Thể thao Việt Nam: Những thương hiệu bị đánh rơi

Thứ hai, 24/03/2014 06:14
Lee Chong Wei - tay vợt cầu lông số 1 thế giới người Malaysia đã từng nói rằng: “Nếu Nguyễn Tiến Minh ở Malaysia thì thu nhập của anh ấy sẽ không dưới 300.000 USD/năm. Không phải từ tiền thưởng mà thương hiệu của một tay vợt Top 10 thế giới chắc chắn được săn đón”. Thực tế thì Tiến Minh cũng là VĐV có thu nhập tốt nhất Việt Nam hiện nay nhưng thương hiệu của Tiến Minh cũng như nhiều VĐV xuất sắc khác, bị đang bị đánh rơi.

Lee Chong Wei - tay vợt cầu lông số 1 thế giới người Malaysia đã từng nói rằng: “Nếu Nguyễn Tiến Minh ở Malaysia thì thu nhập của anh ấy sẽ không dưới 300.000 USD/năm. Không phải từ tiền thưởng mà thương hiệu của một tay vợt Top 10 thế giới chắc chắn được săn đón”. Thực tế thì Tiến Minh cũng là VĐV có thu nhập tốt nhất Việt Nam hiện nay nhưng thương hiệu của Tiến Minh cũng như nhiều VĐV xuất sắc khác, bị đang bị đánh rơi.


Từ chuyện “nữ hoàng chân đất” làm đại sứ thương hiệu

 

Đầu tuần, hãng nước khoáng Thạch Bích đã tuyên bố chọn “Nữ hoàng chân đất” Phạm Thị Bình làm Đại sứ thương hiệu. Về mặt hình ảnh, Phạm Thị Bình không phải là gương mặt lý tưởng trong makerting nhưng Thạch Bích chọn Bình bởi sự cống hiến của cô.

 

Bình là VĐV đoạt HCV môn marathon ở SEA Games 27. Hình ảnh Phạm Thị Bình chạy trên quãng đường dài hơn 40km với đôi chân trần khiến nhiều người xúc động. Cô gái người Quảng Ngãi này còn là tấm gương nghị lực. Để có được tấm HCV SEA Games, Bình đã trải qua những ngày tháng cơ cực: Bị phát hiện tim có vấn đề, phải phẫu thuật. Nhà Bình nghèo và việc cô vươn lên để có thành tích chính là yếu tố để Thạch Bích chọn Bình.

 

Nói như đại diện hãng nước khoáng này thì: “Chúng tôi tìm thấy nhiều điểm tương đồng giữa các sản phẩm, của thương hiệu Thạch Bích với hình ảnh một cô gái tràn đầy niềm tin, nghị lực, ý chí sắt đá, nhanh nhẹn, tâm hồn trong sáng, chân thật, và trái tim tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ của Phạm Thị Bình”.

 

Giá trị của bản hợp đồng này không được tiết lộ nhưng Bình là VĐV điền kinh hiếm hoi được một doanh nghiệp trả tiền cho hình ảnh, thương hiệu của mình.

 

Cũng mới đây, một vài VĐV cũng đã bắt đầu “bán” được hình ảnh của mình. Trong lễ ra mắt dòng xe mới, Yamaha Việt Nam cũng trình làng những nhà vô địch tại SEA Games 2013 như: Nguyễn Văn Lai - HCV điền kinh, Dương Thúy Vi - HCV Wushu, Châu Tuyết Vân - HCV Taekwondo, Vũ Thị Hương - HCV Điền kinh, và Hoàng Quý Phước - HCV Bơi lội.

 

Khác với trường hợp Phạm Thị Bình ký hợp đồng làm Đại sứ thương hiệu, những ngôi sao thể thao như Quý Phước, Vũ Thị Hương, Thúy Vi chỉ đóng… clip quảng cáo. Thế nên những khoản tiền mà những VĐV nhận được chỉ như những khoảng cát-xê bất ngờ (tuy cũng khá lớn đối với một VĐV, tương đương 3.000USD) chứ không phải từ việc kiếm được những hợp đồng tài trợ đủ lớn, đúng với thương hiệu của họ.

 

Một số VĐV có vẻ như may mắn hơn, như tay đua Mai Nguyễn Hưng dù không phải quá tên tuổi nhưng cũng được chọn làm Đại sứ thương hiệu của hãng xe Specialized. Với vai trò này, Hưng nhận tổng giá trị gói tài trợ lên tới 20.000USD/năm. Dù vậy, số tiền này chủ yếu được quy ra hiện vật như xe, áo, mũ… phục vụ luyện tập và thi đấu.

 

So với giới showbiz, sao thể theo kém tiếng và kém… miếng hơn nhiều. Nổi tiếng như Công Vinh nhưng cũng chỉ đóng vài clip quảng cáo lặt vặt không có nhà tài trợ chính thức. Nếu so Vinh với vợ anh - ca sĩ Thủy Tiên thì Vinh thua xa. Thậm chí, Vinh phải nhờ tới vợ mới thêm được vai trò đại diện hình ảnh cho một dòng xe của hãng Audi.

 

Đánh rơi… thương hiệu

 

Các ngôi sao thể thao trên thế giới, ngoài việc kiếm tiền từ mức lương khủng thì tiền từ việc bán hình ảnh mang lại nguồn thu nhập cao hơn rất nhiều. Chẳng hạn ngôi sao bóng đá Messi có nguồn thu nhập khoảng 50 triệu USD do đóng quảng cáo và đại diện hình ảnh cho những hãng lớn như Adidas và Pepsi.

 

Cuối năm 2013, tạp chí Euromericas Sport Marketing thống kê, tay vợt Roger Federer là ngôi sao thể thao kiếm được nhiều tiền nhất từ các hợp đồng quảng cáo trong năm qua 2013.

 

Cụ thể, cựu tay vợt số một thế giới người Thụy Sỹ kiếm được 68 triệu USD nhờ hợp tác với các thương hiệu nổi tiếng như Wilson, Rolex, Credit Suisse, Nationale Suisse, Lindt, Jura, Moet & Chandon, Gillette hay Mercedes…

 

Trở lại câu chuyện Lee Chong Wei và Tiến Minh. Tay vợt số 1 thế giới Lee Chong Wei thu nhập khoảng hơn 200.000USD/năm ngoài khoản tiền thưởng đi kèm thành tích, thu nhập của Lee Chong Wei đến từ 8 nguồn khác nhau, trong đó có nguồn từ nhà tài trợ chính Yonex, làm đại sứ thương hiệu cho Maxis, Samsung, Kaspersky… Ngoài ra còn khoản thu nhập khác từ học viện cầu lông và trung tâm thể thao mang tên Lee Chong Wei và cả bán tự truyện, truyện tranh.

 

Trong khi đó, Tiến Minh, tay vợt cầu lông số 1 Việt Nam, số 8 thế giới cũng chỉ có thể kiếm thu nhập từ vào nguồn như tài trợ từ IDC Bình Dương và đặc biệt là từ năm 2003, Minh có thêm nhà tài trợ Kawasaki với mức 42.000USD. Những con số đó là quá nhỏ so với… đồng nghiệp Lee Chong Wei.

 

Ở những môn khác như quần vợt thì những tay vợt như Hoàng Thiên hay Hoàng Nam cũng nhận được tài trợ nhưng chủ yếu là đều… quy ra sản phẩm như vợt, dây hay quần áo thi đấu.

 

Rõ ràng ở Việt Nam, thể thao vẫn chưa là một ngành công nghiệp - dịch vụ và chuyên nghiệp trong quá trình tạo dựng hình ảnh những ngôi sao thể thao để kinh doanh trên hình ảnh và thương hiệu của họ.

 

Và vì thế, dù có những VĐV hàng đầu khu vực như Ánh Viên, Vũ Thị Hương hay hàng đầu thế giới như Tiến Minh thì đó vẫn là những thương hiệu bị đánh rơi…

 

Theo Thành An (LĐO)

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra