Kinh tế Việt Nam năm 2014: Những cơ hội và giải pháp lớn

Thứ hai, 24/03/2014 13:54
(ThanhtraVietnam) - Theo TS.Nguyễn Minh Phong - Phó Ban tuyên truyền lý luận, Báo Nhân Dân, kinh tế Việt Nam trước thềm năm 2014 tiếp tục đối diện với những khó khăn như năm trước, song cũng đang và sẽ ngày càng có nhiều cơ hội tích cực cả từ bên ngoài và bên trong nước; do đó, sẽ rất cần những nỗ lực và động lực mới cả từ phía Chính phủ, ngân hàng và mỗi doanh nghiệp…


Những thách thức và cơ hội lớn từ trong nước

Ở trong nước, dù nhiều khó khăn, thách thức lớn của năm 2013 vẫn nặng nề đối với cả nền kinh tế và từng DN, nhất là sự gia tăng nợ xấu và sự cạnh tranh thị trường. Nền kinh tế không thể khởi sắc khi các doanh nghiệp chưa phục hồi và sản xuất kinh doanh hiệu quả. Tính tới cuối năm 2013, với số DN đăng ký mới trên 79 ngàn và DN tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động là khoảng 13 ngàn DN, song số DN dừng hoạt động và phá sản tới trên 61 ngàn, cộng đồng DN Việt Nam còn trên dưới 400 ngàn DN đang hoạt động với ít nhất 2/3 số đó không có lãi. Hơn nữa, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ, giảm dần trong các khối sản xuất. Điều này cũng phản ánh đúng một thực tế là hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đều phải đối mặt với tình trạng hàng tồn kho cao và thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp. Bên cạnh đó, tình trạng “chuyển giá”, “lỗ giả, lãi thật” của một số DN cả trong nước và DN có vốn nước ngoài cũng tác động đến việc thu NSNN và cạnh tranh lành mạnh thị trường.

Tuy nhiên, năm 2014 môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ những thuận lợi đến từ những cơ hội gia tăng xuất khẩu và đón nhận dòng vốn từ nước ngoài gắn với xu hướng hồi phục kinh tế thế giới nêu trên, cũng như từ cộng hưởng hiệu ứng tích cực của một loạt chính sách vĩ mô mà Việt Nam đã triển khai hay sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2014, nhất là chính sách giảm thuế (thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 01/01/2014 là 22% và sẽ giảm còn 20% kể từ ngày 01/01/2016).

Cơ hội kinh doanh trong nước cũng sẽ đậm hơn nhờ việc giảm lãi suất, tiếp tục nới lỏng linh hoạt tài chính và tín dụng, trong đó có mở rộng và tăng tốc giải ngân đầu tư công cho các dự án trong kế hoạch. Bên cạnh đó, niềm tin tiền đồng sẽ tiếp tục được giữ vững nhờ dự trữ ngoại hối tăng 3 lần trong năm 2013 và tỷ giá chỉ tăng khoảng trên dưới 2% trong cả năm 2013 và cũng tăng không quá 3% như cam kết mạnh mẽ của NHNN. Lạm phát sẽ được kiểm soát nhờ những nỗ lực nêu trên, cộng với nhiều cơ sở để tin rằng khó có việc tăng hoặc giảm mạnh sốc giá vàng năm 2014 sau khi đã rớt giá khoảng 30% trong năm 2013, nhất là khi đồng USD đang mạnh lên, các đại gia vàng giảm hứng thứ với cuộc chơi trên sân vàng, còn Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục độc quyền về nhập khẩu và mua bán vàng cuối cùng theo tinh thần Nghị định 24 mới được Thủ tướng tái khẳng định. Doanh nghiệp trong nước sẽ phần nào “dễ thở” hơn, dù tín dụng ngân hàng chưa dễ tiếp cận, sức tiêu thụ chung của thị trường và thị trường bất động sản trong nước chậm phục hồi, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ít đột phá.

Năm 2014, nhiều khả năng, các hoạt động mua bán, sáp nhập DN và chuyển nhượng các dự án, thu hút FDI sẽ tăng mạnh trong năm 2014, nhất là những lĩnh vực giàu tiềm năng của Việt Nam, như ngân hàng, chứng khoán, nông nghiệp, bất động sản, tiêu dùng. Quá trình này còn đuợc cộng huởng bởi sự tăng tốc quá trình cổ phần hoá DNNN trong năm, với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về đẩy mạnh tái cơ cấu chung, tăng cường công tác quản lý, giám sát, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, cùng với nỗ lực của các DN, cho phép tăng thêm kỳ vọng vào sự thành công của chặng đường tái cơ cấu DNNN nói riêng và tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế nói chung, từ đó tạo động lực và cơ hội mới phát triển hiệu quả hơn. Điều đáng chú ý là, dù sức ép nợ xấu còn nặng nề, nhưng tổng thể bức tranh nợ xấu năm 2014 có thể được cải thiện không chỉ bởi nỗ lực của mỗi DN, dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng và thông qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam-VAMC (cuối tháng 11-2013, VAMC đã mua được tổng số dư nợ gốc là 18.398 tỷ đồng); mà còn từ sự cân nhắc thực hiện Thông tư 02 và triển vọng xóa nợ của Chính phủ cho DN. Thông tư số 179 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 17-1-2014, qui định sẽ xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1-7- 2007 cho 5 đối tượng, gồm: Hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn, không thanh toán được số tiền thuế nợ, đã ngừng kinh doanh và 4 nhóm DNNN đặc thù; theo đó, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10 tỷ đồng trở lên. Bộ trưởng Bộ Tài chính xóa nợ từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xóa nợ dưới 5 tỷ đồng.

Theo khảo sát tháng 11/2013 của VCCI, hơn 62,3% số lãnh đạo từ các DN lớn Việt Nam nhận định doanh thu năm 2013 cao hơn năm 2012, còn 16,4% cho rằng kinh doanh vẫn "dậm chân tại chỗ" khi không có nhiều thay đổi về doanh số bán hàng. Chỉ 21,3% số CEO phàn nàn về doanh thu có dấu hiệu giảm sút so với năm trước. Hơn 83,6% các CEO tham gia khảo sát tỏ ra lạc quan trước dự báo về doanh thu của doanh nghiệp trong năm 2014 tới đây sẽ cao hơn so với năm 2013, còn 11,5% cho rằng tình hình kinh doanh sẽ không có nhiều thay đổi, chỉ chưa tới 5% dự đoán tình hình kinh doanh năm tới sẽ xấu đi.

Những con số khả quan trên chính là những động lực tích cực giúp các doanh nghiệp VNR500 nói riêng và cộng đồng giới kinh doanh Việt nói chung có thêm niềm tin để tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng trưởng trong tương lai. Như A.Braham Lincoln từng nói: "Thành đạt không phải ở người giúp đỡ mà chính do lòng tự tin". Với những gì doanh nghiệp Việt đã và đang làm được, có lẽ chỉ không lâu nữa, hy vọng những "tế bào cùa nền kinh tế Việt Nam" sẽ sớm hồi phục và đủ sức để cạnh tranh với các tên tuổi nước ngoài, qua đó khẳng định uy tín thương hiệu Việt trên trường quốc tế.

Các giải pháp cần có để phát triển kinh tế trong năm 2014

Năm 2014, Chính phủ đã sớm thông qua Nghị quyết 01/NQ-CP/2014 tập trung vào tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, tăng cường hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho, xử lý nợ xấu và khả năng tiếp cận tín dụng. Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội; tiếp tục giãn, hoãn, miễn, giảm thuế; tạo mọi thuận lợi cho các doanh nghiệp có khả năng phát triển được vay vốn; phát huy hiệu quả Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh và thực thi quyết liệt lộ trình tái cấu trúc DNNN; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm phát triển thị trường; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận và chuyển giao công nghệ phù hợp. Chính phủ và các cơ quan hữu quan cũng cần quan tâm hoàn thiện khung pháp lý đối với các hoạt động mua bán nợ, mua bán tài sản đảm bảo; triển khai đồng bộ các chính sách kích cầu tiêu dùng trợ giúp các DN nâng cao năng lực quản trị kinh doanh…

Đặc biệt, theo tinh thần Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2014, phải tập trung xây dựng, sửa đổi các luật để thực hiện Hiến pháp; đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, kỷ luật kỷ cương, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đề cao trách nhiệm của tập thể Chính phủ và từng thành viên Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tiến độ và chất lượng. Tôn trọng đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, kiên định thực hiện cơ chế giá thị trường đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ theo lộ trình phù hợp; đồng thời có công cụ điều tiết và chính sách phân phối để bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội, hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Xóa bỏ tình trạng độc quyền DN và những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực. Kiên quyết thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả DN đang kinh doanh có hiệu quả. DNNN chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước. Kiện toàn cán bộ quản lý và nâng cao năng lực quản trị DN. Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của DNNN theo quy định của pháp luật.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới bằng nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Đặt người nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nhà nước có cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn. Khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa người nông dân và DN trong sản xuất, dịch vụ với quy mô phù hợp. Hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ. Từng bước hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với người nông dân và hướng tới xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng, phát triển bền vững. Thu hút mạnh DN đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững. Quan tâm bảo vệ môi trường; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống, tập quán tốt đẹp của làng quê Việt Nam

Nhất Anh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra