Chương trình POSCIS: Áp dụng cơ chế quản lý tài chính theo mô hình phân cấp quản lý
Thứ năm, 14/07/2011 13:56 (GMT+7)
(Thanhtravietnam.vn) – Đó là một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện Quy chế quản lý tài chính Chương trình POSCIS do Ban Quản lý các dự án của Thanh tra Chính phủ tổ chức ngày 14/7, tại Vĩnh Phúc.
Dự thảo Quy chế quản lý tài chính Chương trình POSCIS được xây dựng dựa trên các quy định hiện hành của cơ quan hợp tác và phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) và Chính phủ Việt Nam đối với các dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cũng như hệ thống văn bản pháp lý về quản lý ngân sách của Chính phủ Việt Nam đối với các dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và các văn bản pháp lý hiện hành về công tác tài chính kế toán. Quy chế này sẽ thay thế cho Cẩm nang quản lý tài chính đã được ban hành kèm theo Quyết định số 1539/QĐ-TTCP ngày 7/7/2009 của Tổng Thanh tra.
|
Hội thảo lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện Quy chế quản lý tài chính Chương trình POSCIS |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng nhấn mạnh “Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, nhiều nội dung của Cẩm nang quản lý tài chính chương trình POSCIS đã không còn phù hợp với các quy định hiện hành. Để việc quản lý tài chính của chương trình POSCIS đáp ứng với tiến độ giải ngân cũng như phù hợp với các quy định về quản lý tài chính của nhà nước, việc sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý tài chính của chương trình POSCIS là điều tất yếu nhằm góp phần hoàn thiện và nâng cao hiệu quả quản lý của Chương trình”.
Trên cơ sở rà soát, đề xuất những sửa đổi, bổ sung Cẩm nang quản lý tài chính của đơn vị tư vấn, Dự thảo Quy chế được chia làm 8 chương, 29 điều với các quy định về quản lý tài chính, các quy định và thủ tục nhận vốn, thủ tục nhận vốn đối ứng, thủ tục giải ngân, cơ chế báo cáo, quản lý ngân sách và công tác kiểm tra nội bộ, kiểm toán độc lập. Theo Dự thảo, Chương trình POSCIS sẽ áp dụng cơ chế quản lý tài chính kế toán theo mô hình phân cấp quản lý và thực hiện của Chương trình. Theo đó, dự án hợp phần thanh tra các bộ, địa phương là cấp trực tiếp triển khai các hoạt động đồng thời chịu trách nhiệm đối với các quyết định và quản lý các hoạt động của cấp mình; BQL các dự án sẽ chịu trách nhiệm đối với các hoạt động điều phối, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và các hoạt động cụ thể của Chương trình và Dự án hợp phần Thanh tra Chính phủ. Việc phân chia trách nhiệm giữa BQL các dự án và các cục, vụ, đơn vị triển khai các hoạt động cụ thể thuộc dự án hợp phần cũng được đề cập đến trong Dự thảo. Bên cạnh đó, Dự thảo Quy chế cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định về xác nhận viện trợ và thủ tục xác nhận viện trợ, phương thức chuyển vốn đối ứng, các thủ tục khóa sổ kế toán định kỳ và quyết toán kinh phí...
Tại Hội thảo, Dự thảo Quy chế được các đại biểu tham dự đánh giá là đã có sự thay đổi cần thiết để hoàn thiện Quy chế quản lý tài chính Chương trình POSCIS dựa trên nền tảng Cẩm nang quản lý tài chính, tuy nhiên một số ý kiến cho rằng, ngoài việc cập nhật, bổ sung các văn bản, tài liệu pháp lý mới thay thế cho các văn bản, tài liệu cũ đã không còn hiệu lực, thì Quy chế mới cần quy định chi tiết định mức chi tiêu cho từng loại nguồn vốn, và hệ thống báo cáo bao gồm: hệ thống báo cáo cho nhà tài trợ, báo cáo theo quy định của chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước, hệ thống báo cáo tài chính theo quy định của chế độ kế toán hiện hành, đồng thời sắp xếp lại trình tự các đề mục để tăng tính chặt chẽ và nhất quán của Quy chế tài chính./.
P.V
nguyenthuhang