Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh, từ Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2005 đến Nghị quyết TW 4 là 5 năm, quãng thời gian đó đủ để đánh giá, tổng kết, đúc rút nhiều kinh nghiệm cả về thực tiễn và lý luận để làm cơ sở cho việc sửa đổi Luật. Tuy nhiên, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ lưu ý, với mỗi vấn đề sửa đổi, cần phải thiết kế nhiều phương án để có sự lựa chọn phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Do đó, đồng chí yêu cầu các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận sâu sắc các vấn đề Luật sửa đổi để TTCP tổng hợp ý kiến báo cáo Chính phủ trong phiên họp sắp tới.
Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) do Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo gồm 8 chương, 109 điều. Đại diện Tổ Biên tập, ông Đỗ Gia Thư, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, TTCP cho biết, việc sửa đổi Luật PCTN theo hướng là một đạo luật có nội dung chủ yếu là các quy định mang tính phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng. Đồng thời, việc sửa đổi Luật lần này nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng các thiết chế phòng ngừa tham nhũng và coi là nhiệm vụ then chốt, nhất là việc đẩy mạnh công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước, gắn với các biện pháp nâng cao trách nhiệm giải trình của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, các nội dung sửa đổi đều đã được kiểm chứng qua thực tiễn công tác phòng chống tham nhũng như: việc tăng cường công khai, minh bạch trong một số lĩnh vực quản lý, nhất là lĩnh vực ngân sách nhà nước (bao gồm cả thu phí và phân bổ ngân sách); quản lý đất đai, tài nguyên, khoảng sản; quản lý tổng công ty, tập đoàn nhà nước, việc tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, quản lý cán bộ; quy định cụ thể hơn trong việc thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập, theo hướng từng bước mở rộng diện kê khai, tăng cường công khai bản kê khai tài sản, thu nhập và trách nhiệm giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và một số vấn đề khác.
|
Toàn cảnh Hội thảo |
Cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng, hầu hết các ý kiến đều nhất trí với quan điểm, nguyên tắc sửa đổi và cơ cấu, nội dung của Luật. Tuy nhiên, nhiều đại biểu tỏ ra quan tâm đến nội dung sửa đổi một số quy định về minh bạch tài sản, thu nhập và quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng.
Trên thực tế thời gian qua, các quy định về minh bạch, tài sản thu nhập tuy đã được triển khai thực hiện tương đối nề nếp nhưng vẫn còn hình thức, tác dụng phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế, hiệu quả thấp. Các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập của Luật PCTN chưa giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo dõi được những biến động về tài sản của người có nghĩa vụ kê khai để từ đó áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng. Bên cạnh đó, việc xác minh tài sản, thu nhập nhằm làm rõ tính trung thực của việc kê khai còn ít được thực hiện, kết quả kê khai chưa được công khai rộng rãi, chưa được sử dụng đầy đủ để tăng cường cơ chế giám sát kịp thời phát hiện những tài sản, thu nhập có nguồn gốc không hợp pháp. Do đó, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập, Dự thảo Luật đã xác định rõ người có nghĩa vụ phải kê khai và mở rộng đối tượng kê khai. Song nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn với đối tượng kê khai là đảng viên. Đại diện Thanh tra Hải Phòng cho rằng, nên bỏ nhóm đảng viên là nông dân hoặc đảng viên đã nghỉ hưu, vì trên thực tế tài sản phát sinh của nhóm đối tượng này “ít liên quan” đến tham nhũng hoặc ít có biến động về tài sản. Tuy nhiên, cũng có đại biểu cho rằng, một số đảng viên có chức, có quyền khi nghỉ hưu họ vẫn có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên đối tượng có chức, có quyền để nhằm thu lợi bất chính cho bản thân, do đó, vẫn cần phải quy định trong Luật.
Đối với quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức do mình trực tiếp quản lý có dấu hiệu tham nhũng, nhiều đại biểu cho rằng không nên tạm đình chỉ công tác, chuyển công tác khi mới có dấu hiệu tham nhũng mà chỉ nên áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng. Song cũng có ý kiến lại đề nghị nên đình chỉ luôn, vì lý do khi bị phát hiện, đối tượng có thể tẩu tán, sửa chữa tài liệu. Nếu trường hợp đó vẫn để công tác thì rất khó.
Được biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về định hướng xây dựng Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) thì trong tháng 8/2012, Chính phủ sẽ thông qua Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) và trình Quốc Hội vào tháng 10/2012.
Bảo Anh – Duy Thành