Những bộ phim kháng chiến thổi bùng khí thế dân tộc Việt Nam

Thứ ba, 13/05/2014 09:49
Cùng điểm lại những bộ phim lấy đề tài cuộc kháng chiến chống lại kẻ thù xâm lược như cách để thổi bùng ngọn lửa khí thế hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Cùng điểm lại những bộ phim lấy đề tài cuộc kháng chiến chống lại kẻ thù xâm lược như cách để thổi bùng ngọn lửa khí thế hào hùng của dân tộc Việt Nam.




1. Vĩ tuyến 17 ngày và đêm

Những bộ phim thổi bùng khí thế hào hùng dân tộc Việt Nam

Đây là một trong những bộ phim thuộc thời kỳ đầu của dòng phim cách mạng chống Mỹ, được thai nghén kịch bản trong 5 năm. Ra đời từ năm 1972 nhưng đến nay bộ phim này vẫn còn được nhắc đến như một dấu mốc đáng nhớ của lịch sử điện ảnh nước nhà nói chung và của đạo diễn Hải Ninh nói riêng.

Tác phẩm có sức sống lâu bền bởi phản ánh chân thực cuộc đấu tranh anh hùng của dân tộc ta. Sau hiệp định Geneve, sông Bến Hải - vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến quân sự ngăn cách Việt Nam thành hai vùng tập trung. Cuộc sống của người dân hai bên bờ sông bị ảnh hưởng nặng nề. Hầu hết các gia đình đều có người thân sống dưới hai chế độ khác nhau.

Hai nhân vật vợ chồng Thạch và Dịu bị chia cắt: Thạch phải ra ngoài Bắc tập kết cùng với đồng đội, trong khi đó Dịu, vợ anh lại nằm bên bờ phía Nam. Khi kẻ địch tăng cường khủng bố, không chịu khuất phục cường quyền, áp bức, chị Dịu đứng lên đấu tranh và nhanh chóng trở thành lãnh đạo phong trào cách mạng tại địa phương. Nổi bật trong phim còn là hai nhân vật: Bác cả Thuận, bí thư chi bộ Đảng, người không chịu cúi đầu trước kẻ thù và mẹ Đỡ, người mẹ chịu thương chịu khó trong chiến tranh.

2. Chung một dòng sông

Chung một dòng sông ra đời năm 1959 do hai đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân của Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Đây là bộ phim truyện đầu tiên của miền Bắc Việt Nam sau năm 1954 và cũng là bộ phim truyện đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Đề tài của Chung một dòng sông là cuộc Chiến tranh Việt Nam đang diễn ra. Khi đó, theo Hiệp định Genève 1954, sông Bến Hải trở thành giới tuyến tạm thời phân chia hai miền Nam - Bắc của Việt Nam. Hai nhân vật Hoài và Vận yêu nhau từ hồi cùng trong chiến tranh Việt-Pháp. Sau 1954 họ định làm lễ cưới, nhưng khi thuyền của nhà trai sang bờ Nam đón dâu thì cảnh sát phía Nam không cho họ lên bờ. Mối tình của họ bị ngăn cản.

Mặc dù bị ngăn trở quyết liệt bởi kẻ địch, dòng sông cách biệt không thể tách chia đôi lứa. Một lần, dũng cảm đánh lạc hướng cảnh sát bờ Nam, Hoài vượt qua con sông chia cắt đến bờ Bắc, gặp lại người yêu. Những tưởng đây là dip tốt để hai người chung sống hạnh phúc, song cô gái lại quyết định trở về bờ Nam quê hương để cùng người thân và dân làng tiếp tục cuộc đấu tranh chống xâm lược và chia cắt đất nước…

Thông qua số phận cụ thể của nhân vật, các tác giả phim phản ánh hiện trạng lịch sử đất nước. Trong lúc vạch trần hành động bất lương của chính quyền bờ Nam, bộ phim đồng thời đã khuyếch dưỡng tình yêu quê hương và ý chí đấu tranh của quần chúng yêu nước đòi thống nhất nước nhà, đòi sum họp gia đình.

3. Cánh đồng hoang

Cánh đồng hoang là một phim nhựa làm về đề tài chiến tranh của Việt Nam. Xem phim, mỗi người có thể cảm nhận rõ nét về sự đấu tranh kiên cường của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ đất nước. Ngoài ra, phim còn gây ấn tượng mạnh vì ngôn ngữ điện ảnh rất cô đọng.

Nội dung phim nói về vợ chồng Ba Đô, sống một căn chòi nhỏ giữa cánh đồng trũng nước với cây dại mọc cao quá đầu người với nhiệm vụ làm liên lạc viên cho cách mạng. Cuộc sống của họ không còn yên bình, khi hàng ngày lính Mỹ liên tục dùng trực thăng bay qua cánh đồng của họ để tìm diệt du kích. Trong một lần chiến đấu, Ba Đô bị trực thăng Mỹ bắn chết, vợ anh đã bắn cháy máy bay để trả thù cho chồng.

Bộ phim có một chi tiết đáng giá, đó là bức ảnh gia đình của viên phi công Mỹ bị bắn chết. Nó cho thấy chiến tranh không chỉ mất mát từ một phía mà gia đình của cả hai bên tham chiến đều phải chịu nỗi đau này. Đây chính là một hồi chuông cảnh tỉnh về sự đáng sợ của chiến tranh.

4. Biệt động Sài Gòn

Biệt Động Sài Gòn là bộ phim đầu tiên, duy nhất của điện ảnh Việt Nam tái hiện những chiến công của đội biệt động Sài Gòn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trước 1975. Bộ phim gồm 4 tập: Điểm hẹn, Tình lặng, Cơn giông, Trả lại tên cho em..

Nội dung phim nói về Tư Chung (tư lệnh trưởng Biệt động Sài Gòn) cùng người đồng đội Ngọc Mai, cùng giả danh thành người chủ hãng Sơn giàu có. Không chỉ che mắt chính quyền Việt Nam Cộng hòa, hai người còn phải thực hiện nhiệm vụ tình báo, trực tiếp chỉ huy đồng đội tham gia chiến đấu. Trong nhiều tình huống, họ phải đứng trước những quyết định khó khăn, trước sự tranh đấu giữa lý trí và tình cảm.

Phim miêu tả những cảnh chiến đấu ngoài chiến trường với súng vang, mìn nổ, khói lửa và thương vong, nhưng chủ yếu vẫn là cuộc đấu trí căng thẳng của những chiến sĩ hoạt động bí mật trong lòng địch.

5. Hà Nội 12 ngày đêm

Bộ phim theo đuổi đề tài chiến tranh Cách mạng và đã giới thiệu được nghệ thuật làm phim cổ điển Việt Nam. Hà Nội 12 ngày đêm được thể hiện rất công phu với mục đích tái hiện một phần trận Điện Biên Phủ trên không - một cuộc chiến đấu ác liệt của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm chống lại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào cuối tháng 12 năm 1972, buộc Chính phủ Hoa Kỳ phải ký Hiệp định Paris đem lại hòa bình ở miền Bắc Việt Nam.

Xuyên suốt bộ phim là sự dũng cảm và hy sinh của những chiến sĩ không quân: Đó là Tiểu đoàn trưởng tên lửa Đặng Nhân, tạm biệt vợ mới cưới trong đêm để lên đường; đó là chiến sĩ Đức, cha vừa mất nhưng vẫn quyết tâm lên đường chiến đấu. Đó là những hình tượng điển hình cho những con người anh dũng trong một thời kỳ lịch sử.

Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Đình Hạc nói về bộ phim của mình: "Chúng tôi muốn khán giả nước ngoài biết được con người, dân tộc Việt Nam trong chiến tranh. Những con người đã sống và chiến đấu cho độc lập tự do của đất nước mình như thế nào... Hi vọng lớn nhất của chúng tôi là người nước ngoài sẽ hiểu và đồng cảm với mình, nếu được như vậy thì đã là thành công của bộ phim!".

6. Em bé Hà Nội

Em bé Hà Nội là một bộ phim nhựa do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1974 và do Hải Ninh làm đạo diễn. Bộ phim khắc họa cuộc sống Hà Nội năm 1972, khi quân đội Hoa Kỳ tiến hành Chiến dịch Linebacker II, ném bom miền Bắc Việt Nam.

Bối cảnh của bộ phim là năm 1972, khi Hà Nội phải hứng chịu những trận bom của quân đội Mỹ trong chiến dịch Linebacker 2 ném bom miền Bắc. Nhân vật Ngọc Hà, Thùy Dương trên hành trình đi tìm bố ở vùng sơ tán sau khi mẹ bị chết bởi bom đạn. Trong chuyến đi của mình, hai cô bé đã thấy được sự tàn khốc của chiến tranh, cũng như những hành động ấm áp tình người.

Bộ phim khắc hoạ những ngày tháng tang thương, đau khổ của miền Bắc nhưng trong gian khổ vẫn ẩn chứa sự quyết tâm bảo vệ tổ quốc, lòng nhân ái, sự yêu thương đùm bọc của những con người trong bom đạn.

7. Giải phóng Sài Gòn

Giải phóng Sài Gòn là một bộ phim điện ảnh Việt Nam được hãng Sài Gòn Giải Phóng sản xuất nhằm kỷ niệm sự kiện 30 tháng 4 năm 1975. Phim sản xuất dựa trên tác phẩm Sài Gòn - Bản hùng ca của nhà văn Hoàng Hà nhưng có lược bớt một số đoạn.

Phim tái hiện lại quá trình tổng tiến công chiến lược 55 ngày đêm giải phóng miền Nam, bắt đầu từ trận tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột, khiến Việt Nam Cộng hòa phải cầu viện quân sự của Hoa Kỳ, đồng thời tìm cách cố giữ Huế và Đà Nẵng, đến trận đánh chiếm ngã ba Dầu Giây nhằm chiếm Xuân Lộc, mở cánh cửa phía Đông cho để tiến vào Sài Gòn, rồi những trận pháo làm tê liệt sân bay quân sự Biên Hòa và Tân Sơn Nhất, là việc Hoa Kỳ buộc tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức để lập nội các mới do Dương Văn Minh đứng đầu, là sự kiện quân đội Hoa Kỳ sơ tán khỏi Sài Gòn bằng trực thăng.

Bao trùm lên tất cả những sự kiện này là kế hoạch của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh: tiến vào Sài Gòn bằng năm mũi, chiếm năm vị trí trọng yếu nhất, phối hợp với lực lượng nổi dậy tại chỗ, tiến thẳng vào dinh lũy cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, buộc tổng thống Dương Văn Minh phải đầu hàng vô điều kiện mà Sài Gòn vẫn nguyên vẹn.

Trong phim, khán giả sẽ được thấy những tính toán của chính quyền cả hai miền Bắc Nam và chính quyền Mỹ trong trận chiến lịch sử này. Phim có sự xuất hiện của 20 nhân vật lịch sử của cả hai phía như đại tướng Võ Nguyên Giáp, bí thư Lê Duẩn, đại tướng Văn Tiến Dũng, tổng thống Dương Văn Minh, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu…

8. Bao giờ cho đến tháng Mười

Bao giờ cho đến tháng Mười là một bộ phim tâm lý của đạo diễn Đặng Nhật Minh, ra mắt lần đầu năm 1984.

Lấy nhân vật chính là người phụ nữ, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã góp phần làm tăng vẻ đẹp thầm kín cao cả trong tâm hồn người phụ nữ Việt Nam.

Trở về nhà sau chuyến đi thăm chồng ở biên giới Tây Nam, Duyên mang trong mình nỗi đau khôn tả: biết tin chồng chị đã hi sinh. Trên thuyền trở về, chị đã bị ngã xuống sông và được thầy giáo Khang cứu sống. Duyên giấu chuyện chồng hi sinh với mọi người trong gia đình đặc biệt là đối với người cha già đang có bệnh nặng. Để an ủi cha, Duyên nhờ Khang viết hộ những bức thư hỏi thăm gia đình như khi chồng chị còn sống.

Những bức thư này đã mang lại niềm vui cho gia đình, nhưng nỗi đau thì một mình cô phải chịu đựng, nước mắt nuốt vào trong. Thế rồi, có nhiều tiếng đồn dị nghị rằng Duyên và thầy giáo Khang hai người có tư tình. Đến khi cảm thấy mình yếu, không còn sống được bao lâu, người cha chồng bảo Duyên gọi điện cho con trai về để gặp lần cuối. Đến lúc này, tin chồng mất đã không giấu được nữa...

Bao giờ cho đến tháng Mười là một bộ phim mang nhiều bản sắc dân tộc, một bộ phim thành công của điện ảnh Việt Nam những năm đầu thập niên 1980.

9. Đường thư

Khác với những bộ phim khác trong dòng phim cách mạng chống Mỹ, bộ phim Đường thư không có nhiều cảnh khói lửa, chết chóc mà tái hiện hình ảnh những chiến sĩ quân bưu với công việc thầm lặng nhưng không kém phần nguy hiểm.

Cao điểm 861 bị vây chặt, đường dây liên lạc bị cắt đứt hoàn toàn. Tân, một chiến sĩ quân bưu dày dạn kinh nghiệm, và Hoàng An, một chiến sĩ đặc công trẻ, đã phải trải qua nhiều khó khăn, phải đối mặt với kẻ địch để hoàn thành nhiệm vụ.

10. Áo lụa Hà Đông

Áo lụa Hà Đông là một phim tâm lý tình cảm dài 135 phút của đạo diễn Lưu Huỳnh công chiếu năm 2006, với diễn xuất của diễn viên, người mẫu Trương Ngọc Ánh.

Lâm vào tình cảnh hỗn loạn khi những người nông dân nổi dậy lật đổ chính quyền, Dần (Trương Ngọc Ánh) và Gù (Quốc Khánh) tất tả dắt díu nhau vào Nam, mong tìm được nơi để họ có thể sống yên ổn bên nhau, thoát khỏi kiếp tôi tớ cực khổ đọa đày. Tài sản quý giá nhất hai người mang theo là chiếc áo dài bằng lụa Hà Đông mà Gù lấy làm quà cưới Dần.

Nhưng Hội An lại là điểm dừng chân không định trước của hai người bởi khi vào đến đây, Dần trở dạ sinh đứa con gái đầu lòng. Rồi những mùa mưa sau, gia đình Dần lại lần lượt có thêm những thành viên viên mới. Gia đình đông con nghèo khó nhưng yêu thương nhau ấy cứ lần hồi sống qua ngày, bữa cháo bữa khoai, nhưng tràn ngập tiếng trẻ thơ ấm áp.

Cuộc đời của nhân vật nữ bị vùi dập từ thân phận con sen, đến lưu lạc xứ người, rồi đói khổ trong chiến tranh... vẫn gồng mình lao về phía trước, đấu tranh. Đến thế hệ của 2 bé gái, con của cô, chính là sự tiếp nối cuộc đời của mẹ, của những người phụ nữ trong phim. Bi thương hơn, 2 bé gái chỉ có một chiếc áo thay phiên nhau mặc đến trường, rồi một trong 2 bị bom dội chết khi đang đọc bài văn về chiếc áo dài thiêng liêng của cả gia đình.

Thế nhưng không dừng lại ở đấy, mọi chuyện lại trở nên vô cùng nghiệt ngã. Trong một lần đi cào hến trong mưa lớn, vì muốn vớt vài cành củi để bán lấy tiền may áo dài cho Ngô (đứa con thứ 2), Dần đã bị dòng nước lũ cuốn đi. Thiên tai khắc nghiệt đã cướp đi mạng sống của người mẹ và một lần nữa chiến tranh lại cướp đi sinh mạng của cha. Trong một lần sơ tán, vì cố gắng tìm kiếm và bảo vệ chiếc áo lụa Hà Đông của vợ, của con gái, anh Gù đã chết trong ngọn lửa của chiến tranh tàn ác.

Câu truyện kết thúc với hình ảnh hòa bình năm 1975, thứ mà An đã hỏi bố trước đó "Bố ơi hòa bình có đẹp không hả bố"


Theo Minh Hiếu
Saoonline/Người Đưa Tin

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra