Quảng Bình:

Xử lý nghiêm hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc

Thứ ba, 28/03/2023 18:46
(ThanhtraVietNam) - Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính của tỉnh Quảng Bình ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất. Để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới, cùng với việc thực hiện cải cách hành chính một cách đồng bộ, thực chất, UBND tỉnh Quảng Bình sẽ chú trọng công tác kiểm tra, nhất là kiểm tra đột xuất nhằm chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong xử lý công việc cho người dân, doanh nghiệp.

Tỷ lệ trễ hạn hồ sơ thủ tục hành chính còn khá cao

Thời gian qua, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư luôn được Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Quảng Bình quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách; tổ chức nhiều buổi kiểm tra, làm việc trực tiếp; tổ chức nhiều hội nghị để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; các thủ tục hành chính thường xuyên được rà soát, cắt giảm. Trên cơ sở các kế hoạch, văn bản, ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã nghiêm túc triển khai thực hiện nhiệm vụ có liên quan. Hiệu quả, hiệu lực chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và chất lượng tham mưu, giải quyết công việc của các sở, ngành, địa phương ngày một nâng lên, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, giải quyết kịp thời công việc cho người dân, doanh nghiệp.

Kết quả tổng hợp trên Cổng Dịch vụ của tỉnh cho thấy, năm 2022, tỷ lệ thủ tục hành chính do các sở, ngành tiếp nhận được giải quyết đúng hạn là 96,8%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính do UBND cấp huyện tiếp nhận được giải quyết đúng hạn là 96,55%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính do UBND cấp xã tiếp nhận được giải quyết đúng hạn là 98,8%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh vẫn còn tồn tại, hạn chế. Nhiều chỉ số, chỉ tiêu dự báo sẽ giảm điểm, giảm thứ hạng và có thứ hạng thấp, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh, khả năng cạnh tranh và thu hút nhà đầu tư của tỉnh.

Theo UBND tỉnh Quảng Bình, nguyên nhân của những hạn chế trên là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính của một số đơn vị, địa phương còn thiếu quyết liệt, chung chung, thiếu trọng tâm, trọng điểm, thiếu hiệu quả trong tổ chức thực hiện. Trách nhiệm và quyết tâm chính trị của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, của đội ngũ cán bộ, công chức chưa cao; tỷ lệ trễ hạn hồ sơ thủ tục hành chính trên các lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép đầu tư, giấy phép xây dựng, phiếu lý lịch tư pháp, các lĩnh vực liên quan đến lao động, thương binh xã hội... còn khá cao nhưng chậm có giải pháp khắc phục.

Hơn nữa, việc rà soát, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp còn hạn chế. Đáng nói, ý thức, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt. Việc xây dựng triển khai chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số phục vụ hoạt động cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu theo lộ trình của Chính phủ.

Cùng với đó, một số người dân, doanh nghiệp chưa tích cực nghiên cứu quy định của pháp luật để chấp hành, sử dụng các ứng dụng, tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin còn chưa thành thạo. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho công tác cải cách hành chính của tỉnh còn những hạn chế nhất định.

leftcenterrightdel
Người dân thực hiện giao dịch tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: quangbinh.dcs.vn) 

Kiểm tra đột xuất trong xử lý công việc cho người dân, doanh nghiệp

Mới đây, kết luận tại Hội nghị đẩy mạnh các giải pháp nâng cao Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác cải cách hành chính.

Cụ thể, chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính một cách đồng bộ, thực chất, hiệu quả, nhất là đối với các đơn vị, địa phương có nhiều thủ tục giải quyết chậm trễ, các đơn vị phụ trách các tiêu chí, tiêu chí thành phần có điểm số thấp. Thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.

Theo báo cáo kết quả công tác cải cách hành chính năm 2022 của UBND tỉnh Quảng Bình, UBND tỉnh đã ban hành 78 Quyết định công bố thủ tục hành chính, trong đó, công bố mới 280 thủ tục; bãi bỏ, thay thế 233 thủ tục. Tính đến nay, tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết tại địa phương là 1.920 thủ tục.

Đồng thời, toàn tỉnh đã tiếp nhận 135 kiến nghị, phản ánh về thủ tục hành chính. Tất cả các phản ánh, kiến nghị đều được xử lý theo đúng quy định của pháp luật và được đăng tải công khai trên Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đồng thời, đổi mới công tác tuyên tuyền cải cách hành chính. Tăng cường tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chỉ số cải cách hành chính đến từng đơn vị, địa phương và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người dân trên địa bàn tỉnh.

Thường xuyên thực hiện công tác rà soát, sắp xếp vị trí việc làm đảm bảo đúng sở trường, chuyên môn; lựa chọn những cán bộ có trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ để bố trí tại Trung tâm Hành chính công, các bộ phận một cửa và các vị trí tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên với người dân, doanh nghiệp. Thường xuyên thực hiện đầy đủ, kịp thời các hoạt động kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, qua đó tham mưu UBND tỉnh ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp. Rà soát thực hiện đẩy đủ các nhiệm vụ về tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực ngành, địa phương quản lý đã được Trung ương, UBND tỉnh giao triển khai một cách đồng bộ, thống nhất và có tính khả thi cao.

Đặc biệt, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác cải cách thủ tục hành chính, tránh nguy cơ bị tụt hậu so với các địa phương khác trong cả nước. Khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị một cách thực chất. Chỉ đạo, quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm văn hóa công sở, kỷ luật kỷ cương công vụ, ứng xử văn minh, lịch sự, vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình giao Sở Nội vụ phối hợp với Thanh tra tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra công vụ (có Phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Quảng Bình) để kiểm tra đột xuất nhằm chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong xử lý công việc cho người dân, doanh nghiệp./.

Minh Nguyệt
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra