Quốc phục Việt Nam: Truyền thống hay hiện đại?

Thứ bảy, 22/01/2011 13:21
Từ hơn 10 năm nay, việc chọn Quốc phục, đã được đưa ra “cân đo, đong đếm” nhiều lần qua các cuộc thi thiết kế thời trang. Nhà nghiên cứu Trịnh Cung cũng từng công bố bộ sưu tầm thời trang các triều đại của mình để góp thêm ý kiến cho việc thiết kế Quốc phục… Nhưng tất cả đều thất bại...

Mới đây, Cục Mỹ thuật và Nhiếp ảnh đã chính thức được giao là đơn vị lập đề án chọn Quốc phục. Họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật và Nhiếp ảnh, cho biết, đề án sẽ theo một lộ trình rất bài bản: sẽ có những cuộc thi thiết kế với sự tham gia của hàng trăm nhà thiết kế, công ty thời trang… sau đó thành lập hội đồng tuyển chọn, triển lãm lấy ý kiến của nhân dân và công bố Quốc phục.

 

Cần thiết phải có Quốc phục?

 

Hướng tới triển khai xây dựng đề án lựa chọn Quốc phục Việt Nam, tại Lễ Hội hoa xuân và đồ uống Tết 2011, BTC sẽ dành hẳn một không gian để trưng bày các hình ảnh, hiện vật liên quan đến trang phục. Trong đó sẽ trưng bày một số hình ảnh, tư liệu về triều phục các thời Lý - Trần - Lê. Trưng bày một số bộ trang phục, lễ phục vua quan triều Nguyễn. Hình ảnh, tư liệu về trang phục, lễ phục sử dụng tại Hội nghị APEC, ASEAN và Lễ hội Đền Hùng. Trên nền những giá trị truyền thống, BTC sẽ tổ chức xây dựng đề án.

 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng ngót thế kỉ nay, áo dài đã trở thành biểu tượng của Việt Nam, đại diện cho các giá trị văn hóa Việt. Áo dài đã trở thành trang phục bắt buộc tại nhiều trường phổ thông hiện nay. Không những thế, một số nữ nhân viên văn phòng như tiếp tân, thư ký, hướng dẫn viên du lịch, tiếp viên hàng không… cũng mặc áo dài khi làm việc. Đặc biệt, ở bất kì nơi đâu trên thế giới, mỗi khi thấy áo dài xuống phố, bạn bè quốc tế biết ngay đó là Việt Nam. Vì thế, hãy coi áo dài là Quốc phục của Việt Nam.

 

Áo dài của NTK Đức Hùng. Ảnh: Thiên Hùng


Nhưng theo ông Vi Kiến Thành, áo dài thôi chưa đủ. Bởi lâu nay, trong các chương trình ngoại giao, các nguyên thủ (hầu hết là nam) bắt buộc phải mặc quốc phục để trình quốc thư cũng như thực hiện các kí kết quan trọng nên cần có một “chuẩn” chung cho cả nam và nữ. Văn hóa Việt Nam đủ yếu tố để có Quốc phục. Vậy nên, Quốc phục là nhu cầu cần thiết khi Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới. Họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, người từng tham gia trong hội đồng chọn Quốc phục Việt Nam, cũng cho rằng, nên có Quốc phục, nhưng có thế nào mới là quan trọng.

 

Sao cho chuẩn?

 

Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, hiện nay việc chọn Quốc phục có hai quan điểm: thứ nhất là giữ nguyên tính cổ truyền; thứ hai là vừa dân tộc vừa hiện đại. Do đó, muốn nhanh chóng có Quốc phục Việt Nam, trước tiên các nhà làm đề án phải đưa ra được tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Đừng như những lần trước đây, việc chọn khăn đóng, áo dài bàn đi bàn lại vẫn không thành công.

 

“Quan điểm của tôi là không lấy những bộ khăn xếp, áo the để làm Quốc phục. Có thể lấy âu phục nhưng chú ý ở vải, màu, sự kết hợp cà vạt như thế nào, ve áo ra sao,… cùng với áo dài cho đẹp. Nữ thì có thể mặc áo dài, ông Chương cho biết.

 

Cũng theo họa sĩ Trần Khánh Chương, vấn đề quan trọng là hướng triển khai và theo ông hướng hiện đại là phù hợp hơn cả. Chẳng hạn như, vẫn là âu phục nhưng cách tân ở những chi tiết nhỏ như cà vạt màu đỏ có gắn một ngôi sao. Đó đã là một sự khác biệt rồi. Bởi, nếu cứ lấy khăn xếp áo the không cẩn thận lại giống Trung Quốc, vì người Trung Quốc ngày xưa nam giới cũng mặc áo dài.

 

Nhà thiết kế Đức Hùng, cho rằng, giờ mới có Quốc phục là hơi muộn, đáng ra phải làm từ rất lâu rồi. Một đất nước nên có Quốc phục, vì điều này có tác dụng quảng bá đất nước và con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Chính vì thế, theo nhà thiết kế này, Quốc phục Việt Nam nên là áo dài truyền thống chứ không phải cách tân. Đàn ông cũng có thể mặc Quốc phục ngay trong các nghi lễ ngoại giao. Đã là quốc phục phải phù hợp với bất kỳ ai và bất kỳ hoàn cảnh nào…

 

Theo Báo Đất Việt

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra