Tham dự Hội nghị có Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào, Phó Đại sứ Thụy Điển Marie Osttosson, cùng các nhà tài trợ, Ban quản lý các dự án (BQL) và đại diện các đơn vị thực hiện Dự án hợp phần (DAHP).
Được biết, Chương trình “Tăng cường năng lực tổng thể của ngành Thanh tra đến năm 2014” (gọi tắt là Chương trình POSCIS) chính thức được bắt đầu triển khai vào 01/12/2009 được thực hiện trong vòng 5 năm. Tổng ngân sách cho Chương trình khoảng 14,26 triệu USD bao gồm vốn viện trợ của các nhà tài trợ Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan, Canada và vốn đối ứng của Việt Nam trong đó Thụy Điển đóng vai trò là Nhà tài trợ điều phối.
Năm 2011, các đơn vị thực hiện DAHP đã thực hiện tốt mục tiêu, kế hoạch của Chương trình đề ra thông qua việc tập trung thực hiện công tác xây dựng thể chế; đổi mới cơ cấu tổ chức; quản lý, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức của Thanh tra; ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa và tối ưu hóa nghiệp vụ công tác cho ngành thanh tra.
Hỗ trợ hiệu quả cho công tác ngành Thanh tra
Trong năm qua bằng nỗ lực và quyết tâm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo TTCP, Ban chỉ đạo, BQL các dự án cùng sự hỗ trợ hiệu quả từ các nhà tài trợ, toàn Chương trình đã triển khai và cơ bản đã hoàn thành 91% hoạt động đề ra, với tỷ lệ giải ngân cao (trong đó có 3 DAHP hoàn thành 100% số lượng các hoạt động).
|
Hội nghị đã bàn bạc, thảo luận tìm giải pháp khắc phục vướng mắc của các đơn vị trong quá trình thực hiện Chương trình. |
Bám sát mục tiêu Chương trình cũng như các yêu cầu trong việc hỗ trợ xây dựng thể chế, đổi mới tổ chức, đào tạo cán bộ, nâng cao hiệu quả công tác,… Ban chỉ đạo, Ban quản lý các dự án cũng như các đơn vị thực hiện các DAHP đã triển khai tốt kế hoạch, thực hiện hiệu quả từng DAHP đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra, có giá trị thiết thực, hữu ích góp phần xây dựng ngành Thanh tra trong sạch, vững mạnh, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.
Mục tiêu tổng thể của Chương trình “Tăng cường năng lực tổng thể của ngành Thanh tra đến năm 2014” là: “Xây dựng ngành Thanh tra trong sạch, vững mạnh, từng bước chuyên nghiệp, hiện đại và có đủ năng lực thực hiện thành công các nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao trong lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng”. |
Cụ thể, năm 2011 nhờ sự hỗ trợ của Chương trình “Tăng cường năng lực tổng thể ngành Thanh tra đến năm 2014”, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng được 03 đạo luật quan trọng bao gồm: Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và ban hành hệ thống nghị định, thông tư, các quy chế, quy trình nghiệp vụ góp phần từng bước hoàn thiện thể chế tạo điều kiện thực hiện tốt công tác quản lý của ngành.
Đội ngũ cán bộ thanh tra trong ngành cũng được hỗ trợ đào tạo về kỹ năng nghiệp vụ, học tập kinh nghiệm quốc tế về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Qua đó, nâng cao chất lượng cán bộ giúp ngành Thanh tra hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành Thanh tra một cách toàn diện trong những năm tiếp theo.
|
Ông Hoàng Thái Dương - Giám Đốc BQL các dự án báo cáo công tác thực hiện Chương trình POSCIS. |
Chương trình cũng đã hỗ trợ ngành tổng kết 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng tiến tới sửa Luật Phòng chống tham nhũng; hỗ trợ tổ chức các cuộc Đối thoại phòng, chống tham nhũng giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ; hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng chống tham nhũng… Có thể nói, với sự hỗ trợ thiết thực này đã giúp Thanh tra Chính phủ nói riêng và ngành Thanh tra nói chung từng bước đổi mới và nâng cao hiệu quả trên các mặt công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ 2011 trên lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.
Năm 2012 hoạt động của Chương trình sẽ được truyền thông rộng rãi
Tại Hội nghị các đại biểu đã thảo luận và thông qua kế hoạch thực hiện Chương trình năm 2012. Theo đó cần tiếp tục hoàn thiện, phát huy có hiệu quả cơ chế quản lý, điều phối của BQL các dự án thông qua hoạt động tập huấn, đào tạo, hướng dẫn, chỉ đạo kiểm tra, giám sát đối với Chương trình; không ngừng củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực cho BQL các dự án.
Tiếp tục hỗ trợ việc xây dựng và hoàn thiện thể chế của ngành Thanh tra trong đó tập trung sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn các Luật này.
|
Phó Đại sứ Thụy Điển Marie Osttosson phát biểu tại Hội nghị. |
Đặc biệt, năm 2012 sẽ xác định tầm quan trọng của sự duy trì cơ chế trao đổi thông tin với các nhà tài trợ; các kết quả hoạt động Chương trình sẽ được thông tin sâu, rộng rãi trong phạm vi ngành và ngoài xã hội, qua việc xây dựng các kênh thông tin của Chương trình cũng như bằng các kênh thông tin đại chúng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Giám đốc BQL các dự án, các hoạt động tuyên truyền, quán triệt, phổ biến luật và văn bản liên quan sẽ được thông tin theo hình thức cầu truyền hình, giao lưu trực tuyến để đảm bảo tính phủ rộng trên toàn quốc.
|
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào đề nghị BQL các dự án phải thường xuyên phối hợp với các nhà tài trợ trong quá trình thực hiện Chương trình. |
Tại Hội nghị Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình “Tăng cường năng lực tổng thể của ngành Thanh tra” do Ban chỉ đạo, BQL các dự án, các đơn vị thực hiện DAHP và các nhà tài trợ thực hiện. Qua đó, đã hỗ trợ ngành Thanh tra hoàn thành tốt việc thực hiện nhiệm vụ trên 3 mảng công tác chính: xây dựng và hoàn thiện thể chế, đổi mới cơ cấu tổ chức và đổi mới công tác nghiên cứu đào tạo cán bộ, đồng thời hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó.
Tuy kế hoạch hoạt động và ngân sách năm 2012 tại Hội nghị đặt ra có ý nghĩa quan trọng nhưng cũng có nhiều thách thức trước mắt. Do đó, Phó Tổng Thanh tra đề nghị cần có sự hướng dẫn, chỉ đạo sát sao hơn nữa của Ban chỉ đạo cũng như BQL các dự án đối với các đơn vị thực hiện DAHP, đồng thời với vai trò điều phối, BQL các dự án cần thường xuyên phối hợp với các nhà tài trợ để trao đổi thông tin và giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, các đơn vị thực hiện DAHP phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng, coi thực hiện DAHP như là thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành Thanh tra./.
TCTT