Linh hoạt đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo

Thứ tư, 22/11/2023 17:03
(ThanhtraVietNam) - Triển khai thực hiện đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo là giải pháp lâu dài, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Đảng, Nhà nước.

Lồng ghép, tích hợp nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giảng dạy để đạt hiệu quả

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, ngày 02/12/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 137/2009/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng” (gọi tắt là Đề án 137). Ngày 12/6/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở GDĐT từ năm học 2013 - 2014 (gọi tắt là Chỉ thị số 10). Trong đó, Bộ GDĐT được giao 04 nhóm nhiệm vụ.

Cụ thể, rà soát, hoàn thiện và tổ chức phê duyệt chương trình, tài liệu giảng dạy dùng cho các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ; hướng dẫn lồng ghép, tích hợp nội dung PCTN vào chương trình giảng dạy trong kế hoạch đổi mới chương trình, tài liệu, sách giáo khoa phù hợp với từng cấp học.

Hằng năm xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho giáo viên, giảng viên giảng dạy về PCTN trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, trừ các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

Đồng thời, Bộ GDĐT chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện giảng dạy nội dung PCTN trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Cũng như phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm việc giảng dạy nội dung PCTN. 

leftcenterrightdel
Nội dung phòng, chống tham nhũng được đưa vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Ảnh minh họa: Internet

Bám sát vào các nhiệm vụ được giao này, thời gian qua Ban cán sự Đảng Bộ GDĐT, cùng tập thể lãnh đạo Bộ đã tập trung chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ tham mưu, phối hợp các cơ quan, đơn vị, các sở GDĐT, cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị 10. Đến nay, đã thu được một số kết quả.

Bộ GDĐT cho biết, việc triển khai thực hiện đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo được thực hiện qua 02 giai đoạn:

Giai đoạn 1, triển khai các nhiệm vụ theo Đề án 137, với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm và xây dựng thái độ, ý thức tự giác cho cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên trong đấu tranh PCTN; phát huy vai trò của xã hội, của các cơ quan nhà nước, qua đó tạo ra phong trào sâu rộng đấu tranh PCTN, từng bước hình thành văn hoá chống tham nhũng. Đề án 137 đã xác định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Đề án.

Giai đoạn 2, kế thừa, phát huy kết quả việc triển khai thực hiện Đề án 137 và triển khai Chỉ thị số 10.

Sau 02 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10.2013. Ngày 14/3/2016, tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 02 năm thực hiện Chị thị tổ chức tại tỉnh Lâm Đồng, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả 02 năm thực hiện Chỉ thị. Trong đó, đánh giá cao vai trò của Bộ GDĐT trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện gửi Thủ tướng Chính phủ là khoa học, bài bản và thu được hiệu quả tích cực toàn diện.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc tổ chức đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo

Bộ đã tổ chức nhân sự, phân công nhiệm vụ chỉ đạo đưa nội dung PCTN vào giảng dạy, theo đó ngày 06/02/2010, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ban hành Quyết định số 564/QĐ-BGDĐT thành lập Tổ công tác thực hiện Đề án 137 và phân công các đơn vị thực hiện Đề án, Kế hoạch tổng thể triển khai Đề án 137 và kế hoạch thực hiện từng giai đoạn. Trên cơ sở nhân sự triển khai thực hiện Đề án 137, Bộ trưởng đã ban hành một số văn bản triển khai thực hiện Chỉ thị số 10.

Trên cơ sở kế thừa kết quả đã đạt được trong quá trình thực hiện thí điểm Đề án Đề án 137; phối hợp, lồng ghép với Đề án "Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường" (Đề án 1928) và các Đề án, Dự án liên quan khác. Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị, Bộ GDĐT trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị 10.

Bộ GDĐT đã có văn bản gửi các sở GDĐT; các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp về việc nâng cao chất lượng thực hiện Chỉ thị 10. Trong đó, Bộ GDĐT đề nghị các địa phương và cơ sở giáo dục, đào tạo tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10.

Theo đó, tiếp tục quán triệt và nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục về PCTN tại các cơ sở GDĐT; chỉ đạo quyết liệt và có biện pháp tích cực, hiệu quả hơn nữa trong thực hiện Chỉ thị số 10. Đối với cấp trung học phổ thông, việc lồng ghép, tích hợp nội dung PCTN vào giảng dạy cần đặt trọng tâm vào việc giáo dục đạo đức liêm chính, kết hợp giảng dạy pháp luật về PCTN với thời lượng phù hợp; khuyến khích giáo viên các môn khoa học xã hội lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức liêm chính và pháp luật về PCTN vào giáo án và sử dụng phương pháp giảng dạy linh hoạt, hiệu quả.

Đối với các trường, khoa Dự bị đại học, Bộ GDĐT yêu cầu căn cứ vào thực tế của đơn vị, lựa chọn hình thức phù hợp để lồng ghép, tích hợp nội dung giảng dạy về pháp luật PCTN cho học sinh và báo cáo Bộ GDĐT về cách thức tổ chức của Trường, Khoa để có cơ sở kiểm tra, đánh giá, báo cáo Chính phủ.

Đối với các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, nghiêm túc thực hiện đưa nội dung PCTN vào cả chương trình chính khóa và ngoại khóa, đảm bảo đủ thời lượng theo quy định.

Tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10. Có hình thức chủ động, tích cực trong việc tham khảo các tài liệu chính thống của địa phương để phục vụ cho việc giảng dạy PCTN. Chủ động xây dựng kế hoạch hằng năm về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về PCTN cho giáo viên, giảng viên; tăng cường sinh hoạt chuyên môn, trao đổi về nội dung - phương pháp giảng dạy nội dung PCTN đạt hiệu quả. Đa dạng hóa các hình thức trong hoạt động ngoại khóa để tuyên truyền pháp luật về PCTN.

Đặc biệt, sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra việc tổ chức đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở GDĐT nhằm đánh giá toàn diện về thực trạng triển khai, kết quả thực hiện Chỉ thị số 10 để có kế hoạch triển khai phù hợp với thực tế địa phương và đơn vị. Và chủ động tiến hành việc biểu dương, khen thưởng theo thẩm quyền đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 10 với hình thức phù hợp./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra