Xử lý nghiêm các vi phạm về kinh doanh xăng dầu dịp Tết Nguyên đán 2023

Thứ tư, 04/01/2023 11:12
(ThanhtraVietNam) – Theo Chuyên gia Vũ Vinh Phú, Bộ Công Thương cần bám sát việc quản lý các kho dự trữ xăng dầu, chất lượng hàng hóa trên thị trường và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh, buôn bán xăng dầu, loại bỏ những đơn vị làm ăn gian dối.

Năm 2022, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, giá cả dầu thô và các nguyên vật liệu đầu vào sản xuất có nhiều biến động bất thường, dẫn đến việc cung ứng xăng dầu của thị trường trong nước rơi vào tình trạng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, do những cơ chế quản lý nhà nước về việc kinh doanh xăng dầu chưa phù hợp, khiến cho một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu xảy ra hiện tượng đóng cửa, tạm dừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế trong thời gian qua, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp; gây sức ép lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát trong nước.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã kịp thời vào cuộc quyết liệt, linh hoạt; tích cực chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cơ bản ổn định được thị trường kinh doanh xăng dầu trong nước.

Đặc biệt, trước những dự báo về nhu cầu sử dụng xăng dầu vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tăng, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, trong đó có một số những chỉ đạo về việc phải tăng cường việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đảm bảo nguồn cung nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết của người dân.

leftcenterrightdel
Chuyên gia Vũ Vinh Phú. Ảnh: PV 

Đánh giá về Chỉ thị trên của Bộ Công Thương, Chuyên gia Vũ Vinh Phú – nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nhận định: Cùng với những nỗ lực bình ổn thị trường xăng dầu trong thời gian vừa qua, Chỉ thị mới này được Bộ Công Thương đề ra trong thời điểm vô cùng hợp lý, phù hợp với tình hình chung hiện tại, rất đáng để ghi nhận. So với Chỉ thị ở cùng thời điểm những năm trước, Chỉ thị này có những điểm mới sau:

Chỉ thị này đã nghiêm túc nhắc nhở các đơn vị nghiêm chỉnh thực hiện các “lệnh” nhập khẩu xăng dầu và kêu gọi sự đoàn kết, chia sẻ của các đơn vị, doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn.

Đồng thời, nhấn mạnh đến việc phải tăng cường công tác quản lý thị trường bằng các hoạt động kiểm tra, giám sát để loại trừ những đơn vị làm ăn gian dối, vi phạm về quy định kinh doanh xăng dầu. Từ đó, áp dụng những chế tài xử phạt sao cho hợp lý.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã có những đề xuất, kiến nghị về việc sớm sửa đổi các Nghị định liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, buôn bán xăng dầu hiện đang có hiệu lực để công tác quản lý được thực hiện tốt hơn, hạn chế các vướng mắc.

Trên thực tế, không chỉ riêng dịp Tết Nguyên đán sắp tới, mà tình hình kinh doanh xăng dầu năm 2023 cũng vẫn được dự báo là còn nhiều khó khăn, thách thức. Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Công Thương diễn ra vào chiều ngày 26/12/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định: Năm 2023, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tình hình quốc tế và trong nước được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Xung đột địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; sức ép lạm phát, giá dầu thô, nguyên vật liệu đầu vào vẫn ở mức cao, khó đoán định.

Để ổn định tình hình kinh doanh, buôn bán xăng dầu, cần những biện pháp lâu dài, ổn định hơn. Đề xuất về một số giải pháp nhằm thay đổi cơ chế quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhấn mạnh cần tập trung vào một số vấn đề sau:

Thứ nhất, phải tiến hành hạch toán kinh tế, giảm bớt cơ chế xin cho và giao tập trung việc quản lý, kiểm tra, giám sát kinh doanh, buôn bán xăng dầu về một đầu mối. Trong vấn đề quản lý nhà nước về lĩnh vực xăng dầu, Bộ Công Thương cần bám sát việc quản lý các kho dự trữ xăng dầu, chất lượng hàng hóa trên thị trường, và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh, buôn bán xăng dầu, loại bỏ những đơn vụ làm ăn gian dối.

Thứ hai, cần phải khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tự điều chỉnh doanh nghiệp, tiến tới việc các doanh nghiệp cũng từng bước hạch toán kinh tế, lời ăn lỗ chịu theo nguyên tắc của thị trường; từng bước giao cho các đơn vị tự định giá theo nguyên tắc thị trường, rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu từ 10 ngày xuống còn 5 ngày/lần để phù hợp với tình hình chung của biến động giá xăng dầu trên thế giới.

Cuối cùng, cũng cần xem xét về việc tăng dự trữ nguồn xăng dầu trong khoảng thời gian lớn hơn (có thể từ 3 - 6  tháng như ở nhiều nước trên thế giới) để đảm bảo sự lưu thông của thị trường.

Có như vậy, cơ chế quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu mới từng bước được cải thiện, đem lại những hiệu quả thiết thực trong hệ thống kinh doanh, bảo đảm an ninh năng lượng, tránh xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy ký ban hành Quyết định số 396/QĐ-TTCP ngày 13/10/2022 về thanh tra việc chấp hành, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu tại 3 bộ, 17 doanh nghiệp và các địa phương. Đoàn thanh tra do ông Dương Quốc Huy, Vụ trưởng Vụ I làm Trưởng đoàn. Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2017 đến ngày 30/6/2022, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.

 

Kim Minh Châu
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra