
|
 |
Hình ảnh khung cửi và chiếc võng mà Thân mẫu của Bác Hồ hằng đêm ngồi dệt vải và ru con ngủ |
Tôi lại nhớ khi có dịp về thăm quê Bác ở Làng Sen – Nam Đàn – Nghệ An, chị hướng dẫn viên du lịch bồi hồi, dìu dặt kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày đầu tiên Bác được sinh ra, chở che và nuôi dưỡng bởi Thân mẫu Hoàng Thị Loan. Nơi ấy, Bà ngày ngày làm việc ngoài đồng áng, đêm về ngồi dệt bên khung cửi, dưới ánh sáng ngọn đèn dầu lạc, nhẹ nhàng cất tiếng ru con theo tiếng thoi đưa:
“Con ơi mẹ dặn câu này
Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm
Làm người đói sạch rách thơm
Công danh là nợ nước non phải đền...”
Có thể nói, Bà Hoàng Thị Loan đã dành cho đứa con yêu của mình không chỉ những dòng sữa mát lành, mà còn có rất rất nhiều những khúc hát ru, thấm dần vào mạch máu, vào tâm hồn và ngọn nguồn lý tưởng của Hồ Chủ Tịch vĩ đại. Bà Hoàng Thị Loan chính là hiện thân của tất cả những người mẹ Việt Nam thời đó. Bà cũng là hình ảnh người mẹ Việt Nam biết yêu thương, biết hi sinh và dạy con mình trưởng thành vì tương lai của Tổ quốc.
Và chính những lời mẹ ru là hành trang Bác Hồ mang theo suốt cuộc đời. Trong những năm tháng bôn ba xứ người, Bác nhớ quê hương đất nước đến từng nắm đất, gốc cây, bụi cỏ, lối đi, từng lời ru của mẹ, câu hát ví dặm quê nhà… Chuyện về Bác vẫn kể, một đêm ở đất nước Thái Lan xa xôi, Người không ngủ được và đã thốt lên: “Xa nhà chốc mấy mươi niên/ Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con”.
Năm 1941, sau ba mươi năm xa Tổ quốc, khi đặt bước chân đầu tiên lên biên giới Việt Nam – Trung Quốc tại cột mốc 108, Người đã cúi xuống hôn lên đất mẹ. Ngay cả giây phút lâm chung, Người cũng chỉ mong muốn được nghe một đôi khúc dân ca, một câu hò xứ Nghệ bởi tình yêu quê hương, đất nước, niềm thương cảm xót xa với đồng bào, niềm khao khát được trở về với ngọn nguồn, với tình thương yêu của mẹ là quá lớn.
Nếu bạn đang băn khoăn tìm cho mình một lý tưởng sống hay chỉ đơn giản là một lẽ sống, bạn hãy tìm về với nguồn cội. Nơi ấy có lời ru của bà, của mẹ, có bóng hình của cha ông, quê hương, đất nước. Chất chứa trong từng lời ru là tình yêu thương vô bờ bến. Cảm hiểu được tình yêu thương ấy cũng là lúc mỗi chúng ta trưởng thành hơn trong suy nghĩ, biết yêu thương, trân trọng chính bản thân mình, để rồi lại yêu thương, trân quý những người xung quanh.
Học được cách yêu thương cũng là khi sự vô cảm, dửng dưng trong mỗi con người được thức tỉnh, để rồi chúng ta sẽ biết xót thương, sẻ chia và cứu giúp đồng loại khi gặp hoạn nạn, khó khăn.
Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta đang mỗi ngày một vội vã và hối hả. Giờ là lúc tôi muốn tìm lại chính mình, muốn làm cho mình hạnh phúc và dâng hương hoa, quả ngọt cho đời./.
K. Dung