Ủy quyền cấp huyện quyết định giá đất:

UBND cấp tỉnh phải hướng dẫn cụ thể đi kèm với kiểm tra, giám sát, chống tiêu cực, tham nhũng

Thứ hai, 08/05/2023 09:32
(ThanhtraVietNam) - Chính phủ mới ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP về việc uỷ quyền quyết định giá đất cụ thể. Trong đó, yêu cầu UBND cấp tỉnh phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác để cấp huyện thực hiện việc quyết định giá đất cụ thể và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình uỷ quyền. Đồng thời, phải hướng dẫn thực hiện đi kèm với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân.

 Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị và thực tế địa phương thực hiện uỷ quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá đất đối với diện tích vượt hạn mức khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.

UBND cấp huyện thành lập Hội đồng thẩm định giá đất gồm: Chủ tịch UBND cấp huyện làm Chủ tịch, lãnh đạo cơ quan tài chính cấp huyện làm Thường trực, lãnh đạo cơ quan tài nguyên và môi trường, lãnh đạo UBND cấp xã nơi có đất, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất hoặc chuyên gia về giá đất và các cơ quan chuyên môn cấp huyện có liên quan.

Nghị quyết nêu rõ, UBND cấp tỉnh phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác để cấp huyện thực hiện việc quyết định giá đất cụ thể và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình uỷ quyền.

Đồng thời, phải hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã uỷ quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân.

Nghị quyết này thực hiện đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thay thế Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành.

leftcenterrightdel
 Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tạo ta động lực để phát triển nhưng cần đi kèm với kiểm tra, giám sát để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng. Ảnh: PVBT

Điều 114, Luật Đất đai năm 2013 đang quy định, UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể; cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh tổ chức việc xác định giá đất và được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể. Việc xác định giá đất cụ thể dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp. Hội đồng thẩm định giá đất gồm Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Chủ tịch và đại diện của cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể trong việc giao đất, cho thuê, tính tiền bồi thường khi thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân nhưng thẩm quyền thu hồi đất lại thuộc về UBND cấp huyện dẫn đến việc xác định giá đất bị chậm không sát với giá thực tế nên đã đề xuất sửa đổi Khoản 3 Điều 114 Luật Đất đai theo hướng giao thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho UBND cấp huyện trong trường hợp thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân./.

Trần Tố Loan

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra