Giáo sư Claes Sandgren, Cựu Trưởng khoa Luật của Đại học Stockhlm, Trưởng nhóm đánh giá cùng 2 thành viên là bà Nguyễn Thanh Bình (Cựu quan chức Bộ Kế hoạch & Đầu tư) và bà Hoàng Thị Thao (Cựu quan chức Thanh tra Chính phủ) đã lần lượt giới thiệu về dự thảo Báo cáo đánh giá giữa giai đoạn Chương trình Poscis.
|
Giáo sư Claes Sandgren, Cựu Trưởng khoa Luật của Đại học Stockhlm, Trưởng nhóm đánh giá trình bày Dự thảo |
Theo đó, việc đánh giá này đã được bắt đầu từ ngày 1/7/2012 với một loạt các cuộc họp, các phân tích tài liệu, các cuộc phỏng vấn với sự tham gia của các tổ chức tại Hà Nội và các tỉnh: Bình Dương, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Kiên Giang và Thành phố Hồ Chí Minh. Cố vấn trưởng và đại diện của các nước tài trợ chính cũng được phỏng vấn lấy ý kiến. Đến ngày 10/8, một dự thảo báo cáo về các khuyến nghị đã được trình bày để ngày hôm qua (14/8) được đưa ra thảo luận.
Dự thảo báo cáo đánh giá nhận định, các tổ chức tham gia đã thực hiện một số hoạt động để đạt được các mục tiêu và đảm bảo tác động cấp quốc gia trong tương lai. Các hoạt động này rất quan trọng với các mục tiêu khác của Poscis. Ở cấp Trung ương, Thanh tra Chính phủ đã tập trung vào các luật, nghị định để tạo ra khuôn khổ pháp lý cho toàn bộ ngành thanh tra. Các thủ tục và quy định liên quan đến các hoạt động thanh tra ở cấp bộ, ngành và địa phương cũng đã được chuẩn hoá. Công chúng nói chung đã có ý thức hơn về ngành thanh tra nhờ tăng cường tính minh bạch (ví dụ như các ấn phẩm về hoạt động thanh tra và kết quả thanh tra). Thông tin về quyền của công dân được phổ biến rộng rãi, giáo dục chống tham nhũng được tiến hành trong các trường học…Một số công cụ quan trọng được sử dụng để tiếp cận, chẳng hạn như các cổng thông tin thanh tra, cuộc đối thoại quốc tế về phòng chống tham nhũng, các cuộc thi phổ biến về pháp luật phòng, chống tham nhũng…Công việc này giúp thu hút công chúng tham gia các hoạt động chống tham nhũng.
Dự thảo báo cáo do Nhóm tư vấn độc lập cũng đã nêu lên 4 lĩnh vực ưu tiên can thiệp là: đối mới một cách chiến lược, tăng cường năng lực quản lý, đưa hệ thống theo dõi, đánh giá vào hoạt động và điều chỉnh các đầu ra, các hoạt động. Nhóm đánh giá cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải quan tâm đến 2 lĩnh vực mà sự yếu kém của chúng sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động và sự thành công của toàn bộ Chương trình, cụ thể là nhân rộng và tính bền vững.
Nhóm đánh giá cho biết, khả năng đánh giá kết quả đạt được ở giai đoạn này bị hạn chế (khó đo lường được hiệu quả và tác động trên cơ sở có chứng minh rõ ràng) do: Chương trình mới chỉ được thực hiện trong thời gian quá ngắn (17 tháng kể từ khi nối lại sau thời gian tạm dừng tại thời điểm tháng 8/2010), cá biệt tại Bình Dương thời gian triển khai mới chỉ có 6 tháng do mới tái khởi động sau thời gian bị dừng; các báo cáo và tài liệu mới chỉ tập trung vào các hoạt động và hệ thống theo dõi, đánh giá chưa được áp dụng. Tuy nhiên, dự thảo báo cáo này đã tóm lược một số thành tựu của các mục đích.và các đại biểu đã tập trung thảo luận về kết quả, hiệu quả và tác động xoay quanh 9 mục tiêu, 18 khuyến nghị mà nhóm đánh giá đã nêu ra.
Đại diện các Dự án Hợp phần đã bổ sung thêm nhiều ý kiến góp ý vào dự thảo báo cáo, đặc biệt nhấn mạnh các kết quả đã đạt được và khẳng định tính bền vững cũng như khả năng nhân rộng trong tương lai.
Đánh giá cao tính chuyên nghiệp trong việc xây dựng dự thảo báo cáo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cũng đề nghị nhóm đánh giá cần làm rõ hơn kết quả của các đầu ra của Chương trình, đặc biệt là các tác động, tính bền vững và khả năng nhân rộng của các kết quả. Đồng thời, báo cáo cần đảm bảo tính logic chặt chẽ của các nhóm khuyến nghị. Phó Tổng Thanh tra cũng lưu ý, khả năng gia hạn của Chương trình là không khả thi nên cần phải tăng tốc thực hiện các hoạt động để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra. Ngay sau Hội nghị này, các Dự án Hợp phần cần phải bắt tay vào rà soát lại Chương trình.
Được biết, dự thảo báo cáo cuối cùng được đưa ra vào ngày 3/9 để lấy thêm ý kiến của các bên liên quan và báo cáo chính thức sẽ được đưa ra trước ngày 10/9/2012.
Ngô Tân – Duy Thành