Nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật cho đồng bào Tây Nguyên trước thách thức từ các tổ chức khủng bố hiện nay

Thứ năm, 29/02/2024 14:42
(ThanhtraVietNam) - Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định: ''Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật; huy động lực lượng của các đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia các đợt vận động thiết lập trật tự, kỷ cương và các hoạt động thường xuyên xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong cơ quan nhà nước và trong xã hội''. Từ đó đòi hỏi UBND các cấp phải có những phương pháp đặc thù trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến với người dân, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố ở Tây Nguyên.
leftcenterrightdel
 

Sự đa dạng về các dân tộc đã làm cho Tây Nguyên trở thành một khu vực có nền văn hóa phong phú bậc nhất cả nước. Nhờ có sự tách biệt tương đối với thế giới bên ngoài trong một khoảng thời gian dài nên những nét văn hóa truyền thống, những tập tục, thói quen sinh hoạt của các dân tộc được bảo tồn gần như nguyên vẹn và gần như là độc nhất vô nhị. Tuy nhiên, những yếu tố đặc thù của Tây Nguyên là yếu tố mà các thế lực thù địch lợi dụng để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá cách mạng Việt Nam, gây bất ổn về chính trị - xã hội cho khu vực.

Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL). Trong rất nhiều văn kiện của Đảng và hệ thống pháp luật của Nhà nước đã đề cập đến công tác PBGDPL. Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định: ''Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật; huy động lực lượng của các đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia các đợt vận động thiết lập trật tự, kỷ cương và các hoạt động thường xuyên xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong cơ quan nhà nước và trong xã hội''. Từ đó đòi hỏi Ủy ban nhân dân các cấp phải có những phương pháp đặc thù trong công tác tuyên truyền, PBGDPL đến với người dân, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố ở Tây Nguyên. Để việc vận dụng luật tục trong hoạt động của Ủy ban nhân dân tại các tỉnh Tây Nguyên đạt hiệu quả cao, trong công tác tuyên truyền, PBGDPL cần được thực hiện đồng bộ các giải pháp khác nhau. Cụ thể:

Một là, nâng cao ý thức, nhận thức pháp luật cho đồng bào Tây Nguyên trước những thách thức từ các tổ chức khủng bố hiện nay. Trong đó tập trung vào những nhiệm vụ chính sau:

- Tiếp tục phát huy có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các tỉnh Tây Nguyên.

Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 18/01/2002 của Bộ Chính trị khóa IX “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 - 2010” và Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị khóa XI, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020”, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội các tỉnh Tây Nguyên có những bước chuyển khá quan trọng. Quy mô của nền kinh tế được mở rộng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Tây Nguyên đang vững bước đi lên từng ngày.

Tuy nhiên, Tây Nguyên vẫn còn những hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Do đó, để nâng cao hiệu quả việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đưa Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững, cấp uỷ, chính quyền các cấp cần chú trọng: (1)- Cần bám sát trình độ phát triển kinh tế, đặc trưng văn hóa, phong tục, tập quán của từng dân tộc để áp dụng các chính sách phù hợp; (2)- Nghiên cứu kỹ khả năng tiếp nhận, chuẩn bị của mỗi dân tộc để đưa ra những định hướng đúng đắn cho đồng bào trong thực thi, vận hành chính sách; (3)- Cần phân loại cụ thể các chính sách để thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả, nhất là đối với những chính sách quan trọng, cấp bách; (4)- Xây dựng lộ trình, kế hoạch và các yêu cầu cụ thể đối với từng chính sách để tiện theo dõi, đánh giá hoặc kịp thời điều chỉnh, bổ sung, phát triển cho phù hợp với đặc thù của từng dân tộc, từng địa phương; (5)- Phát huy đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của hệ thống chính trị ở cơ sở trong vai trò là người hướng dẫn đồng bào thực thi, áp dụng các chính sách vào trong đời sống; (6)- Cần bảo đảm tính bình đẳng về quyền thụ hưởng, sự phân bổ các cơ chế, chính sách giữa các dân tộc, giữa các địa phương; tránh việc tuyệt đối hóa tính đặc thù của một khu vực, một đối tượng nhất định; đồng thời, tránh áp dụng chính sách chung chung, thiếu tính cụ thể.

-  Tăng cường công tác tuyên truyền, PBGDPL về hôn nhân và gia đình trên địa bàn Tây Nguyên.

Đảng và Nhà nước ta với mong muốn nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc, đã tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình cho nhân dân nơi đây trong đó tập trung điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, số liệu liên quan; tổ chức các hoạt động truyền thông; thường xuyên tuyên truyền, vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nói chuyện chuyên đề, hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí tại cộng đồng và lưu động tại các thôn, buôn, xóm nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, người uy tín; tổ chức biên soạn tài liệu, sản phẩm truyền thông bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số; xây dựng, lồng ghép các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, các quy định của pháp luật liên quan khác vào hương ước, quy ước, tiêu chuẩn ấp, xóm văn hóa, gia đình văn hóa…

Hai là, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong việc giáo dục pháp luật cho đồng bào Tây Nguyên trước những thách thức từ các tổ chức khủng bố hiện nay.

Tại Pháp(1), Cuộc chiến chống khủng bố là một vấn đề lớn trong chiến lược an ninh quốc gia và là chủ đề trong nhiều chính sách của Chính phủ, phải liên tục thích ứng với những thay đổi của mối đe dọa và đặc biệt phải cho người dân hiểu được sự  nguy hiểm của khủng bố thông qua Tổng Cục an ninh nội địa Pháp (DGSI). Một phần trong sứ mệnh bảo vệ các công dân và lợi ích của Pháp trên lãnh thổ quốc gia, vai trò lãnh đạo đã được Tổng thống Cộng hòa Pháp giao cho DGSI trong các vấn đề chống khủng bố vào năm 2018.

Vị trí này mang lại cho DGSI một vai trò then chốt và một trách nhiệm đặc biệt trong tổ chức và quản lý cuộc chiến chống khủng bố ở cấp quốc gia. Do đó, DGSI đảm bảo sự phối hợp hoạt động của hoạt động tình báo, tiến hành điều tra tư pháp dưới thẩm quyền của các thẩm phán chuyên ngành và phát triển các chiến lược hợp tác quốc gia và quốc tế của Bộ Nội vụ trong các vấn đề chống khủng bố.

Nhiệm vụ này được thực hiện với sự cộng tác chặt chẽ với tất cả các dịch vụ của cộng đồng tình báo. Về vấn đề này, hợp tác liên ngành trong lĩnh vực chống khủng bố dựa trên một hệ thống có cấu trúc, giúp hợp lý hóa việc trao đổi thông tin, phản ứng tập thể trước một mối đe dọa nghiêm trọng và xác định các phương tiện cản trở phù hợp. Các cơ cấu chuyên môn, bao gồm đội ngũ nhân viên thường trực (EMaP), tập hợp tất cả các cơ quan tình báo và cơ quan cảnh sát tư pháp chịu trách nhiệm đóng góp vào cuộc chiến chống khủng bố. Các dịch vụ này là DGSE, DRM, DRSD, DNRED, Tracfin, SCRT, DRPP, SNRP, SDAT và SAT .

Trong bối cảnh mối đe dọa khủng bố ở mức độ cao và kéo dài hiện nay, việc vận hành đúng đắn cơ cấu phối hợp này là rất quan trọng. DGSI có đặc điểm là có năng lực kép. Đây là một cơ quan tình báo có nhiệm vụ thu thập thông tin liên quan đến việc thực hiện các hành động bạo lực. Đây cũng là cơ quan cảnh sát tư pháp chịu trách nhiệm, theo điều 14 của bộ luật tố tụng hình sự, với “báo cáo các hành vi vi phạm pháp luật hình sự, thu thập bằng chứng và truy tìm thủ phạm”. Tính đặc thù này có giá trị ở chỗ nó đảm bảo tính trôi chảy hơn giữa thông tin tình báo và thủ tục pháp lý.

Ngoài ra, cần chú trọng các giải pháp khác trước những thách thức từ các tổ chức khủng bố hiện nay như:  tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với vùng Tây Nguyên; đẩy mạnh xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở các địa phương vùng Tây Nguyên thực sự vững mạnh; xây dựng lực lượng vũ trang vùng Tây Nguyên vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân./.

Chú thích:

(*) https://www.dgsi.interieur.gouv.fr/decouvrir-la-dgsi/nos-missions/lutte-contre-terrorisme-et-extremismes-violents/la-lutte-anti

Nhóm tác giả: Ngọc Anh - Đức Hiếu - Việt Hoàng
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra