Tiểu thuyết “Chín Mươi Ba” và cái đẹp cao thượng
Thứ tư, 26/03/2014 14:47 (GMT+7)
(ThanhtraVietnam) – 18h ngày 27/3, tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Việt Nam sẽ diễn ra Hội thảo về tiểu thuyết "Chín mươi ba" (Quatrevingt-treize, 1874) - tác phẩm lừng danh của văn hào Pháp Victor Hugo. Đây là một trong 45 cuốn tiểu thuyết của Victor Hugo được toàn thế giới biết đến , cùng với "Nhà thờ Đức Bà Paris" (Notre Dame de Paris, 1831), "Những người khốn khổ" (Les Misérables, 1862),…
Được biết, Victor Hugo không chỉ là một nhà thơ, nhà viết tiểu thuyết, nhà viết kịch danh tiếng nhất của nước Pháp, mà còn là nhân vật dẫn đầu phong trào lãng mạn (the romantic movement) của nền Văn Chương Pháp.
Khả năng sáng tạo của Victor Hugo rất đáng nể trọng, mỗi ngày ông có thể làm 100 câu thơ hay viết 20 trang tiểu thuyết và qua các tác phẩm của ông, đã phản ánh các phong trào chính trị và văn chương của thời đại, đã bộc lộ rõ niềm tin của ông nơi Khoa Học, nền Dân Chủ và Tự Do.
Victor Hugo chào đời năm 1802 và mất năm 1885, và bởi ông với các tác phẩm đồ sộ của mình nên nền văn chương đặc sắc của nước Pháp thế kỷ 19 đã được gọi là "Thế kỷ của Victor Hugo".
Tiểu thuyết “Chín Mươi Ba” ra đời vào thời điểm cuối cùng của trào lưu lãng mạn, nhưng vẫn để lại cho mọi thế hệ một kiệt tác văn chương trên đỉnh cao của nền văn học Pháp. Thông qua từng nhân vật, “Chín mươi ba” thể hiện rõ ràng và đầy đủ những luận điểm của Hugo về cái thiện và cái ác như một sự tồn tại của mâu thuẫn giữa hai mặt đối lập trong thế giới con người.
Tuy nhiên, ở đây không chỉ có cái thiện, cái ác, mà còn có cái đẹp cao thượng từ bên trên cuộc sống... Điều đó sẽ thực sự được cảm hiểu khi mỗi chúng ta lật từng trang tiểu thuyết. Những chiêm nghiệm sâu sắc, giàu triết lý nhân văn và có rất nhiều điều tỏa sáng đằng sau mỗi câu chữ như thế này để người đọc cảm nhận: “Cùng lúc đó, người ta nghe thấy một tiếng nổ khác. Một phát đạn súng nổ đáp lại tiếng lưỡi dao chém. Ximuốcđanh vừa rút một trong hai khẩu súng vẫn đeo bên thắt lưng, và đúng lúc đầu Gôvanh lăn vào hòm thì ông ta cũng tự bắn một viên đạn xuyên qua tim. Máu trào ra từ nơi miệng, ông ngã lăn ra chết. Và đôi linh hồn đồng điệu đau thương ấy cùng cất cánh bay, bóng đen của linh hồn này hòa trong ánh sáng của linh hồn kia.”
K. Dung