Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (tại Văn bản số 2625/VPCP-V.I ngày 04 ngày 5 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ), giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương kiểm tra việc giải quyết khiếu nại của bà Vũ Thị Hiên (phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh) liên quan đến quyền sử dụng đất tại thành phố Chí Linh
Bà Vũ Thị Hiên (được xã viên Hợp tác xã may Thống Nhất ủy quyền) khiếu nại Quyết định số 1344/QĐ-UBND ngày 16 tháng 5 năm 2011 của UBND tỉnh Hải Dương về việc thu hồi đất của Hợp tác xã may Thống Nhất tại phường Sao Đỏ để giao cho UBND thị xã Chí Linh (nay là thành phố Chí Linh) quản lý, xử lý theo quy định. Bà Hiên đề nghị được giải quyết quyền sử dụng đất của Hợp tác xã may Thống Nhất tại phường Sao Đỏ theo quy định tại Khoản 2 Điều 109 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003.
Ảnh chỉ mang tính minh họa - Internet
Qua xác minh nguồn gốc và quá trình quản lý, sử dụng đất cho thấy, Hợp tác xã may Thống Nhất được thành lập từ năm 1959 tại thị trấn Phả Lại, huyện Chí Linh theo hình thức do các xã viên tự góp tài sản để thành lập và hoạt động sản xuất may mặc. Để có trụ sở hoạt động, Hợp tác xã đã mua nhà đất (không rõ diện tích) của gia đình ông Vũ Văn Phú (tên thường gọi là ông Hai Tiến, đã chết) tại thị trấn Phả Lại vào năm 1960. Bà Hiên không cung cấp được giấy tờ mua bán nhà đất, việc mua bán chỉ được những người con của ông Hai Tiến và những người đã từng sống gần nhà ông Hai Tiến ở thị trấn Phả Lại xác nhận lại vào ngày 17 tháng 4 năm 2008.
Ngày 11 tháng 6 năm 1977, UBND tỉnh Hải Hưng có Quyết định số 262/QĐ/CĐXD cho phép UBND huyện Chí Linh được sử dụng 80.000 m2 đất (thuộc loại đất đồi) tại xã Thái Học, huyện Chí Linh để di chuyển 286 hộ dân thị trấn Phả Lại ra khỏi mặt bằng xây dựng Nhà máy đợt I theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (có lập bản đồ quy hoạch, nhưng hiện nay tại địa phương không cung cấp được hồ sơ này). Ngày 01 tháng 7 năm 1977, UBND tỉnh Hải Hưng có Văn bản số 274/XDCB chỉ đạo Ban Kiến thiết Nhà máy điện Phả Lại, UBND huyện Chí Linh san ủi mặt bằng, quy hoạch để chia đất cho dân.
Năm 1960, các hộ dân tự nguyện góp tư liệu sản xuất để tổ chức hợp tác xã sản xuất (Hợp tác xã may Thống Nhất không phải Hợp tác xã nông nghiệp). Hợp tác xã đã mua nhà ở thuộc sở hữu của ông Vũ Văn Phú tại thị trấn Phả Lại để làm nơi sản xuất may mặc. Việc Hợp tác xã mua nhà nêu trên được các con của ông Phú và được những người cao tuổi, sống tại địa phương biết rõ về sự việc xác nhận lại. Căn cứ Điều 18 Hiến pháp năm 1959, quyền sở hữu nhà ở mà Hợp tác xã mua của ông Phú nêu trên được Nhà nước bảo hộ.
Thực tế, Hợp tác xã đã sử dụng nhà đất tại thị trấn Phả Lại từ trước năm 1977, hiện nay không có hồ sơ, tài liệu thể hiện việc sử dụng nhà đất của Hợp tác xã giai đoạn này. Năm 1978, Nhà nước xây dựng Nhà máy nhiệt điện Phả Lại đã bồi thường tài sản trên đất của Hợp tác xã với số tiền là 10.459,55 đồng và được bố trí diện tích đất tương ứng tại thị trấn Sao Đỏ để xây dựng trụ sở mới là phù hợp với nguyên tắc và quy định về bồi thường tại Mục I, Mục II Thông tư số 1792-TTg ngày 11 tháng 01 năm 1979 của Thủ tướng Chính phủ về bồi thường nhà cửa, đất đai, cây cối lưu niên các hoa màu cho nhân dân ở những vùng xây dựng kinh tế, mở rộng thành phố.
Trong quá trình sử dụng đất của Hợp tác xã từ năm 1978 đến trước năm 2009, Hợp tác xã không đăng ký, kê khai, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai; cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất hay công nhận, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Hợp tác xã theo quy định pháp luật. Thực hiện Chỉ thị số 245/TTg ngày 22 tháng 4 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ, tất cả các tổ chức trong nước đã được Nhà nước giao đất, nay thuộc đối tượng thuê đất được quy định trong Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì đều phải làm lại thủ tục thuê đất; UBND huyện Chí Linh đã rà soát và tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng đất của các tổ chức đóng trên địa bàn huyện, nhưng không có Hợp tác xã may Thống Nhất.
Đến năm 2010, UBND huyện Chí Linh có quyết định giải thể Hợp tác xã may Thống Nhất. Với nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của Hợp tác xã như trên, Nhà nước không thu hồi đất của Hợp tác xã, quyền sử dụng đất là tài sản của Hợp tác xã và xử lý theo Điều lệ của Hợp tác xã hoặc Nghị quyết của Đại hội xã viên theo quy định tại khoản 2 Điều 109 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003. Việc UBND tỉnh Hải Dương có Quyết định số 1344/QĐ-UBND ngày 16 tháng 5 năm 2011 thu hồi đất của Hợp tác xã do không còn nhu cầu sử dụng để giao cho UBND thị xã Chí Linh quản lý, xử lý là chưa phù hợp với quy định nêu trên.
Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2011, các xã viên Hợp tác xã may Thống Nhất đã có đơn khiếu nại việc UBND tỉnh Hải Dương thu hồi đất của Hợp tác xã.
Năm 2012, các xã viên đã thống nhất làm Giấy ủy quyền cho bà Vũ Thị Hiên làm đại diện tiếp tục thực hiện việc khiếu nại, với thời hạn ủy quyền được tính từ ngày ký Giấy ủy quyền cho đến khi thực hiện xong công việc được ủy quyền. Việc ủy quyền khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Điều 139, Điều 142 Bộ luật Dân sự năm 2005, khoản 1 Điều 17 Luật Khiếu nại năm 2005 và khoản 8 Điều 12 Luật Hợp tác xã năm 2012. Đến nay, vụ việc chưa được Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định pháp luật.
Trên cơ sở kết quả thẩm tra, xác minh nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương xem xét, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại đối với bà Vũ Thị Hiên theo thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật./.
Hồng Dân