Ban hành Chiến lược truyền thông Chương trình POSCIS giai đoạn 2012 – 2014

Thứ năm, 03/05/2012 12:20
(ThanhtraVietnam) – Ngày 27/4/2012 Giám đốc Ban quản lý các dự án – Thanh tra Chính phủ đã ban hành quyết định số 25/QĐ-BQLDA về Chiến lược truyền thông Chương trình “Tăng cường năng lực tổng thể ngành Thanh tra đến năm 2014”  (Chương trình POSCIS) giai đoạn 2012-2014. Quyết định này quy định về phạm vi, đối tượng, quan điểm, mục tiêu, nội dung, giải pháp, chỉ số cơ bản để đánh giá việc thực hiện chiến lược và việc tổ chức thực hiện chiến lược.

Công tác thông tin, truyền thông của Chương trình POSCIS đã được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: trao đổi trong nội bộ Chương trình, trao đổi với các đối tác phát triển… Tuy nhiên, hoạt động này trong thời gian vừa qua chưa được thực hiện một cách bài bản, chính vì vậy hiệu quả của công tác thông tin, truyền thông vẫn chưa phát huy đúng theo yêu cầu. Do đó, việc ban hành quyết định số 25/QĐ-BQLDA để tổ chức thực hiện công tác thông tin truyền thông hiệu quả, đạt được mục tiêu chung là cấp bách, cần thiết.

 

Quyết định số 25/QĐ-BQLDA về việc Ban hành Chiến lược truyền thông Chương trình “Tăng cường năng lực tổng thể ngành Thanh tra đến năm 2014” giai đoạn 2012 – 2014 gồm những nội dung sau:

 

Phạm vi, đối tượng truyền thông

 

Các hoạt động của Chiến lược truyền thông Chương trình POSCIS thực hiện trong giai đoạn 2012-2014. Chiến lược truyền thông tập trung vào các hoạt động của Chương trình POSCIS nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Chương trình cũng như nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc đổi mới hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiếp công dân và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức ngành Thanh tra.

 

Đối tượng truyền thông chia thành hai nhóm chính là: nội bộ chương trình bao gồm:

 

Ban Chỉ đạo chương trình, Ban Quản lý các dự án (BQLCDA), các Ban Quản lý dự án hợp phần (BQLDAHP), Thanh tra Chính phủ, các bộ, địa phương tham gia chương trình; các đối tác phát triển tài trợ cho chương trình; cán bộ, công chức của Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, địa phương tham gia chương trình.

 

Bên ngoài chương trình bao gồm: Thanh tra các bộ, địa phương chưa tham gia chương trình; các đối tác phát triển hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng; các cơ quan chuyên trách về phòng, chống, tham nhũng; các cơ quan liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng; cộng đồng, xã hội.

 

Quan điểm, mục tiêu, nội dung

 

Về quan điểm: Chiến lược này coi truyền thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý điều hành chương trình giúp nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Chương trình nói riêng cũng như của toàn ngành Thanh tra nói chung; truyền thông phải đi trước một bước trong quá trình triển khai các hoạt động dự án, định hướng hoạt động của toàn chương trình, các dự án hợp phần và tạo tác động lan tỏa của chương trình; giúp huy động có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ nâng cao năng lực cho ngành Thanh tra trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

 

Mục tiêu chung của Chiến lược là quản lý, điều hành tốt Chương trình, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình triển khai chương trình và yêu cầu của các đối tác phát triển, mở rộng hợp tác, đối thoại trong và ngoài chương trình, nâng cao nhận thức của xã hội đối với Chương trình và ngành Thanh tra.

 

Mục tiêu cụ thể của Chiến lược là thông tin trong quá trình thực hiện Chương trình được chia sẻ, trao đổi, phản ánh kịp thời, đầy đủ giữa các bên liên quan trong nội bộ chương trình nhằm tạo được hiểu biết chung, đồng thuận và tin tưởng; thông tin chung về Chương trình được chia sẻ, trao đổi, phản ánh với các đối tác bên ngoài, với cộng đồng, xã hội nhằm tạo sự hiểu biết, đồng thuận, ủng hộ Chương trình, đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác ngoài Chương trình; thông tin về kết quả của Chương trình được chia sẻ, trao đổi trong toàn ngành Thanh tra góp phần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt nâng cao năng lực truyền thông của Ban Quản lý các dự án và các dự án hợp phần được nâng cao.

 

Nội dung truyền thông: tổng quan toàn Chương trình Tăng cường năng lực tổng thể ngành Thanh tra; mục tiêu, kết quả, nguyên tắc, phương pháp tiếp cận của chương trình.

 

Nội dung cụ thể của chương trình trên 3 lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

 

Nội dung cụ thể của các dự án hợp phần: Các mô hình, quy chế, quy trình, biểu mẫu, phần mềm trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong các dự án hợp phần; những kinh nghiệm tốt và bài học kinh nghiệm trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

 

Những kinh nghiệm thực tiễn tốt trong quản lý dự án gồm lập và thực hiện kế hoạch, quản lý tài chính, mua sắm dịch vụ và hàng hóa.

 

Những dự án hợp phần điển hình thực hiện tốt và chưa tốt.

 

Những khó khăn và thách thức mà chương trình gặp phải trong quá trình triển khai và biện pháp khắc phục.

 

Những kinh nghiệm và bài học trong hoạt động của các cơ quan thanh tra, các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng ngoài Chương trình.

 

Tiến độ thực hiện chương trình và các dự án hợp phần.

 

Tổ chức diễn đàn trao đổi, rút kinh nghiệm từ đó góp phần nhân rộng những mặt tốt, hạn chế, những mặc chưa tốt.

 

Giải pháp

 

Thực hiện thông tin, truyền thông và quản lý thông tin trong nội bộ chương trình: Thông tin giữa BQLCDA với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ; thông tin giữa BQLCDA với Ban chỉ đạo chương trình; thông tin giữa BQLCDA với BQLCDAHP; thông tin giữa BQLCDA với các đối tác phát triển; thông tin giữa các BQLDAHP; thông tin giữa BQLDAHP với lãnh đạo các bộ, địa phương.

 

Thực hiện thông tin, truyền thông đến các cơ quan ngoài chương trình: các cơ quan thanh tra các bộ, địa phương chưa tham gia chương trình; các đối tác phát triển hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng; các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng; các cơ quan liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng; các cơ quan liên quan đến công tác cải cách hành chính; tăng cường sự phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ với các bộ, địa phương tham gia chương trình trong các hoạt động truyền thông trong và ngoài chương trình.

 

Truyền thông ra cộng đồng, xã hội thông qua việc tạo lập mối quan hệ hợp tác hiệu quả với các cơ quan truyền thông đại chúng nhằm thông tin một số hoạt động của chương trình, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về hoạt động của ngành Thanh tra, tạo lập niềm tin trong cộng đồng và người dân.

 

Xây dựng và tăng cường năng lực truyền thông cho toàn chương trình (như thành lập Tổ Thông tin, truyền thông chương trình; Phân công các bộ phụ trách truyền thông ở các dự án hợp phần; Hoàn thiện và đưa vào hoạt động hệ thống quản lý thông tin nội bộ chương trình; Tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo kỹ năng truyền thông; Biên soạn tài liệu chung nhằm phổ biến và áp dụng hoạt động truyền thông của ngành ở cấp bộ và cơ sở; Phối hợp các kênh thông tin trong ngành Thanh tra như báo chí, truyền  hình nhằm phát huy hiệu quả của truyền thông; Lập danh sách tư vấn trong, ngoài nước cho chương trình, …).

 

Một số chỉ số cơ bản để đánh giá việc thực hiện chiến lược

 

Tỷ lệ % cán bộ nhân viên ngành Thanh tra hiểu biết cơ bản về chương trình; số cơ quan thanh tra hưởng thụ kết quả của chương trình; số cơ quan thanh tra tham gia vào hoạt động của chương trình; số cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng sử dụng kết quả của chương trình; số cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng tham gia vào các hoạt động của chương trình; số đối tác phát triển hiểu biết cơ bản về chương trình; số các cơ quan liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng sử dụng kết quả của chương trình; số cơ quan liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng tham gia các hoạt động của chương trình; số lượt truy cập vào trang thông tin điện tử của chương trình; số mô hình, quy chế, quy trình trong lĩnh vực hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng được nhân rộng trong toàn ngành Thanh tra; số các dự án hợp phần sử dụng danh sách tư vấn của chương trình.

 

Tổ chức thực hiện

 

Trách nhiệm của Ban Quản lý các dự án là chủ trì, điều phối các dự án hợp phần tham gia Chương trình thực hiện chiến lực truyền thông; định hướng kế hoạch truyền thông hàng năm cho toàn bộ chương trình, theo dõi, đánh giá việc thực hiện kế hoạch truyền thông toàn Chương trình; xây dựng Kế hoạch truyền thông hàng năm cho Dự án hợp phần Thanh tra Chính phủ.

 

Trách nhiệm của Ban Quản lý dự án hợp phần là xây dựng, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch truyền thông hàng năm về Ban Quản lý các dự án để theo dõi, tổng hợp./.

Hoàng Minh

tranthanhhuyen
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra