Thanh tra, kiểm tra, siết chặt quản lý về phòng cháy chữa cháy

Thứ tư, 04/01/2023 11:17
(ThanhtraVietNam) - Từ năm 2023 và các năm tiếp theo, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH), nhất là tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm, có nguy cơ cháy, nổ, cháy rừng, sự cố, tai nạn. Đó là tinh thần nội dung Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới.

Karaoke, vũ trường phải được kiểm tra PCCC định kỳ

Chỉ thị nêu rõ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ ban hành kế hoạch thực hiện công tác PCCC và CNCH trong tình hình mới, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ tại địa phương; phân công rõ trách nhiệm của sở, ngành chức năng địa phương, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã kèm theo cơ chế kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và chế tài xử lý trách nhiệm, tạo chuyển biến tích cực trong công tác PCCC và CNCH tại từng địa phương (thực hiện từ năm 2023 và các năm tiếp theo).

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH, nhất là tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm, có nguy cơ cháy, nổ, cháy rừng, sự cố, tai nạn (thực hiện từ năm 2023 và các năm tiếp theo).

Thực hiện nghiêm việc thẩm định, cấp phép xây dựng, cấp phép kinh doanh đối với các công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt, thiết kế về PCCC, đặc biệt là các cơ sở chuyển đổi công năng có nguy cơ cháy, nổ cao, cơ sở có tập trung đông người như vũ trường, quán bar, karaoke, nhà cao tầng... Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và pháp luật nếu buông lỏng quản lý trong cấp phép đối với các cơ sở trên địa bàn quản lý khi chưa bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự, PCCC (thực hiện từ năm 2023 và các năm tiếp theo).

Định kỳ kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn PCCC và CNCH tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, xử lý nghiêm minh, kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện (từ năm 2023 và các năm tiếp theo).

leftcenterrightdel
 PCCC cần đổi mới tư duy, phương pháp để phù hợp với tình hình mới. Ảnh: PV

Bộ Công an sẽ kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện công tác PCCC tại các bộ, ngành, địa phương

Nội dung Chỉ thị cũng nêu yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ Công an: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu tham mưu, báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội về sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy và chữa cháy (báo cáo Chính phủ trong Quý III năm 2023).

Rà soát các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế (hoàn thành trong Quý II năm 2023).

Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCCC và CNCH tại các bộ, ngành, địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trách nhiệm đối với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, quản lý, điều hành để xảy ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng (thực hiện từ năm 2023 và các năm tiếp theo). 

Thực hiện nghiêm việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự cho các cơ sở đầu tư kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự; thu hồi giấy cũ, không cấp mới giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự cho các cơ sở không đủ điều kiện an toàn PCCC (thực hiện từ năm 2023 và các năm tiếp theo)...

Đổi mới tư duy, phương pháp phù hợp với yêu cầu PCCC trong tình hình mới

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC; Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư khóa XIII về tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW; Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC; Công văn số 319/TB-VPCP ngày 05/10/2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị công tác PCCC và sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 quy định về công tác CNCH của lực lượng PCCC…

Nhất là phải đổi mới tư duy, nhận thức phương pháp, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện trong công tác PCCC và CNCH phù hợp với yêu cầu tình hình mới hiện nay. Xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC và CNCH là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn PCCC và để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác PCCC và CNCH.

Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác PCCC và CNCH đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình về PCCC và CNCH phù hợp với điều kiện thực tiễn, tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và năng lực quản lý, năng lực sản xuất của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Chú trọng nghiên cứu, xây dựng chiến lược, kế hoạch, phương án PCCC và CNCH, nhất là tại các địa bàn, công trình trọng điểm quốc gia, khu đô thị, khu công nghiệp, khu thương mại có nguy cơ cháy, nổ cao, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Xây dựng thực hiện đồng bộ quy hoạch hạ tầng PCCC gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của ngành, lĩnh vực, địa phương, xây dựng mạng lưới giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chữa cháy, CNCH.

Bên cạnh việc kiện toàn, củng cố về nhân lực, cơ sở vật chất cũng như tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác PCCC, cần tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC và CNCH vừa có chiều rộng, vừa chuyên sâu, dễ hiểu, dễ tiếp thu, bằng các giải pháp cụ thể tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân đối với công tác PCCC và CNCH. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức kỹ năng về PCCC và CNCH cho mọi tầng lớp nhân dân nhất là đối với học sinh, sinh viên, đội ngũ lao động trẻ trong xã hội.

 

PV
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra