Bộ Tài chính:

Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng và hiệu quả

Thứ ba, 31/05/2022 09:13
(ThanhtraVietNam) - Theo Kết quả chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí thứ 2 với kết quả Chỉ số cải cách hành chính đạt 91,71%. Đây là năm thứ 8 liên tiếp (2014-2021), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu PAR Index.

Kết quả tích cực này có được đến từ quan điểm của Bộ Tài chính là lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm để phục vụ; sự hài lòng của người dân, DN là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền trong ngành Tài chính để giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, thay đổi cách thức quản trị hành chính từ truyền thống sang hiện đại, góp phần hình thành công dân số, DN số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, ngành Tài chính số.

Theo kết quả vừa được công bố, Bộ Tư pháp đứng đầu nhóm các bộ, cơ quan ngang bộ với chỉ số cải cách hành chính (CCHC) là 91,90%. Bộ Tài chính đứng thứ hai với chỉ số CCHC 91,71%, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xếp thứ ba với chỉ số 90,37%. Ngoài ra, có 13 bộ, cơ quan ngang bộ có kết quả chỉ số CCHC từ trên 80% đến dưới 90% và 1 bộ có kết quả chỉ số CCHC dưới 80%.

Với việc tiếp tục duy trì vị trí trong tốp 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu PAR Index 2021 trong 8 năm liên tiếp cho thấy nỗ lực của Bộ Tài chính trong công tác CCHC, nhằm tạo thuận lợi cho người dân và DN. Bộ này luôn coi CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và quyết liệt triển khai công tác này một cách đồng bộ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực tài chính. Công tác CCHC của Bộ Tài chính không chỉ đạt kết quả tích cực trong từng lĩnh vực mà giữa các lĩnh vực đã có sự bổ trợ cho nhau, tạo hiệu ứng nâng cao hiệu quả CCHC trong tất cả lĩnh vực tài chính.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Bộ Tài chính cho biết, đến nay đã hoàn thành kết nối, tích hợp 355/519 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 68,4% (vượt hơn 30% so với yêu cầu của Chính phủ). Và đã có 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, chủ động, quyết liệt triển khai chủ trương xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số và nền kinh tế số, từng bước đưa ứng dụng công nghệ thông tin trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình quản lý và điều hành ngân sách và tài chính.

Mục tiêu trong năm 2022, tối thiểu 30% người dân, DN khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC trước đó. Giảm thời gian chờ đợi của người dân, DN tại bộ phận một cửa xuống trung bình còn tối đa 30 phút/1 lần đến giao dịch.

Và đến năm 2025, Bộ Tài chính phấn đấu tăng tỷ lệ số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được giải quyết thành công trong mỗi năm thêm 20% cho đến khi đạt tỷ lệ 100% để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. 80% người dân, DN khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận trước đó. 100% hồ sơ TTHC đã giải quyết thành công được số hóa, lưu trữ và có giá trị tái sử dụng. Giảm thời gian chờ đợi của người dân, DN xuống trung bình còn tối đa 15 phút/1 lượt giao dịch; thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu 30 phút/1 hồ sơ vào năm 2025. Mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95% vào năm 2025.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra