|
Toàn cảnh Lễ ký thỏa thuận tài trợ cho chương trình POSCIS giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Canada |
Dự lễ ký kết còn có ông Trần Đức Lượng, Phó tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP); ông Andrew Smith, Tham tán phát triển, Trưởng Ban viện trợ, Đại sứ quán Canada; bà Marie Ottonson, Phó Đại sứ Thụy Điển cùng đại diện các tổ chức quốc tế; đại diện các bộ ngành; cục, vụ, đơn vị thuộc cơ quan TTCP.
Chương trình “Tăng cường năng lực tổng thể ngành Thanh tra đến năm 2014” (POSCIS) chính thức đi vào thực hiện từ ngày 01/12/2009 với số vốn ban đầu là 11,83 triệu USD từ 03 nhà tài trợ gồm: Thụy Điển, Đan Mạch và Hà Lan, được thực hiện trong thời gian 5 năm. Mục tiêu của Chương trình là xây dựng ngành Thanh tra trong sạch, vững mạnh, từng bước chuyên nghiệp, hiện đại và có đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (PCTN).
Ông Andrew Smith, Tham tán phát triển, Trưởng Ban viện trợ, Đại sứ quán Canada cho rằng Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế khá từ 7-8% trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, ông cũng chỉ rõ, những thành quả kinh tế đã đạt được chưa bền vững do bị đe dọa trong vấn đề tham nhũng. Với bất cứ quốc gia nào PCTN đòi hỏi quyết tâm chính trị chặt chẽ và cam kết dài hạn để đảm bảo thành công. 10 năm qua, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống pháp luật, chính sách về PCTN tương đối hoàn thiện.
|
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, đại diện Chính phủ Việt Nam và ông Andrew Smith, Tham tán phát triển, Trưởng Ban viện trợ, Đại sứ quán Canada tham gia ký kết |
Theo ông Andrew Smith, Việt Nam đã làm tốt một số việc như tăng cường nhận thức của người dân về PCTN và thể chế PCTN… Ông khẳng định, Chính phủ Canada sẽ ủng hộ hết mình Chính phủ Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu chương trình đã đặt ra. Để đạt được kết quả thực sự thì công tác PCTN phải đổi mới, ông Smith nói, chúng tôi đưa ra 4 điểm. Đó là: tập trung vào lĩnh vực thật sự cần thiết, phải đảm bảo tiến bộ trong việc đã làm, phải có kiến thức, chứng cứ cụ thể; việc thực thi là quan trọng, để thực thi có hiệu quả cơ chế thì vấn đề thực thi phải làm được từ đó tạo niềm tin và sự tham gia của dân trong công tác PCTN; cần phải có sự độc lập từ quyền quyết định để đương đầu với tham nhũng; với chính quyền cấp tỉnh có thể chia sẻ mô hình PCTN giữa các địa phương với nhau. Ông Smith tin tưởng, TTCP với năng lực, kinh nghiệm của mình cùng với các cơ quan, đối tác sẽ thực hiện tốt mục tiêu đặt ra, để công tác PCTN tại Việt nam ngày càng tốt hơn.
Phát biểu tại lễ ký kết, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: đến nay, chương trình đã được triển khai khá toàn diện và đạt được những kết quả quan trọng. Sự thành công bước đầu của chương trình có ý nghĩa lớn lao bởi đã hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam nói chung và TTCP nói riêng với cộng đồng các nhà tài trợ trong việc sử dụng hiệu quả nguồn lực cho công cuộc đổi mới và phát triển. Trong thời gian tới, nhiệm vụ của ngành thanh tra còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Do đó,ngoài nguồn lực đầu tư của Chính phủ, việc huy động tổng thể các nguồn lực khác, trong đó vai trò của chương trình POSCIS là rất cần thiết và quan trọng.
Chính phủ Canada đã viện trợ 1 triệu đô la Canada (tương đương 1 triệu đô la Mỹ), đưa tổng số vốn cam kết đầu tư cho Chương trình đạt 12,8 triệu đô la Mỹ. Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, đây là điều kiện thuận lợi nhưng cũng đặt ra yêu cầu mới và thách thức không nhỏ đối với chương trình. Đồng thời ông khẳng định: “Thanh tra Chính phủ cam kết mạnh mẽ việc tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đề ra cũng như bảo đảm việc sử dụng đúng đắn, hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho chương trình”./.
Minh Nguyệt