Bảo đảm tính khả thi của pháp luật về tố cáo

Thứ ba, 09/04/2013 16:03
(ThanhtraVietnam) - “Bảo đảm quyền tố cáo của công dân theo đúng quy định của pháp luật sẽ thúc đẩy xây dựng một xã hội lành mạnh, một nền hành chính kỷ cương, liêm chính. Cùng với Luật Tố cáo, hai Thông tư quy định Quy trình giải quyết tố cáo và Quy định chi tiết và hướng dẫn về thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về tố cáo sẽ góp phần bảo đảm tính khả thi của pháp luật về tố cáo trên thực tiễn”.

 

Đây là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ tại Hội thảo lấy ý kiến hai Thông tư quy định: Quy trình giải quyết tố cáo và Quy định chi tiết và hướng dẫn về thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về tố cáo được tổ chức ngày 9/4.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

 

Tại Hội thảo, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng cho biết, việc xây dựng Thông tư quy định Quy trình giải quyết tố cáo và Quy trình Thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật tố cáo nằm trong Chương trình xây dựng pháp luật của Thanh tra Chính phủ năm 2012. Trong quá trình soạn thảo, Tổ biên tập đã bám sát các quy định của pháp luật và kết quả, tình hình thực tế giải quyết về tố cáo trong thời gian qua, nhất là những mặt làm được và những hạn chế, bất cập cần thiết phải có hướng dẫn mới, phù hợp, đáp ứng với quy định pháp luật về tố cáo. Cũng theo ông Đạt, Dự thảo Thông tư đã được đưa ra thảo luận nhiều lần trong Tổ biên tập và gửi xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và đưa lên trang thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ để xin ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức và nhân dân.

 

Tạo hành lang pháp lý cho công tác thanh tra trách nhiệm

 

Theo ông Đặng Hùng Sơn, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn về thanh tra trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật về tố cáo được xây dựng nhằm góp phần tăng cường hiệu quả công tác thanh tra trách nhiệm. Bởi thực tiễn cho thấy hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn thống nhất về thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về tố cáo. Cụ thể như chưa xác định rõ chủ thể có thẩm quyền tiến hành thanh tra trách nhiệm, chưa thống nhất về nội dung thanh tra trách nhiệm, chưa quy định về trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra trách nhiệm. Cũng theo Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng, những quy định hiện nay chưa tạo được hành lang pháp lý đầy đủ cho việc thanh tra trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác giải quyết tố cáo cũng như chưa tạo ra sự thống nhất về nhận thức và hành động trong quá trình chỉ đạo và tiến hành thanh tra, do đó, việc xây dựng và ban hành Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn về thanh tra trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật về tố cáo là cần thiết để phù hợp với yêu cầu của quản lý nhà nước và thực tiễn hiện nay.

 

Ngoài những quy định chung về phạm vi, đối tượng áp dụng và thẩm quyền thanh tra trách nhiệm, nội dung thanh tra trách nhiệm được quy định trong Thông tư này bao gồm: thanh tra việc thực hiện quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo và việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo và thanh tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác giải quyết tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tố cáo.

 

Góp ý vào dự thảo Thông tư, ông Nguyễn Chí Nhâm, Chánh Thanh tra Nghệ An cho rằng trước thực trạng ở một số nơi còn có tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, công dân thì thanh tra trách nhiệm nếu chỉ dừng lại ở việc  thanh tra trách nhiệm người đứng đầu sẽ không thực sự hiệu quả. Tranh tra trách nhiệm cần gắn với thanh tra công vụ để qua đó đánh giá toàn diện việc thực hiện trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ, công vụ của nhà nước giao.

 

Đối với những vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài, một số ý kiến cho rằng, những vụ việc đã có kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo nhưng công dân vẫn tiếp tục tố cáo, khi tiến hành phải kiểm tra, rà soát và cho ý kiến hướng dẫn giải quyết. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị Thông tư cần quy định cụ thể và chi tiết về trình tự, thủ tục của các bước tiến hành thanh tra trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật về tố cáo để làm cơ sở pháp lý thống nhất cho đoàn thanh tra thực hiện.

 

Nhiều điểm mới trong Quy trình giải quyết tố cáo

 

Khác với Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn về thanh tra trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật về tố cáo được xây dựng mới hoàn toàn, việc ban hành Thông tư quy định Quy trình giải quyết tố cáo nhằm thay thế Thông tư số 01/2009/TT-TTCP, để đáp ứng yêu cầu của việc triển khai thực hiện các quy định mới trong Luật Tố cáo và Nghị định 76/2012/NĐ-CP.

 

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng cho biết, so với Thông tư 01/2009/TT-TTCP, Thông tư này không chỉ mở rộng phạm vi điều chỉnh mà còn quy định rõ hơn đối tượng áp dụng quy trình giải quyết tố cáo mới, đồng thời bổ sung nghiệp vụ tiếp nhận tố cáo, kiểm tra điều kiện thụ lý tố cáo và mẫu văn bản đề xuất thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo. Ngoài ra, quy trình mới cũng quy định cơ quan thanh tra nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức khác được người giải quyết tố cáo giao xác minh tố cáo thì phải có báo cáo với người giải quyết tố cáo về kết luận của mình đối với nội dung được giao xác minh, đồng thời đưa ra mẫu báo cáo. “Báo cáo này không phải là bản kết luận nội dung tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo vì việc kết luận nội dung tố cáo thuộc thẩm quyền của người giải quyết tố cáo”, ông Hùng nhấn mạnh.

 

Cho ý kiến về việc thành lập tổ xác minh theo quy định của dự thảo Thông tư, ông Phan Thăng Long, Phó Cục trưởng Cục I, Thanh tra Chính phủ, trong thực tế không chỉ có đoàn hay tổ xác minh mà còn có cả đoàn thanh tra xác minh giải quyết tố cáo. Do đó, Thông tư này cần nêu rõ đối với trường hợp thành lập đoàn thanh tra xác minh tố cáo thì cần phải theo quy định của Luật Thanh tra. Còn theo đại diện Thanh tra Bộ Tài chính, nếu là quy trình thì cần được mẫu hóa bởi các mẫu biểu, tuy nhiên, trong Quy trình hiện chưa có “hình bóng” của các biên bản như: biên bản làm việc với người tố cáo, biên bản làm việc với người bị tố cáo...

 

Cùng chung ý kiến với Chánh Thanh tra Nghệ An Nguyễn Chí Nhâm, nhiều đại biểu cũng băn khoăn về trường hợp khiếu nại không đạt yêu cầu của người khiếu nại nên họ chuyển sang tố cáo thì quy trình chấm dứt tố cáo được thực hiện như thế nào?

 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng nhấn mạnh tố cáo là một trong những quyền chính trị của công dân được xác định trong các bản Hiến pháp của Việt Nam; là một trong những thiết chế bảo đảm quyền dân chủ, quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội của người dân; là phương thức phát hiện những vi phạm pháp luật, vi phạm những quy tắc chuẩn mực xử xự chung trong đời sống xã hội. Bảo đảm quyền tố cáo của công dân theo đúng quy định của pháp luật sẽ thúc đẩy xây dựng một xã hội lành mạnh, một nền hành chính kỷ cương, liêm chính. Cùng với Luật Tố cáo, hai Thông tư nói trên quy định quy trình cơ bản nhằm bảo đảm tính khả thi của pháp luật về tố cáo trên thực tiễn. Việc lấy ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự Hội thảo là những người có kinh nghiệm thực tế sâu sắc trong tổ chức thực thi pháp luật tố cáo sẽ góp phần đảm bảo chất lượng và tính khả thi cao của các Thông tư này ngay sau khi có hiệu lực thi hành./.

 

Bảo Anh - Nhất Anh

 

 

 

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra