồn đọng kéo dài do vướng mắc về pháp luật trên địa bàn TP.