Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 với mục tiêu: “Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, gây ô nhiễm môi trường, tác hại đến sức khỏe con người, đến vật nuôi, cây trồng, sử dụng phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm chi phí, xử lý phế thải, tiết kiệm nhiên liệu than” đem lại hiệu quả kinh tế cho toàn xã hội. Mục tiêu đến năm 2015 vật liệu xây không nung chiếm tỷ lệ 20 – 25% vật liệu xây và đạt tỷ lệ 30 – 40% vào năm 2020, trong đó gạch nhẹ chiếm 25% trên tổng số vật liệu xây không nung.
Thấy được lợi ích của Chương trình nên sau khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành, Chương trình phát triển vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đã được các nhà đầu tư hăng hái hưởng ứng. Sau gần 4 năm thực hiện, đến nay đã có 12 nhà máy gạch bê tông khí chưng áp, công suất mỗi cơ sở từ 100 nghìn đến 300 nghìn m3/năm và 30 cơ sở sản xuất bê tông bọt với tổng công suất 0,47 triệu m3/năm và hàng nghìn cơ sở sản xuất gạch xi măng cốt liệu với tổng công suất hơn 4,5 tỷ viên gạch mỗi năm.
 |
Hội thảo về vật liệu xây không nung trong khuôn khổ Triển lãm Vietbuild 2014 tại Hà Nội |
Theo ông Hà Ngọc Hồng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung tại thành phố Hà Nội đã được quan tâm triển khai bằng việc xóa bỏ hơn 1700 lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn, sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp…Tuy nhiên, nhiều công trình, dự án khu vực đô thị và một số dự án khu nhà ở, khu đô thị thuộc địa bàn các huyện đã được thiết kế từ năm 2010 ít sử dụng vật liệu xây không nung; các công trình xây dựng nhà ở của các hộ gia đình vẫn sử dụng gạch nung truyền thống.
Hà Nội hiện có 8 cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung có công suất từ 35 đến 65 triệu viên/năm, đang hoạt động với tổng công suất khoảng 260 triệu viên/năm đang gặp nhiều khó khăn, không phát huy hết công suất do không tiêu thụ được sản phẩm. Ngoài ra, một số hộ gia đình tại các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất (khu vực có nguồn đá mạt từ các mỏ khai thác đá xây dựng) cũng sản xuất gạch block bê-tông nhưng quy mô nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu phục vụ nhu cầu về vật liệu xây của thôn, xã không sản xuất liên tục do không tiêu thụ được sản phẩm.
Mặc dù công suất vật liệu xây không nung đã chiếm tới 27% tổng số vật liệu xây, tuy nhiên theo TS.Trần Văn Huynh - Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, thị trường vật liệu xây không nung lại khá ảm đạm.
Lý giải cho điều này, TS Trần Văn Huynh chỉ ra một số nguyên nhân như: Chương trình 567 ra đời đúng vào lúc kinh tế suy thoái, đầu tư công bị cắt giảm, thị trường bất động sản đóng băng, thị trường vật liệu xây dựng nói chung bị thu hẹp; việc đầu tư sản xuất bê-tông bọt, bê-tông khí ACC giai đoạn đầu phát triển nóng với trình độ công nghệ thấp, trang bị không đồng bộ, trình độ tự động hóa thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, không ổn định, dung trọng gạch xi măng cốt liệu còn nặng, hình thức mẫu mã chưa được người tiêu dùng ưa thích; việc đưa sản phẩm vào xây dựng không đúng chỉ dẫn kỹ thuật, vữa xây, vữa chát không đạt chất lượng, tay nghề thợ chưa được đào tạo nên chất lượng công trình chưa tốt gây tâm lý hoài nghi sản phẩm AAC…
Bên cạnh đó, việc thực thi các chính sách, chế độ ưu đãi phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung, miễn phí tiền sử dụng đất xây dựng công trình, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, khuyến khích sử dụng chất thải công nghiệp…chưa được quan tâm triệt để; nhiều địa phương chưa tích cực xóa bỏ lò gạch thủ công, thậm chí có nơi còn đầu tư lò đứng liên tục, lò vòng cải tiến sử dụng nhiên liệu hóa thạch; các nhà tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng, chủ đầu tư công trình chưa tuân thủ triệt để Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 09 của Bộ Xây dựng về việc đưa vật liệu xây không nung vào xây dựng công trình…là nguyên nhân hạn chế sự phát triển của thị trường vật liệu xây không nung.
Để phát triển bền vững sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung, theo Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, bản thân các doanh nghiệp phải đầu tư chiều sâu, tăng cường sử dụng phế thải công nghiệp để tiết kiệm nguyên liệu, tiết kiệm chi phí sản xuất; tuyên truyền tính năng ưu việt của vật liệu nhẹ AAC, về cách âm, cách nhiệt, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, về hiệu quả kinh tế kỹ thuật khi sử dụng để xây dựng công trình…Hội Vật liệu xây dựng đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo quyết liệt hơn việc thực hiện Thông tư 09, bắt buộc đưa vật liệu xây không nung vào xây dựng các công trình được đầu tư bằng vốn Nhà nước, nhà ở xã hội, nhà cao tầng sử dụng bê- tông nhẹ AAC, tăng cường kiểm tra nếu vi phạm sẽ không cấp phép xây dựng, ngân hàng không giải ngân; giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với bê-tông nhẹ AAC xuống 5% vì đây là vật liệu mới, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng chất thải công nghiệp để khuyến khích cộng đồng sử dụng vật liệu xây không nung…