Lượng học sinh tiểu học “quá tải” so với quy định

Thứ tư, 05/10/2011 06:59
(Thanhtravietnam.vn) – Hiện nay, lượng học sinh/lớp ở bậc Tiểu học tại một số trường điểm trên địa bàn thủ đô Hà Nội vượt quá nhiều so với quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Điều này đã, đang và sẽ ảnh hưởng không tốt tới chất lượng của việc dạy và học.

Những trường điểm ở Hà Nội có truyền thống về chất lượng đào tạo tốt. Chính vì vậy, vào đầu năm học mới các bậc phụ huynh thường có cuộc “chạy đua” để con mình có cơ hội được học ở một trong những trường này. Nếu ai đã một lần chen chúc xếp hàng từ sáng đến tối ở một trường điểm để mua hồ sơ cho con thì sẽ hiểu. Đây cũng là vấn đề mang yếu tố tâm lý. Thường thì các bậc cha mẹ ai cũng muốn con mình được học ở ngôi trường không những tốt về cơ sở vật chất mà “tốt” cả về chất lượng đào tạo.

 Ảnh minh họa. Nguồn internet

 

Học sinh bị “nhồi nhét” trong một lớp học

 

Lượng hồ sơ nộp vào các trường điểm ngày càng nhiều. Trong khi đó, cơ sở vật chất và số lượng giáo viên không tăng, quỹ đất của thành phố có hạn. Điều tất yếu, sự tương quan giữa hai yếu tố này là tỷ lệ nghịch. Tình trạng thiếu lớp học diễn ra một cách phổ biến đối với các trường điểm. Nhà trường không còn cách nào khác là tăng số lượng học sinh trong một lớp lên. Số học sinh trong một lớp ở những trường điểm thường dao động từ 50 đến 60 em, trong khi đó theo quy định của Sở GD – ĐT Hà Nội sĩ số chuẩn của bậc tiểu học là 30–40 học sinh/lớp. Trên thực tế, số học sinh trên một lớp học trong các trường điểm thường gấp 1,5 đến 2 lần quy định chuẩn.

Là một trường có truyền thống về chất lượng đào tạo tốt, năm học 2011 – 2012 trường tiểu học Kim Liên có 60 lớp với 3494 học sinh. Như vậy, bình quân mỗi lớp học có gần 59 học sinh (gấp gần 2 lần so với quy định chuẩn), có lớp tới 68 học sinh (lớp 3Z1).


Diện tích sân trường cho các em vui chơi rất hạn hẹp

 

Lượng học sinh trong một lớp quá đông dẫn đến tình trạng thiếu không khí, thiếu ánh sáng, thị lực của các em giảm, … và không gian vui chơi ở sân trường cũng bị hạn chế. Hiện nay, tỷ lệ học sinh bị cận thị, mắc tật khúc xạ ở bậc tiểu học không ngừng tăng lên. Tất nhiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này song nguyên nhân cơ bản là do các em ngồi sai tư thế, cúi quá sát và thiếu ánh sáng. Hơn nữa, giáo viên khó có điều kiện tiếp cận từng em trong tiết học để uốn nắn, rèn luyện kỹ năng trình bày. Trong khi đó, việc đôn đốc, uốn nắn từng em là rất cần thiết đối với học sinh bậc tiểu học. Số lần một học sinh được phát biểu, đọc bài trong một tiết học cũng ít hơn. Điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng tới chất lượng của việc dạy và học. Các bậc phụ huynh cần xem xét, cân nhắc kỹ trước khi quyết định chọn trường học cho con mình.

 

Đâu là giải pháp?

 

Sáng ngày 28/9, tại cuộc họp bàn về các giải pháp cho vấn đề thiếu trường học, ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định: Sau hội nghị này Hà Nội sẽ kiên quyết ưu tiên dành quỹ đất để cuối năm 2015 thành phố sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở bậc tiểu học, nhất là cấp bậc mầm non.

 

Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã cam kết sẽ ưu tiên quỹ đất cho việc xây dựng trường học. Theo đó, những khu đất hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích, không hiệu quả cũng như các khu đất của các cơ sở đã di chuyển ra ngoại thành sẽ phải được thu hồi để ưu tiên cho xây dựng trường học. Những cam kết này đang từng bước khắc phục tình trạng thiếu trường học, một vấn đề gây bức xúc trong dư luận nhiều năm qua mà chưa được giải quyết.

 

Đây là quyết tâm rất lớn của lãnh đạo thành phố song Hà Nội sẽ phải đối mặt với một thách thức không nhỏ. Hiện nay, trên địa bàn thủ đô có 46 phường chưa có trường công lập mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, đó là chưa kể thành phố phải xây trường học mới do sức ép người nhập cư tăng cao. Chính vì vậy, một mình chính quyền thành phố sẽ không thể lo hết được. Cũng theo ông Phạm Quang Nghị, các doanh nghiệp không chỉ chú trọng xây chung cư, căn hộ mà phải xây trường học trước khi xây chung cư. Giải pháp trước mắt cho vấn đề thiếu trường lớp trên địa bàn thủ đô là nâng thêm tầng để thêm diện tích cho các trường học. Hà Nội cũng sẽ quyết tâm từ nay đến năm 2015 sẽ xóa phường trắng về trường học.

 

Đến thời điểm này, một số trường điểm đã có những biện pháp để giải quyết tình hình này song chưa thật hiệu quả do có nhiều nguyên nhân khách quan. Thiết nghĩ, các ngành và các cơ quan chức năng cần tiếp tục có những biện pháp phù hợp hơn nữa để tình hình này được giải quyết triệt để, hiệu quả. Từ đó, đảm bảo và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục ở bậc tiểu học.

 

Minh Nguyệt

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra