Phần đất ông Thuất đề nghị giải quyết tranh chấp với Công ty Tài Phát có diện tích khoảng 11.426 m2 thuộc một phần của thửa đất số 115 (diện tích toàn thửa là 88.161 m2), tờ bản đồ số 14, xã Cuôr Knia (nay là xã Tân Hòa), huyện Buôn Đôn.
Năm 1992, ông Lê Thanh Vũ, nguyên là Chủ tịch UBND xã Cuôr Knia cho ông Nguyễn Văn Bình mượn đất (diện tích khoảng 01 ha) để sản xuất (không có giấy tờ cho mượn đất nhưng được ông Lê Thanh Vũ xác nhận tại đơn xin xác nhận hồ sơ đất của ông Nguyễn Văn Bình năm 2009). Sau đó, ông Bình cùng ông Lý Mạnh Toàn và bà Trần Thị Thắm cùng khai phá và sử dụng diện tích đất trên.
Ngày 26 tháng 9 năm 1997, UBND tỉnh Đắk Lắk có Quyết định số 1956/QĐ-UB về việc phê duyệt Đề án khai thác và chế biến đá Bazan của Công ty sản xuất đá xây dựng các loại và xây dựng cầu đường giao thông Lâm Phong (sau đây gọi tắt là Công ty Lâm Phong) tại mỏ đá Km 16, xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn và Quyết định số 1957/QĐ-UB về việc cho phép Công ty Lâm Phong được khai thác mỏ đá Bazan nêu trên; thời gian khai thác là 02 năm.
Theo ông Thuất trình bày, năm 1998 ông có mua được 03 thửa đất liền kề của 03 hộ: ông Nguyễn Văn Bình 5.000 m2, ông Lý Mạnh Toàn 4.000 m2 và bà Trần Thị Thắm 3.000 m2, tại thời điểm sang nhượng có lập giấy tay, được Thôn trưởng Thôn 9 và UBND xã Cuôr Knia xác nhận nhưng sau đó giấy tờ bị thất lạc.
Theo ông Đinh Văn Thống, nguyên Kế toán trưởng Công ty Lâm Phong (tại Biên bản làm việc ngày 19 tháng 8 năm 2011), năm 1998 Công ty Lâm Phong tiến hành khai thác đá, ông Thuất là cán bộ của công ty phụ trách mỏ đá tại khu vực trên. Công ty Lâm Phong đã tạm ứng tiền cho ông Thuất để vận động, hỗ trợ các hộ dân có đất sản xuất bên cạnh mỏ đá nằm trong phạm vi ảnh hưởng do hoạt động khai thác, chế biến để các hộ dân di dời đi nơi khác.
Do ông Thuất không cung cấp được giấy tờ chứng minh việc đã chi trả tiền hỗ trợ cho các hộ dân để công ty quyết toán nên công ty đã trừ số tiền tạm ứng trên vào lương của ông Thuất. Theo trình bày của ông Toàn và ông Bình (bà Trần Thị Thắm không còn sinh sống tại địa phương) tại Biên bản làm việc ngày 12 tháng 9 năm 2019 với Đoàn công tác của Bộ TNMT, các hộ không thừa nhận việc đã sang nhượng đất cho cá nhân ông Thuất mà chỉ nhận tiền hỗ trợ thiệt hại hoa màu từ Công ty Lâm Phong do đất nằm trong phạm vi ảnh hưởng khai thác, chế biến đá.
Theo ông Bùi Văn Bản, Thôn trưởng Thôn 9 trình bày tại Biên bản làm việc ngày 12 tháng 9 năm 2019 với Đoàn công tác Bộ TNMT, năm 1998 Công ty Lâm Phong có nhờ ông vận động 03 hộ dân là ông Toàn, ông Bình và bà Thắm để giải tỏa hành lang an toàn lao động, Công ty là người bỏ tiền ra để trả cho các hộ gia đình, không có việc ông Thuất bỏ tiền ra mua đất của các hộ dân.
Công ty Lâm Phong khai thác được khoảng 2 năm thì trả lại đất khai thác đá cho UBND tỉnh quản lý, ông Thuất cũng chuyển đi nơi khác sinh sống.
Năm 2000, ông Thuất làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phần diện tích đất ông cho rằng đã nhận chuyển nhượng của 03 hộ dân nêu trên, cơ quan Nhà nước yêu cầu ông Thuất cung cấp giấy tờ sang nhượng đất.
Ngày 10 tháng 10 năm 2004, ông Thuất làm lại bản xác nhận việc chuyển nhượng đất với các hộ dân và được UBND xã Tân Hòa xác nhận với nội dung: “Diện tích đất ông Thuất nhận sang nhượng của các hộ dân hiện không có giấy tờ gốc, yêu cầu ông Thuất phải làm lại hợp đồng chuyển nhượng và được các cơ quan có thẩm quyền cho phép thì mới được sử dụng. Nguyên diện tích đất trên nằm trong khu vực hành lang an toàn của Công ty khai thác và chế biến đá Lâm Phong, hiện Công ty không khai thác nữa. UBND xã Tân Hòa đã ký chuyển đề nghị UBND huyện xem xét cho Công ty Quốc Vương thuê để xay xát đá xây dựng vào tháng 7 năm 2004”.
Ngày 25 tháng 01 năm 2016, Sở TNMT đã tổ chức buổi hòa giải tranh chấp đất đai giữa ông Thuất với Công ty Tài Phát nhưng không thành.
Ngày 22 tháng 4 năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk có Quyết định số 1113/QĐ-UBND về việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa ông Đỗ Đình Thuất với Công ty Tài Phát với nội dung: Không chấp nhận nội dung đơn của ông Thuất đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai của ông Thuất với Công ty Tài Phát; yêu cầu Công ty TNHH Tài Phát bàn giao lại phần diện tích đất lấn, chiếm cho UBND xã Tân Hòa quản lý theo quy định.
Phần diện tích 11.426 m2 đất ông Thuất đề nghị giải quyết tranh chấp có nguồn gốc là đất công (loại đất chuyên dùng), do UBND xã Cuôr Knia (nay là xã Tân Hòa), huyện Buôn Đôn quản lý. Năm 1992, ông Lê Thanh Vũ nguyên là Chủ tịch UBND xã Cuôr Knia có cho ông Nguyễn Văn Bình mượn để sản xuất, ổn định cuộc sống chứ không giao đất để ông Bình sử dụng ổn định, lâu dài vì không thuộc thẩm quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Luật Đất đai năm 1987. Sau đó, ông Bình cùng với ông Toàn và bà Thắm cùng khai phá và sử dụng diện tích đất trên.
Bộ TNMT khẳng định, việc ông Thuất cho rằng đã nhận chuyển nhượng đất của 03 hộ dân và đòi công nhận quyền sử dụng đất là không có cơ sở, vì ông Thuất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, các hộ không thừa nhận việc đã sang nhượng đất cho ông Thuất mà chỉ nhận tiền hỗ trợ thiệt hại hoa màu từ Công ty Lâm Phong do đất nằm trong phạm vi ảnh hưởng của việc khai thác, chế biến đá. Thực tế, Công ty Lâm Phong khai thác đá được 02 năm thì trả lại diện tích đất cho UBND tỉnh quản lý, ông Thuất cũng chuyển đi nơi khác sinh sống, ông Thuất không có quá trình sử dụng đất và không thực hiện kê khai, đăng ký đối với diện tích đất tranh chấp nêu trên.
Việc ông Thuất cho rằng Công ty TNHH khoáng sản Tài Phát lấn, chiếm diện tích 11.426 m2 đất thuộc quyền sử dụng của ông tại Km 16, xã Tân Hòa và đề nghị giải quyết công nhận quyền sử dụng nêu trên cho ông là không có cơ sở để xem xét, giải quyết. Quyết định số 1113/QĐ-UBND ngày 22 tháng 4 năm 2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk giải quyết tranh chấp đất đai giữa ông Đỗ Đình Thuất với Công ty Tài Phát là đúng quy định của pháp luật.
Từ những căn cứ nêu trên, Bộ TNMT quyết định, công nhận Quyết định số 1113/QĐ-UBND ngày 22 tháng 4 năm 2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk về việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa ông Đỗ Đình Thuất với Công ty Tài Phát là đúng quy định của pháp luật./.
Lan Anh