Tháng 3 thắm đượm nghĩa tình

Chủ nhật, 23/03/2014 12:50
Tháng Ba, mùa hoa Trẩu rực rỡ khắp hai bờ sông Sê Pôn. Không biết tự bao giờ, cây hoa Trẩu mọc nhiều ở nơi đây và từ đời này sang đời khác, người dân hai bên sông chọn hoa này làm biểu tượng cho tình đoàn kết, gắn bó thủy chung giữa người dân hai nước, Việt – Lào anh em. 

Tháng Ba, mùa hoa Trẩu rực rỡ khắp hai bờ sông Sê Pôn. Không biết tự bao giờ, cây hoa Trẩu mọc nhiều ở nơi đây và từ đời này sang đời khác, người dân hai bên sông chọn hoa này làm biểu tượng cho tình đoàn kết, gắn bó thủy chung giữa người dân hai nước, Việt – Lào anh em.

 


Công an xã Xy giúp đỡ người dân bản Ổi, nước bạn Lào đưa sắn lên thuyền, đem sang Hướng Hóa để bán 

Ông Thạo Hơn, Trưởng cụm bản Ổi, huyện Sê Pôn, tỉnh Sa Vẳn Na Khẹt Lào lý giải: "Bởi vì hoa Trẩu có màu trắng tinh khiết, hương hoa thơm ngào ngạt, quyến luyến tự nhiên như rừng cây với suối nước, như đất dài với trời rộng, như người Việt với người Lào vốn bao đời đùm bọc, yêu thương nhau…” 

Trung tá Hồ Văn Nhuận, Công an huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) dẫn tôi đi giữa bạt ngàn màu xanh cây trái ở núi rừng của xã Thuận, xã Xy. Đứng ở bến sông Sê Pôn, nơi dòng chảy qua bản Ra Man, xã Xy nhìn sang phía bên kia- bản Ổi, huyện Mường Noòng, tỉnh Sa Vẳn Na Khẹt, nước bạn Lào, rất đông bà con Việt Nam đang gùi cõng nông sản sang đó để bán, để làm quà cho người dân nước bạn. Ở bến sông tấp nập người qua lại ấy, tuyệt nhiên không thấy sự "phân chia” ranh giới mà chỉ thấy những nụ cười cùng những cái bắt tay thân thiện.  

Trung tá Nhuận cho biết: "Mang tiếng là bán nhưng thực chất ít lắm. Bà con hai bên chủ yếu trao đổi hàng hóa với nhau. Chẳng hạn, tháng ba, người Ra Man làm ra nhiều lúa nhưng không có ngô, rau, thì bà con sang đó đổi lúa lấy ngô, rau với bà con nước bạn Lào. Ngoài ra, phần lớn sản vật là để đem biếu, tặng, giúp đỡ lẫn nhau”. Ông Thạo Hơn, Trưởng cụm bản Ổi phấn khởi cho biết: "Nhờ có bà con Việt Nam ở bản Ra Man cho cây, con giống và bày cho cách trồng, chăn nuôi mà đời sống của bà con mình ở bản Ổi mấy năm nay khấm khá hẳn lên”.  

Trong kí ức của già Thạo Hơn, cách đây hơn chục năm về trước, vùng đất ven sông Sê Pôn còn hoang vu lắm. Các loài lau sậy mọc kín lối đi. Người dân bản Ổi sống dựa vào củ sắn, hạt ngô trên núi, con chim, con thú bẫy được trong rừng. Bốn mùa mưa rừng, nắng núi, người dân chân đất, đầu trần, cứ thế rẽ cây mà đi. Từ ngày các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng như trường học, trạm y tế được chính quyền, các đoàn thể Việt Nam giúp đỡ, hỗ trợ đầu tư xây dựng, đời sống của bà con nơi đây đã đổi thay rất nhiều.  

Trở lại đường 9, ngược lên bản Cổ Thành, thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa), tôi được thượng tá Nguyễn Thành Phú, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo dẫn đi xem không khí xuống vụ Đông Xuân của bà con. Giữa những thửa ruộng mới cày thơm mùi đất, người nông dân không chỉ ở Cổ Thành mà còn ở bản Ka Túc 1, huyện Sê Pôn, tỉnh Sa Vẳn Na Khẹt, nước bạn Lào. Thượng tá Phú cho biết: "Bà con hai bản Cổ Thành, Ka Túc 1 ở cách nhau một con sông nhưng gần gũi như cùng một xóm. Hễ bên này có việc thì bên kia đến giúp đỡ và ngược lại.  

Người dân hai bên dòng Sê Pôn 

Hiện tại, biên giới Việt Nam- Lào qua huyện Hướng Hóa đã có tới 5 cặp bản kết nghĩa bản- bản, gồm: Ka Tăng (Việt Nam) - Đen Sa Vẳn (Lào), tương tự Ka Túc- Ka Túc 2, Duy Tân- bản Phường, Bích La Đông - Mỹ Yên Thượng và Cổ Thành- Ka Túc 1. Bà con giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, như: Chăn nuôi, trồng trọt; xây dựng và phát triển trang trại mô hình Vườn – Ao - Chuồng. Trong 8 năm qua, bà con ở Việt Nam đã giúp đỡ bà con nước bạn rất nhiều. Trong đó, quyên góp, hỗ trợ gạo cứu đói lúc giáp hạt; hỗ trợ cây và con giống.  

Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế, còn có các hoạt động giao lưu thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, nhất là vào các dịp lễ của hai bên. Năm 2013, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cũng đã hỗ trợ cụm bản Ka Túc 1 của nước bạn 500 triệu đồng để xây dựng một trạm xá. Ông Lít Thi Phong, Trưởng cụm bản Đen Sa Vẳn chia sẻ: "Bà con hai bản Ka Tăng- Đen Sa Vẳn đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giữ đường biên cột mốc, đảm bảo an ninh trật tự. 

Ở mảnh đất "hai như một” này, không còn xa lạ với cảnh trước mỗi mùa gieo hạt, trỉa cây, người ta lại thấy hình ảnh bà con ở bản bên kia gùi, gánh cây, con giống sang bản bên này. Sự sẻ chia ấy đã tạo nên những chuyển biến lớn trong tư duy làm ăn, xóa đói giảm nghèo bền vững cho nhiều hộ dân. Bây giờ ở cụm bản Đen Sa Vẳn, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng (tiền Việt) từ sắn, chuối không còn là chuyện hiếm”.  

Chia tay người dân nơi đây khi chiều đã buông sau đỉnh núi, tôi nhớ mãi câu nói  của già Thạo Hơn: "Giờ khách của bản Ra Man cũng là khách bản Ổi. Chừ dân hai bản miềng không còn vào rừng đào củ mài, chặt cây đốt rừng làm rẫy, săn bắt chim thú trên rừng nữa mà đã biết cách trồng cây lúa nước, nuôi cá, làm chuồng nuôi con heo, con bò rồi”.

 

Theo Thanh Tùng

Đại Đoàn kết

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra