Kiểm toán Nhà nước: Kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng

Thứ năm, 11/04/2019 10:30
(ThanhtraVietNam) – Đây là nội dung hội thảo “Cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước góp phần phòng, chống tham nhũng – Thực trạng và giải pháp hoàn thiện” do Kiểm toán nhà nước tổ chức sáng 11/4 tại Hà Nội.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội thảo (ảnh: Minh Nguyệt)

Hội thảo nhằm phân tích, đánh giá, trao đổi quan điểm và làm rõ vai trò của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong kiểm soát quyền lực công, góp phần phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Trong đó, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ một số vấn đề lý luận về quyền lực và kiểm soát quyền lực để PCTN; làm rõ vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực góp phần PCTN, thực trạng việc kiểm soát quyền lực để PCTN thông qua hoạt động kiểm toán cũng như thực trạng thi hành các quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực PCTN tại KTNN thời gian qua; chia sẻ các bài học, kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực PCTN của các cơ quan Kiểm toán tối cáo và những gợi mở cho Việt Nam; tập trung làm rõ các vướng mắc, bất cập đối với cơ chế giám sát, phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan có chức năng PCTN.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đặng Thế Vinh – Phó Tổng KTNN cho rằng: “Thực chất tham nhũng là xoay quanh vấn đề quyền lực và sự tha hóa quyền lực, không có tha hóa quyền lực thì khó có tham nhũng xảy ra, tha hóa quyền lực là mảnh đất màu mỡ để tham nhũng tồn tại, phát triển”.

leftcenterrightdel
 Ông Đặng Thế Vinh - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước (ảnh: Minh Nguyệt)

Trong những năm qua, nhất là từ khi thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, KTNN đã xây dựng kế hoạch kiểm toán tập trung vào những vấn đề được Quốc hội, Chính phủ và xã hội quan tâm, các lĩnh vực trọng yếu dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí, như: Đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, các dự án BT, BOT, hệ thống ngân hàng thương mại với phương châm phòng là chính. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán, đôn đốc thu hồi nhanh chóng, dứt điểm tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát.

Bên cạnh đó, việc công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN được thực hiện định kỳ, có định hướng đã tạo được dư luận tốt. KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân nhiều vụ việc; chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự sang cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị được kiểm toán thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhất là việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, nghiêm minh và kịp thời. Việc khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán phục vụ cho công tác điều hành, kiểm tra, giám sát vẫn còn hạn chế.

Đặc biệt, ông Đặng Thế Vinh nhấn mạnh: “Cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát chưa thật hiệu quả, đôi khi còn trùng lắp, chồng chéo”.

Mặt khác, kết quả phát hiện những hành vi tham nhũng, lãng phí ngân sách, tiền và tài sản nhà nước còn hạn chế do quy trình, chuẩn mực và và phương pháp của kiểm toán chỉ dựa trên hồ sơ là chủ yếu; do kiểm toán viên KTNN chưa được đào tạo đầy đủ về pháp luật để nhận biết các dấu hiệu tham nhũng nên hạn chế trong việc phát hiện và đấu tranh với các hành vi tham nhũng khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

Chính vì vậy, hội thảo đã làm rõ các vấn đề lý luận, tìm ra các giải pháp có tính khả thi cao nhằm giúp cho các cơ quan nhà nước có thêm luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực. Đồng thời, giúp KTNN hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng, Quốc hội và Nhân dân./.

Minh Nguyệt

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra