Bà Rịa - Vũng Tàu: Quan tâm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở

Thứ sáu, 26/04/2024 11:51
(ThanhtraVietNam) - UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định khiếu nại đông người, vượt cấp có thể phát sinh ở những nơi không làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, không quan tâm đúng mức đến vận động, thuyết phục, giải quyết ngay từ cơ sở.

Thời gian qua, Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện nghiêm các quy định về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Lãnh đạo UBND tỉnh đã dành nhiều thời gian để xem xét, giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo; ban hành và công khai Lịch tiếp công dân năm 2024 theo quy định; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; chỉ đạo Thanh tra tỉnh có Công văn số 292/TTr-VP ngày 22/02/2024 đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương quyết liệt giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng quy định và đạt 89,21% số vụ việc đến hạn; tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực pháp luật bảo đảm đạt trên 90% ngay từ những tháng đầu năm 2024.

Vì vậy, công tác tham mưu giải quyết của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã được đẩy nhanh hơn, nhất là việc đối thoại ngay sau khi có báo cáo kết quả xác minh. Qua đó, giải quyết bảo đảm trên 85% theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Điều đó đã góp phần quan trọng trong việc củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự ổn định chính trị - xã hội, phục vụ tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

leftcenterrightdel
Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu chủ trì buổi đối thoại với các hộ dân có đất bị thu hồi thực hiện dự án tại phường 2. Ảnh: Báo BRVT  

Tình hình khiếu nại, tố cáo có chiều hướng gia tăng

Theo báo cáo của UBND Tỉnh, trong Quý I năm 2024, các ngành, các cấp trên địa bàn đã tiếp và hướng dẫn cho 1.125 lượt với 1.153 người trong 831 vụ việc, tăng 10,72% so với cùng kỳ năm 2023. Ban Tiếp công dân tỉnh tiếp 02 đoàn đông người, với 29 công dân tham gia.

Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã nhận và xử lý 1.361 đơn, tăng 30,86% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó thụ lý giải quyết 708 vụ khiếu nại, 31 vụ tố cáo.

 Đến nay đã giải quyết 321 vụ khiếu nại, nội dung khiếu nại chủ yếu về lĩnh vực đất đai (chiếm 94,92%). Qua giải quyết khiếu nại, các ngành, các cấp trong tỉnh đã kiến nghị bồi thường bổ sung số tiền 205 triệu đồng; giao 620m2 đất.

Cùng thời gian đã giải quyết 18 vụ tố cáo; nội dung tố cáo chủ yếu đối với hành vi hành chính của công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ (chiếm 93,54%).

Khiếu nại, tố cáo vẫn chủ yếu liên quan đến đất đai

 Có thể thấy, nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo xuất phát từ việc thu hồi đất để thực hiện nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, cùng với việc giá trị quyền sử dụng đất liên tục biến động theo hướng tăng cao như hiện nay làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và đời sống của người dân dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Ngoài ra, trong công tác thu hồi đất để triển khai dự án còn bộc lộ thiếu sót trong quá trình đo đạc, đền bù, giải phóng mặt bằng ở một số địa phương; qua đó, chưa giải quyết đầy đủ quyền lợi cho người dân, dẫn đến phát sinh khiếu nại.

Việc tiếp tục triển khai các dự án để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ lợi ích cộng cộng, cùng với đó là sự gia tăng giá trị quyền sử dụng đất đã có phần ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân; công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các dự án nếu không được thực hiện đúng quy định là nguyên nhân chủ yếu phát sinh khiếu nại, tố cáo. Nội dung khiếu nại vẫn sẽ tập trung trong lĩnh vực đất đai, việc thực hiện các chính sách xã hội... nội dung tố cáo nếu có phát sinh vẫn tập trung vào lĩnh vực hành chính.

Dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian tiếp theo sẽ còn phát sinh nhiều, tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Khiếu nại đông người, vượt cấp có thể phát sinh ở những nơi không làm tốt công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, không quan tâm, chú trọng đúng mức đến công tác vận động, thuyết phục, giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở.

Thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tình hình mới

Để kịp thời bàn giao đất cho chủ đầu tư thi công dự án đường nối vào cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu trong tháng 7/2024, các địa phương đang tích cực triển khai công tác kiểm đếm, thu hồi đất. Vì vậy, chính quyền các cấp cần quan tâm, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về thu hồi, bồi thường; công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án phải bảo đảm công khai, minh bạch và chính xác. Các ý kiến phải được ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ để giải đáp kịp thời cho người dân, nếu có khó khăn, vướng mắc phải báo cáo để kịp thời tháo gỡ; có giải pháp xử lý ngay từ cơ sở để không để phát sinh tình huống phức tạp.

Trong Quý II/2024 và cả năm 2024, UBND tỉnh xác định tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các ngành, các ngành, các cấp trong tỉnh bám sát chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh để triển khai nhiệm vụ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, công dân, giải quyết căn bản tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, không để hình thành “điểm nóng về khiếu nại, tố cáo, nhằm góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giải pháp cụ thể là:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai đồng bộ các chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo như: Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 42-CT/TU, ngày 23/7/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”; Quy định số 03-QĐ/TU, ngày 07/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về“Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân”; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định thuộc thẩm quyền của tỉnh liên quan đến lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường, nhất là quy định về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư; về giá đất cụ thể để thực hiện bồi thường; quy định về giải quyết tranh chấp đất đai; tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai ở cả ba cấp; đẩy mạnh hơn nữa việc công khai đầy đủ thông tin cho người dân và doanh nghiệp biết để giám sát và thực hiện.

Thứ ba, Thủ trưởng cơ quan hành chính thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND các cấp nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân theo quy định, gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong quá trình giải quyết cần tăng cường tiếp xúc với công dân nhằm tìm hiểu nguyên nhân, nguồn gốc phát sinh khiếu nại, tố cáo, gắn với làm tốt việc thu thập chứng cứ, tài liệu làm căn cứ cho việc giải quyết đơn thư. Nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo tại địa phương để chủ động kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo xử lý những vụ việc phức tạp, những đối tượng xấu gây rối làm ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự.

Thứ tư, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ. Vận hành và cập nhật thường xuyên Phần mềm Quản lý công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp tục triển khai “Cổng tra cứu kết quả đơn thư dành cho người dân”.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; các cơ quan truyền thông tăng thời lượng chuyên đề về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định.

Thứ sáu, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và thực hiện đúng chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác này.

Thứ bảy, tiếp tục thực hiện Quyết định số 1849/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ về việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; và các vụ việc theo Kế hoạch số 262-KH/TU, ngày  31/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Thứ tám, tiếp tục thực hiện thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để chấn chỉnh các hạn chế cũng như phát huy cách làm mới, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh “điểm nóng”.

Cuối cùng, triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị định số 55/2022/NĐ-CP ngày 23/8/2022 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu Quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nhằm phát huy tối đa hiệu quả việc quản lý khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu; thực hiện tốt việc nhập số liệu trên Phần mềm Báo cáo tổng hợp của Thanh tra Chính phủ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông vào hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo./.

Vũ Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra