Một số giải pháp hạn chế tham nhũng chính sách và lợi ích nhóm

Thứ hai, 08/08/2022 14:04
(ThanhtraVietNam) - Phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật nằm trong tổng thể chung các quan điểm và giải pháp phòng, chống tham nhũng nói chung của Đảng và Nhà nước ta thể hiện trong các nghị quyết và văn bản khác của Đảng, các văn bản pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng, Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng…
leftcenterrightdel
 Tham nhũng chính sách từng được đặt ra trong phiên thảo luận Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng trước đây.

Xây dựng chế độ liêm chính trong hoạt động công vụ để mỗi công chức thực sự vô tư, khách quan khi tham gia xây dựng chính sách

Tham nhũng trong xây dựng pháp luật cũng có những nguyên nhân giống như mọi hành vi tham nhũng khác: Một mặt, đó là sự suy thoái về đạo đức, sự thiếu kiểm soát lòng tham của những người có quyền lực, đã vì lợi ích cá nhân hoặc nhóm của mình mà đi ngược lại hay bất chấp lợi ích của cộng đồng, của xã hội, đất nước, nhưng mặt khác quan trọng hơn là sự thiếu minh bạch, thiếu kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả đối với việc thực hiện quyền lực. Đôi khi tham nhũng xảy ra do những người có quyền quyết đáp chính sách (quyết định chủ trương, thông qua văn bản pháp luật) đã không đủ năng lực để nhìn nhận đánh giá chính sách khiến cho quá trình này bị lợi dụng, bóp méo vì lợi ích của một nhóm người.

Nhìn một cách tổng quát, cần nâng cao nhận thức của xã hội cũng như của cán bộ, công chức về biểu hiện và tính nguy hại của tham nhũng trong xây dựng pháp luật nhằm đề cao trách nhiệm của mọi người trong công tác này. Xây dựng chế độ liêm chính trong hoạt động công vụ để làm cho mỗi công chức thực sự vô tư, khách quan khi tham gia xây dựng chính sách, soạn thảo và thông qua văn bản pháp luật. Đặc biệt, công tác cán bộ là vấn đề then chốt của mọi then chốt. Những người giữ cương vị cao trong bộ máy nhà nước có ảnh hưởng mang tính chất quyết định đối với việc định hướng chính sách, quyết định ban hành văn bản pháp luật, thậm chí là quyết định khi có ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản pháp luật. Vì vậy phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật trước hết là cần có những người lãnh đạo, những nhà quản lý, hoạch định chính sách công tâm, không dây dính vào nhóm lợi ích. Đây là khâu quan trọng mà Đảng và Nhà nước ta đang cố gắng kiểm soát để có đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, điều kiện tiên quyết bảo đảm cho các giải pháp phòng, chống tham nhũng có hiệu quả. Loại trừ ngay khỏi bộ máy những kẻ thoái hóa biến chất, lợi ích nhóm, đó là mệnh lệnh và cũng là giải pháp để phòng, chống tham nhũng nói chung, tham nhũng trong xây dựng pháp luật nói riêng.

Cùng với đó cũng cần quan tâm đến việc xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh phi tham nhũng trong giới doanh nhân, nói không với việc chạy chọt, xin xỏ cơ chế. Một môi trường kinh doanh mà các doanh nghiệp luôn “sẵn lòng” quà cáp, biếu xén hối lộ để giành lợi thế trong kinh doanh thì khó có thể nghĩ đến việc phòng, chống tham nhũng. Chúng ta cần bàn đến vấn đề lợi ích nhóm và vai trò của các nhóm lợi ích. Như đã nói trong xã hội đương nhiên tồn tại các nhóm với những lợi ích khác nhau và mỗi nhóm luôn hướng đến lợi ích của nhóm mình. Vấn đề chỉ là ở chỗ làm sao để lợi ích nhóm phù hợp, tôn trọng lợi ích chung của cả cộng đồng. Điều này cần được tuyên truyền, giáo dục bền bỉ, lâu dài và kèm theo đó là sự công khai, minh bạch, sự bình đẳng trong vận động chính sách.

Kiểm soát và đẩy mạnh xử lý các văn bản quy phạm pháp luật sai trái

Đã đến lúc nên nghĩ đến các cơ chế (trong khi chờ đợi một đạo luật về vận động chính sách) để các nhóm lợi ích có thể công khai thực hiện vận động hành lang trong quá trình xây dựng chính sách và ban hành các văn bản pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền sẽ là người lắng nghe, thẩm định các phương án để lựa chọn và thông qua chính sách tốt nhất cho lợi ích chung trong đó tôn trọng và đảm bảo lợi ích của các nhóm xã hội khác nhau. Giải pháp của Canada về vận động hành lang và việc xử lý hài hòa các nhóm lợi ích (groupe d`intéret) của Pháp là những kinh nghiệm tốt cho Việt Nam về vấn đề này. 

Trước mắt để hạn chế tình trạng tham nhũng chính sách, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, được thực hiện ở tất cả các yếu tố: Quy trình ban hành các văn bản quy phạm hiện nay vừa rườm rà, vừa không bảo đảm chất lượng. Chính phủ cần chịu trách nhiệm đến cùng về dự án luật của mình khi trình ra Quốc hội và ngược lại. Quốc hội dành thời gian kiểm soát, đánh giá những chính sách mà Chính phủ đưa ra để bảo đảm đạo luật đó thực sự vì lợi ích của Nhân dân. Bên cạnh đó là đội ngũ những người tham gia xây dựng pháp luật vừa phải có chuyên môn giỏi vừa có phẩm chất đạo đức để không bị tác động bởi các nhóm lợi ích trong quá trình tham gia xây dựng pháp luật.

Hai là, tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan tham gia xây dựng pháp luật, tạo ra các cuộc thảo luận, phản biện chính sách của rộng rãi công chúng, bao gồm các nhà kinh tế, các luật gia, nhà quản lý và đặc biệt là những người chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo luật. Những ý kiến đó cần phải được tiếp thu, giải trình minh bạch chứ không chỉ để tham khảo hoặc cho “đẹp hồ sơ” theo thủ tục, quy trình. Cần thiết phải có những cuộc hội thảo, hội nghị hay những phiên giải trình để thảo luận một cách nghiêm túc và thấu đáo những vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Ba là, vấn đề kiểm soát và xử lý các văn bản quy phạm pháp luật sai trái cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa. Thực tiễn cho thấy tình trạng văn bản quy phạm pháp luật sai trái phổ biến. Ngoài nguyên nhân về năng lực trình độ và sự tắc trách thì chắc chắn lợi ích nhóm là một trong những nguyên nhân của tình trạng này.

Cần tăng cường vai trò của cơ quan tư pháp trong kiểm soát việc ban hành các văn bản pháp quy, ít nhất là các văn bản dưới luật bằng việc trao cho tòa án có thẩm quyền phán quyết và hủy bỏ các văn bản trái luật thay vì chỉ xem xét các quyết định cá biệt hiện nay.

Thêm nữa cần tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế bảo hiến thực sự có hiệu quả. Vấn đề thiết lập tòa án hiến pháp hoặc cơ chế bảo hiến bằng tài phán đã được bàn thảo nhiều trong khi xây dựng Hiến pháp 2013 nhưng chưa được chấp nhận, hệ quả là không ít văn bản do Quốc hội ban hành không thực sự bảo đảm chất lượng, khó khăn khi triển khai thực tế (Bộ luật Hình sự, Luật Bảo hiểm xã hội…). Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu để có thể xem xét lại mọi văn bản pháp luật, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm nguyên tắc pháp quyền và tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, phòng, chống có hiệu quả tham nhũng trong xây dựng chính sách, pháp luật ở tất cả các cấp độ./. 

TS. Đinh Văn Minh
Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra