Kon Tum:

Triển khai đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Thứ ba, 28/11/2023 10:10
(ThanhtraVietNam) - Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Kon Tum xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các cấp, các ngành, kiên quyết không có vùng cấm trong công tác này. Do đó, cần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong các lực lượng chức năng (Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Thuế..), xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật.

Tránh chồng chéo, trùng lắp trong kiểm tra

Dự báo tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trong những tháng cuối năm 2023 và dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 phát sinh diễn biến phức tạp, tác động xấu đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - trật tự và sức khỏe của người dân. Bên cạnh đó, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, các địa bàn vẫn diễn biến phức tạp do nhu cầu tiêu dùng, tích trữ hàng hóa của Nhân dân tăng cao.

Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Kon Tum (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) đã ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đề nghị các sở, ngành chức năng và các địa phương chủ động nắm chắc diễn biến tình hình địa bàn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trước, trong và sau dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Đặc biệt, gắn nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát với công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện pháp luật cho thương nhân để nâng cao ý thức chấp hành.

Triển khai kiểm tra đồng loạt, có trọng tâm, trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Trong đó phải phối hợp thống nhất giữa các ngành, lực lượng chức năng để tránh chồng chéo, trùng lắp, không gây xáo động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thương nhân trên địa bàn. Phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để giữ vững kỷ cương pháp luật.

Các thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị nghiên cứu, quán triệt và triển khai, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh. Phân công rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát cho từng cơ quan, đơn vị chức năng thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý.

Chủ động phối hợp, xây dựng phương án tổ chức lực lượng, phương tiện tăng cường kiểm tra, kiểm soát biên giới, cửa khẩu và nội địa, trọng tâm kiểm soát chặt nhóm các mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán, như: Pháo nổ, thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, hàng điện tử, mỹ phẩm, quần áo may sẵn; vật tư, thiết bị y tế,... Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng phương tiện vận tải để vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu.

leftcenterrightdel
Đội Quản lý thị trường số 1 - Cục QLTT Kon Tum kiểm tra, xử lý cửa hàng bán các loại quần áo không rõ nguồn gốc sản xuất, không hóa đơn chứng từ hợp pháp. (Ảnh: kontum.gov.vn) 

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra

Đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn tỉnh Kon Tum được triển khai thực hiện từ 27/11 - 25/12/2023. Trong đó, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đề nghị các sở, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nhiệm vụ cụ thể.

Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc và Công an các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch đấu tranh triệt phá các tụ điểm tập kết hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Điều tra làm rõ, truy tố các vụ án liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức phối hợp, tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc xuất, nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y; tuần tra tuyến biên giới đường bộ, các đường mòn, lối mở, sông suối biên giới để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các loại vũ khí, vật liệu nổ, pháo nổ, ma túy, thuốc lá điếu, hàng tiêu dùng phục vụ Tết và các loại hàng cấm khác... Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lô hàng chuyển khẩu, tạm nhập, tái xuất, nhất là các lô hàng tiêu dùng, hàng tạp hóa, hàng có nguy cơ thẩm lậu, quay vòng vào nội địa.

Sở Tài chính phối hợp với Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, siêu thị chủ động nguồn hàng, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại.

Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, các Chi cục thuế khu vực, thành phố, tăng cường thanh kiểm tra, chống thất thu thuế. Đặc biệt là việc sử dụng, quản lý, lưu giữ hóa đơn và hồ sơ mua bán thu gom hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu của các hộ, cá nhân kinh doanh khu vực biên giới để ngăn chặn việc sử dụng hóa đơn để hợp thức hóa hàng nhập lậu.

Sở Công Thương - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh - chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra đôn đốc các sở, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo nội dung Kế hoạch.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện xử lý hành vi, gồm: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến trên môi trường mạng; vi phạm về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ chỉ đạo lực lượng Thanh tra chuyên ngành phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng đối với các mặt hàng nông, lâm sản, đồ uống, thực phẩm, khẩu trang, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế,... kiểm dịch đối với mặt hàng gia súc, gia cầm,... bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, không để ảnh hưởng đến sức khỏe của Nhân dân.

Sở Giao thông vận tải chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách trên các tuyến đường bộ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng phương tiện vận tải để vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả.../.

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra