Không thể “gán” bánh chưng với triết lí “trời tròn đất vuông”

Chủ nhật, 02/02/2014 08:36
(ThanhtraVietnam) - Đã gọi “bánh chưng” là người ta nghĩ ngay tới chiếc bánh chưng vuông, cũng cùng gạo ấy, nhân ấy nếu không gói thành hình vuông thì nhất quyết không được gọi là bánh chưng, như bánh tét đâu có được gọi là bánh chưng? Không có bánh chưng đố mà thành ngày Tết! Ấy vậy mà câu hỏi bánh chưng có nguồn gốc từ đâu và tại sao lại gói hình vuông thì đến nay vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp thực sự thuyết phục. 


Bánh chưng trong Tết của người Việt 

Trong tâm thức người Việt, chiếc bánh chưng xanh gắn liền với cái Tết cổ truyền: 

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh

Bất chấp hiện thời, bánh chưng đã được bán hàng ngày như một thứ hàng quà để phục vụ cho nhu cầu thích đổi món ăn chơi của người dân, nhất là dân đô thị, song nó vẫn không hề mất đi ý nghĩa thiêng liêng của mình, vẫn là món ăn nghi lễ trong các ngày lễ hội, giỗ tết, nhất là Tết Nguyên đán. Lạ thế.  

Cho đến nay, “cây nêu”, “câu đối đỏ” không còn thịnh hành; ‘tràng pháo” đã bị cấm từ lâu, nhưng “thịt mỡ”, “bánh chưng xanh” chắc sẽ còn lưu truyền mãi mãi, sẽ không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên của mỗi gia đình trong những ngày Tết.  

Quen thuộc lắm hình ảnh con cháu quây quần bên người cha, người ông là những “lực sĩ thức đêm” trong nhà canh nồi luộc bánh. Mà bánh chưng lại cứ phải luộc bằng củi gộc mới ngon. Luộc bằng những kiểu khác tuy cũng chín rền, nhưng hương vị sẽ không còn được giữ nguyen chính hiệu. Những đứa trẻ má ửng hồng bên nồi bánh chưng, háo hức đợi cha vớt cho chiếc bánh nhỏ xíu làm riêng bởi bao giờ chiếc bánh đó cũng chín sớm nhất. Người cha chiều con lại cột thêm cho sợi dây dài, thế là đứa trẻ cầm chiếc bánh tí hon tòng teng chạy khắp nhà. Đối với bọn trẻ, chiếc bánh đó bao giờ cũng ngon nhất và đôi khi được để dành đến tận ra Tết. 

Trong các loại bánh cổ truyền của Việt Nam, những loại có hình vuông chỉ đếm được trên đầu ngón tay như bánh chưng, bánh xu sê, bánh cốm… Trong tiếng Việt, đã nói “bánh chưng” thì dứt khoát là chỉ chiếc bánh chưng vuông, còn những loại bánh cũng thuộc “dòng bánh chưng” mà không có hình vuông (như bánh tét, bánh tày, bánh đòn…) thì chẳng bao giờ được gọi là bánh chưng.   

Vì sao lại gói bánh chưng hình vuông? 

Lâu nay, dường như đã ăn sâu trong tiềm thức, phần lớn người Việt đều cho rằng, sở dĩ bánh chưng có hình vuông là người xưa đã gói chúng theo triết lí “trời tròn đất vuông”: Bánh chưng vuông tượng trưng cho đất, bánh dày tròn tượng trưng cho trời.  Bánh chưng dùng dâng Giỗ Tổ Vua Hùng cũng có hình vuông. 

Ấy vậy mà trong thực tế, ở một số vùng, ngay cả ở Phú Thọ - vùng trung du đất Tổ của các vua Hùng, cũng không thịnh hành gói bánh chưng hình vuông mà gói dạng tròn dài, gọi là "bánh chưng dài", hay "bánh tày". Bánh tày còn là loại bánh Tết ở Kinh Bắc và tại nhiều vùng dân tộc thiểu số miền Bắc Việt Nam.  

Nên giải thích hiện tượng này ra sao đây? 

Mơ hồ trong cách hiểu 

Trước tiên, xin thử quay về “Truyện bánh chưng” trong “Lĩnh Nam chích quái”. 

Trong truyện có đoạn: “…Một đêm kia, mộng thấy có thần nhân tới nói rằng: “Các vật trên trời đất và mọi của quý của người không gì bằng gạo. Gạo có thể nuôi người khỏe mạnh mà ăn không bao giờ chán, các vật khác không thể hơn được. Nay đem gạo nếp làm bánh, cái hình vuông, cái hình tròn để tượng trưng hình trời đất rồi dùng lá bọc ngoài, ở trong cho mỹ vị để ngụ ý công đức sinh thành lớn lao của cha mẹ”. Lang Liêu tỉnh dậy, mừng rỡ mà nói rằng: “Thần nhân giúp ta vậy!”. Nói rồi bèn theo lời dặn trong mộng mà làm, chọn thứ gạo nếp trắng tinh, lặt lấy những hạt tròn mẩy không bị vỡ, vo cho thật sạch, lấy lá xanh bọc xung quanh thành hình vuông, cho trân cam mỹ vị vào bên trong để tượng trưng cho trời đất, vạn vật rồi nấu chín, gọi là bánh chưng. Lại lấy gạo nếp nấu chín, giã cho nát, nặn thành hình tròn,tượng trưng cho trời gọi là bánh dày.

Ở đây, ta sẽ thấy có những  điểm “vênh” đáng lưu ý: Câu “lấy lá xanh bọc xung quanh thành hình vuông, cho trân cam mỹ vị vào bên trong để tượng trưng cho trời đất, vạn vật rồi nấu chín, gọi là bánh chưng” đã được dịch chưa đúng hoàn toàn so với nguyên bản Hán văn. Cần phải dịch lại thành: “lấy lá xanh bọc xung quanh thành hình vuông, cho trân cam mỹ vị vào bên trong để tượng trưng cho trời đất bao chứa vạn vật, rồi nấu chín, vì thế mà gọi là bánh chưng”. 

Như vậy, trong “Truyện bánh chưng”, nói gói bánh chưng hình vuông là “để tượng trưng cho trời đất bao chứa vạn vật”, chứ không phải là “để tượng trưng cho trời đất, vạn vật”.  Cách lí giải ý nghĩa của chiếc bánh chưng ở đây là mang tính khái quát, chỉ chung cho trời đất bao chứa vạn vật, chứ không phải nói đích xác là bánh chưng được gói thành hình vuông để “tượng trưng cho trời”. Vì thế không thể “vin” theo Truyện bánh chưng trong “Lĩnh Nam chích quái” để mà khẳng định “bánh chưng hình vuông là tượng trưng cho trời” được. Lời trong truyện đâu có nói thế?  

Cũng có người sẽ “vin” vào cớ trong truyện bảo: “Lại lấy gạo nếp nấu chín, giã cho nát, nặn thành hình tròn, tượng trưng cho trời gọi là bánh dày”, rồi dùng phép loại suy để nói thứ bánh vuông còn lại dứt khoát phải là bánh chưng, hay nói cách khác, bánh chưng là hình vuông. Thử hỏi suy diễn như vậy liệu có sức thuyết phục không? Ai đó có quyền suy diễn thế nào thì tùy, còn ở đây chúng tôi chỉ muốn nói: Trong Truyện không có câu nào nói đích danh bánh chưng được “nặn thành hình vuông tượng trưng cho đất” tương tự như khi nói về bánh dày cả. Người đời nay chỉ dựa vào một câu chuyện kể theo truyền thuyết rồi khẳng định chắc chắn, liệu rằng có quá viển vông?  

Vả lại, lấy gì bảo đảm người chép nên truyện này đã không tự ý đưa ý tưởng gán ghép riêng của mình vào mà không dựa trên một nền tảng triết lí đích thực?   

Vậy thì căn cứ vào đâu để khẳng định một cách chắc chắn rằng bánh chưng bánh dày là gắn với triết lí “trời tròn đất vuông”? Chỉ một trong hai cái ấy không tạo được hiệu ứng tương tự. Vuông đứng một mình chỉ là vuông. Tròn đi một mình chỉ là tròn. Nhưng “vuông tròn” sẽ tạo nên khái niệm trời đất. 

Như vậy, có thể thấy, chỗ dựa vững chãi nhất cho triết lí bánh chưng tượng trưng cho “trời tròn đất vuông” là “Truyện bánh chưng” trong “Lĩnh Nam chích quái”. Thế nhưng “Lĩnh Nam chích quái” đâu phải là chính sử? “Lĩnh Nam chích quái”, còn gọi là “Lĩnh Nam chích quái truyện”, là bộ thư tịch cổ của Việt Nam được viết bằng Hán ngữ văn ngôn, nội dung gồm những câu chuyện thần thoại được lưu truyền trong dân gian là chính.  Nguyên tác giả chưa rõ, tương truyền là Trần Thế Pháp soạn, thế nhưng Trần Thế Pháp sống vào thời nào vẫn chưa thể biết đích xác, ngay cả nguyên bản “Lĩnh Nam chích quái” của ông cũng chẳng được lưu truyền lại. Những câu chuyện thần thoại trong sách đã xuất hiện từ đời Lí – Trần.  

Đến cuối thế kỉ 15, xuất hiện phiên bản 2 quyển gồm hơn 20 truyện do Vũ Quỳnh, Kiều Phú tu đính hiệu chính. Sau này người đời còn thêm những câu chuyện khác nữa vào sách. “Lĩnh Nam chích quái” không phải là thủ bút của một tác giả, mà cũng không phải viết ở cùng một thời kì, chủ yếu là sưu tập từ các truyền thuyết thần thoại Việt Nam, truyện truyền kì Trung Quốc, cùng một số ít thần thoại Ấn Độ.  

Như vậy, nếu dựa vào “Lĩnh Nam chích quái” để lí giải về bánh chưng là điều không thể, và triết lí bánh chưng tượng trưng cho “trời tròn đất vuông” hoàn toàn mơ hồ. 

Về triết lí “trời tròn đất vuông” 

 “Trời tròn đất vuông” (nguyên văn tiếng Hán: Thiên viên địa phương天圆地方),  là một dạng thể hiện của Học thuyết âm dương. Học thuyết âm dương ngũ hành là tư tưởng triết học duy vật biện chứng thô phác cổ đại của Trung Quốc. Văn hóa truyền thống Trung Quốc phong phú tinh thâm, mà Học thuyết âm dương lại là cốt lõi và tinh thần của văn hóa ấy. Học thuyết âm dương, mang màu sắc phép biện chứng thô phác, là phương thức tư duy nhận thức thế giới của các nhà hiền triết Trung Quốc, thực tiễn xã hội mấy ngàn năm đã chứng minh được tính chuẩn xác của nó, mà “trời tròn đất vuông” là một dạng thể hiện cụ thể của học thuyết này. 

Trong “thiên viên địa phương” còn hàm chứa một lí thuyết tinh hoa của văn hóa truyền thống Trung Quốc: Vạn sự vạn vật đều từ không đến có, đồng thời còn có mối quan hệ chặt chẽ với sự biến đổi năng lượng trong trời đất, cho nên người xưa nói “thiên địa hợp nhất”. Gốc rễ bản chất của “thiên viên địa phương” là bắt nguồn từ sự tiến hóa của Bát quái tiên thiên, suy ra vận hành đồ của trời đất, cũng chính là “Thiên viên địa phương đồ” (do nhà tu hành Đạo gia Trần Đoàn lão tổ truyền lại) . 

“Thiên viên địa phương” về bản chất là sự độc giải về sự sinh thành cùng sự vận hành của trời đất trong hệ âm dương “Kinh dịch”. Mà “Kinh dịch” lại là Bách kinh chi thủ, là cội nguồn của Quốc học Trung Quốc, hệ thống tư tưởng của nó cho rằng vạn sự vạn vật đều diễn hóa theo Âm dương Ngũ hành mà ra, vì thế trong các môn khoa học thời cổ, đều có hệ thống tư tưởng của Âm dương Ngũ hành nằm trong đó.  

Như vậy, theo người xưa, “vuông, tròn” ở đây vốn không phải là hình hình học có giới hạn, mà là một sự trừu tượng về tính chất. Cũng giống như Ngũ hành trong cơ thể, không thể cảm nhận một cách ngớ ngẩn mà nói trong cơ thể người có sinh gỗ và sinh vàng. 

Cho nên ý nghĩa của “viên” ở đây phải là ý nghĩa thể hiện sự biến động, linh hoạt, cứu tế cho, còn ý nghĩa của “phương” ở đây là ý nghĩa thể hiện sự thừa tải, ổn định, bất động, chứ không phải là hình hình học theo nghĩa hẹp. Ví dụ như làm người đối nhân xử thế phải “ngoài tròn trong vuông” (ngoài mặt thì xuề xòa, bên trong thì cương quyết) chính là thể hiện ngữ nghĩa này. “Vuông tròn” trong kiến trúc hoặc về hình học cũng chỉ là một sự tượng trưng cho tính chất trừu tượng này.  “Vuông tròn” không hề bị giới hạn trong hình hình học, mà là một loại trừu tượng triết học.  

Trở lại vấn đề, khái niệm “vuông tròn” trong văn hóa Việt cũng không phải chỉ “vuông”, “tròn” theo nghĩa hình hình học, mà cũng mang ý nghĩa khái quát. Từ “vuông tròn” trong tiếng Việt chỉ sự tốt đẹp về mọi mặt, thường nói về chuyện tình duyên hay việc sinh đẻ, như sinh nở được vuông tròn, mẹ tròn con vuông (có nghĩa là cuộc sinh nở tốt đẹp bình thường, cả hai mẹ con đều khỏe mạnh, một kết quả đúng như người ta trông đợi.), hay tính cuộc vuông tròn (có nghĩa là tính chuyện hôn nhân). 

Hãy lấy một câu khác: “Trăm năm tính chuyện vuông tròn” . “Chuyện vuông tròn” là chuyện lứa đôi, chuyện âm dương kết hợp để tồn tại và tiếp nối dòng sinh hóa. Hoặc: Đấy mà xử ngãi (nghĩa) vuông tròn / Ngàn năm ly biệt vẫn còn đợi trông (Ca dao), Thì “ngãi vuông tròn” là nghĩa vợ chồng, nghĩa thủy chung. Đó là chuyện ăn đời ở kiếp với nhau. Tiếng Việt cũng có “ngoài tròn trong vuông” mói về phép ứng xử khôn khéo… 

Qua đây có thể thấy, nếu đem triết lí “trời tròn đất vuông” để giải thích cho hình dáng chiếc bánh chưng có hình vuông thì quả là thật khiên cưỡng.

 

Trung Thuần (Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam)

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra