Hoạt động thanh tra góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất phát triển kinh tế quốc dân (1961-1965)

Thứ sáu, 13/08/2010 14:05
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam được coi là “Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà”. Đại hội đã đề ra năm nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất phát triển kinh tế và văn hóa. Từ đây miền Bắc nước ta chuyển sang thời kỳ mới, lấy xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội làm trọng tâm, đồng thời tiếp tục hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa, củng cố và hòan thiện quan hệ sản xuất mới.

Trước nhiệm vụ mới của đất nước, Đảng và Chính phủ rất chú trọng đến công tác thanh tra, coi thanh tra là chức năng của quản lý nhà nước nhằm giữ gìn kỷ cương, pháp luật, bảo đảm chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.
Ngày 29/09/1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 136/CP quyết định thành lập Ủy ban Thanh tra của Chính phủ thay cho Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của cơ quan này. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử giữ chức Tổng Thanh tra, đồng chí Trần Mạnh Quỳ được cử giữ chức Phó Tổng Thanh tra và các đồng chí Nguyễn Cáo, Đặng Văn Quang giữ chức Ủy viên thanh tra.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ thanh tra tại Hội nghị tổng kết công tác TT toàn miền Bắc năm 1961


Trong năm 1961 và nửa đầu năm 1962, nhiệm vụ của ngành Thanh tra tập trung vào thanh tra công tác các ngành, chủ yếu là những ngành kinh tế, trong đó chú trọng vào sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng cơ bản, kinh doanh thương nghiệp. Năm 1961, các vụ của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ và các Ban Thanh tra địa phương, Bộ, ngành đã tiến hành 40 cuộc thanh tra về sản xuất nông nghiệp, các hợp tác xã và nông trường quốc doanh; 55 cuộc về việc xây dựng các xí nghiệp, công trình thủy lợi, công trình dân dụng, về sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải; 57 cuộc về thương nghiệp ( thu mua lương thực, quản lý kinh doanh, quản lý tài vụ tại các cửa hàng) và 3 cuộc thanh tra ngân hàng, thanh tra 29 đơn vị về văn hóa - xã hội và nội chính.  Qua thanh tra cho thấy, tình hình tham ô, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng. Riêng năm 1961, thanh tra đã phát hiện 117 vụ lãng phí, 349 vụ tham ô, trong đó có 23 vụ tham ô tập thể. Dựa vào kết quả của các cuộc thanh tra, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ và Ban Thanh tra các ngành, các cấp đã theo dõi, đôn đốc các cơ quan chủ quản sửa chữa khuyết điểm và kiến nghị lên Trung ương những biện pháp giải quyết phù hợp.

Công tác thanh tra xét khiếu tố và giải quyết đơn thư khiếu tố cũng được Ủy ban Thanh tra của Chính phủ chú ý và đẩy mạnh. Riêng năm 1961, toàn ngành đã nhận được 47.760 thư khiếu tố, trong đó nhiều nhất là các loại thư về hợp tác hóa nông nghiệp, rồi đến thư khiếu nại về kỷ luật, sa thải, thư khiếu tố về tham ô, hủ hóa, quan liêu, mệnh lệnh, lạm quyền, trấn áp dân chủ và các việc khác. Trong số đó, các Ban Thanh tra các tỉnh và Vụ Xét khiếu tố của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ đã giải quyết được 31.484 đơn thư, đạt tỷ lệ 71,3%.

Bước sang năm 1962, ngành thanh tra đã thực hiện một nhiệm vụ mới quan trọng và có tính trọng tâm là: thanh tra việc thực hiện ba cuộc vận động lớn của Đảng và Chính phủ. Tháng 09/1962, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ tiến hành đợt thanh tra phân tích tình hình hoạt động kinh tế của Nhà máy cơ khí Hà Nội, kiểm tra Nông trường Đồng giao nhằm phân tích những mặt mạnh, mặt yếu, phương hướng xây - chống và đưa ra những kiến nghị chuẩn bị cho cuộc vận động ba xây - ba chống của Nhà nước.

Quý 4/1962, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ tiến hành kiểm tra các địa phương, đơn vị trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và Chính phủ chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Ủy ban đã tiến hành thanh tra xây dựng cơ bản công trình thủy nông Đan Hoài; công trình xây dựng Nhà máy phân đạm Hà Bắc, thanh tra Nông trường Thống Nhất ( Hà Trung - Thanh Hóa); kiểm tra việc bảo quản kho tàng lương thực tại Công ty lương thực Sơn Tùng (Thái Bình)...

Nửa đầu năm 1963, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ và các Ban Thanh tra tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã thanh tra việc tổ chức chỉ đạo thực hiện nhằm đảm bảo chỉ tiêu sản xuất muối, thanh tra 12 đơn vị công nghiệp về quản lý tài vụ; kiểm tra việc thực hiện kế hoạch nhà nước (tại Hải Phòng, Hồng Quảng -  Quảng Ninh), về cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp (tại Hòa Bình); về quản lý sản xuất (tại Lâm Thao - Phú Thọ, nhà máy Liên hợp dệt Nam Định và Công ty may mặc xuất khẩu Nam Định...). Trên lĩnh vực nông nghiệp, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ cùng 18 Ban Thanh tra địa phương đã tiến hành kiểm tra việc phục vụ sản xuất đông xuân ở hầu hết các tỉnh, chủ yếu là xem xét việc chỉ đạo và chấp hành các biện pháp lớn nhằm đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu về sản xuất nông nghiệp năm 1963. Ủy ban Thanh tra của Chính phủ cũng đã tiến hành thanh tra việc trưng dụng ruộng đất cho xây dựng cơ bản ở 41 đơn vị, thanh tra quản lý thi công một số công trình trọng điểm về thủy lợi ở Sơn Tây, Thái Bình, Hòa Bình, việc sản xuất và phân phối thực phẩm cho thành phố và khu công nghiệp Hà Nội, phân phối hàng tết cho nhân dân ở Hà Nội, Hải Phòng...

Tháng 8/1963, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ tiến hành thanh tra Công ty sản xuất tạp phẩm xuất khẩu, Công ty vải sợi cấp I và cửa hàng bách hóa bán lẻ Nam Định, Xí nghiệp xe đạp Thống Nhất, đồng thời triển khai thanh tra đột xuất 3 nông trường Sao vàng, Đồng Hiếu và Mộc Châu. Các Ban Thanh tra địa phương cũng đẩy mạnh hoạt động và thu được những kết quả đáng kể. Cũng trong năm này, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ và 17 Ban Thanh tra các ngành, các cấp đã nhận được gần 2000 đơn thư khiếu nại, tố cáo của các tầng lớp nhân dân.

Từ năm 1964, các cuộc thanh tra của ngành tập trung vào thanh tra việc quản lý các loại vật tư thiết yếu, quản lý tài chính và quản lý lao động, quản lý sản xuất và quản lý dân chủ trong các hợp tác xã nông nghiệp. Ủy ban Thanh tra của Chính phủ và các Ban Thanh tra địa phương cũng đã chú trọng thanh tra một số hợp tác xã về quản lý tài vụ, tài sản, chống tham ô, lãng phí.  Số đơn thư khiếu tố gửi về các Ban Thanh tra và Vụ Xét khiếu tố tăng lên đáng kể,cơ quan Thanh tra của Chính phủ và Thanh tra các ngành, các cấp đã giải quyết được từ 50 - 60% số lượng đơn thư khiếu tố, phát hiện và thu hồi hàng vạn đồng, hàng vạn tấn thóc trả lại cho tập thể và Nhà nước, xem xét và kiến nghị xử lý hàng trăm vụ cán bộ vi phạm dân chủ, pháp luật của Nhà nước, khôi phục quyền lợi cho hàng trăm cán bộ, công nhân viên chức bị kỷ luật oan.

Bước sang năm 1965, công tác thanh tra được tăng cường trên cơ sở những nhiệm vụ đã được đề ra trong những năm trước. Tháng 01/1965, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các nguyên tắc, chế độ, thể lệ chi tiêu tài chính tại Tổng Công ty lương thực; tháng 02/1965, tiến hành xem xét tình hình quản lý và phân phối than mỏ trong nước, kiểm tra tình hình nhập khẩu và phân phối phân bón; từ tháng 02 - tháng 04/1965, kết hợp với tỉnh ủy Hà Bắc, huyện ủy Hiệp Hòa kiểm tra việc chấp hành các chế độ, nguyên tắc về quản lý sản xuất, chế độ tài vụ, về chính sách thu mua nông sản và thuế nông nghiệp; tháng 04/1965, xem xét tình hình quản lý kinh tế tài chính ở các nông trường Tây Hiếu, Đồng Giao và trạm trâu bò Thanh Minh trong vấn đề sử dụng quỹ công đoàn.

Có thể nói, cùng với sự lớn mạnh, trưởng thành của các ngành khác, ngành Thanh tra mà chủ đạo là cơ quan Thanh tra Nhà nước đã vượt qua nhiều khó khăn, hòan thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, góp phần xứng đáng vào thành công của các kế hoạch mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Những thành tựu của ngành thanh tra trong thời kỳ này là những kinh nghiệm quý cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định các chính sách lớn về phát triển kinh tế, xã hội và cũng là những kinh nghiệm quý báu cho ngành Thanh tra trong những năm hoạt động tiếp theo./.

Theo Lịch sử Thanh tra Việt Nam 1945 - 2005

letiendat
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra