Sự ra đời của Ban Thanh tra đặc biệt - Tổ chức tiền thân của ngành Thanh tra Việt Nam

Thứ hai, 07/06/2010 22:37
      Ngay trong những ngày đầu xây dựng chính quyền nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà đã nhận được khá nhiều ý kiến từ các tầng lớp nhân dân phản ảnh bằng thư từ, đơn kiện hoặc gặp gỡ trực tiếp bày tỏ nguyện vọng cần sớm chấm dứt các hiện tượng, việc làm sai trái của một số nhân viên trong bộ máy chính quyền các cấp, nhất là ở các địa phương. Từ thực tế đó, ngày 04/10/1945, lần đầu tiên cuộc họp Hội đồng Chính phủ đã đưa ra vấn đề thành lập tổ chức Thanh tra. Trong lúc chờ đợi có một sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra, Chính phủ giao cho cấp trên quyền xét xử cấp dưới và đề nghị Bộ Nội vụ lập một Uỷ ban Thanh tra hành chính để đi điều tra công việc hành chính ở các địa phương.

Ngày 13/11/1945, Hội đồng Chính phủ đã nhất trí với đề nghị của đồng chí Phạm Ngọc Thạch về việc tổ chức Ban Thanh tra của Chính phủ để phái đi các tỉnh, Ban thanh tra này có quyền đưa những người lầm lỗi ra xử trước Toà án đặc biệt. Sau khi thảo luận, Hội đồng Chính phủ quyết định giao cho đồng chí Phạm Ngọc Thạch dự thảo một đề án về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra, đồng thời, quyết định thành lập ở mỗi bộ một Ban Thanh tra đặt dưới quyền viên Thanh tra hành chính do Bộ Nội vụ cử. Các Ban Thanh tra này có quyền phạt những người làm sai và khen thưởng những người làm tốt.

Ngày 14/11/1945, Hội đồng Chính phủ đã họp để thảo luận đề án thành lập Ban Thanh tra đặc biệt do đồng chí Phạm Ngọc Thạch dự thảo và trình bày. Sau khi thảo luận, Hội đồng Chính phủ quyết định ban hành nghị định thành lập một Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc năm 1960.                                                                                 Ảnh: Tư liệu

Sau một thời gian chuẩn bị các thủ tục, văn bản và nhân sự, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64-SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Tiếp đó, ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 80-SL cử các ông Bùi Bằng Đoàn và Cù Huy Cận vào Ban Thanh tra đặc biệt. Do yêu cầu cấp thiết trước mắt, nhiệm vụ của Ban Thanh tra đặc biệt là thường xuyên nghiên cứu và giải quyết các đơn, thư khiếu nại và phản ánh của các tầng lớp nhân dân từ khắp các địa phương gửi lên Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Song song với việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, trong những tháng cuối năm 1945, đầu năm 1946, Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Ban Thanh tra ở một số bộ như: Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Canh nông... và Ban Thanh tra các xứ Bắc Bộ và Nam Bộ. Tuỳ theo từng nơi, tổ chức và nhiệm vụ của Thanh tra các xứ cũng có sự khác biệt.

Có thể nói, Ban Thanh tra đặc biệt ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của cách mạng Việt Nam, được Chính phủ trao cho những quyền hạn rất lớn và nặng nề, không chỉ là một công cụ thường xuyên của chính quyền dân chủ nhân dân mà còn có nhiệm vụ quan trọng góp phần làm yên lòng dân đặng tập hợp, đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh của toàn thể dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ và giải phóng Tổ quốc.

Ngay sau khi được cử vào Ban Thanh tra đặc biệt, cụ Bùi Bằng Đoàn được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử giữ chức Trưởng ban Thanh tra đặc biệt, đồng thời Người trực tiếp viết giấy giới thiệu cụ Bùi Bằng Đoàn và ông Cù Huy Cận với các địa phương để tạo thêm uy tín và điều kiện hoạt động thuận lợi cho Ban Thanh tra đặc biệt.

Việc đầu tiên của Ban là nghiên cứu kỹ đơn, thư của các tầng lớp nhân dân và các nhân sỹ, trí thức từ khắp nơi gửi về. Nhận thấy cần phải trực tiếp đi điều tra tình hình tại chỗ để kịp thời giải quyết ngay yêu cầu của quần chúng, cả hai vị trong Ban Thanh tra đặc biệt đã đi về một số địa phương.

Địa phương mà Ban Thanh tra đặc biệt đến là tỉnh Hà Nam, tại đây, Ban Thanh tra đặc biệt đã tổ chức gặp gỡ trực tiếp để nghe một số người bị bắt và đang bị tạm giữ ở tỉnh trình bày và đề đạt nguyện vọng. Ban đã trao đổi ý kiến với Tỉnh uỷ Hà Nam và quyết định trả lại tự do cho hơn một phần ba trong số hơn 60 người đang bị tạm giữ. Với cách giải quyết hợp lý, hợp tình, cuộc thanh tra đầu tiên đã gây được cảm tình mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân, làm cho nhân dân hiểu rõ và tin tưởng hơn vào Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đầu tháng 2/1946, Ban Thanh tra đặc biệt tiến hành thanh tra vụ tham ô của ông Chủ tịch UBND tỉnh X, tiếp đó, giữa tháng 2/1946, Ban Thanh tra đặc biệt về tỉnh Thanh Hoá giải quyết vụ kêu oan của những người bị bắt ở tỉnh này. Cuối tháng 05/1946, Ban Thanh tra đặc biệt đã về điều tra trực tiếp tại chỗ và chỉ rõ những hành động sai trái của một số cán bộ lãnh đạo trong bộ máy chính quyền của tỉnh Y. Và đến những tháng cuối năm 1946, Ban Thanh tra đặc biệt tiếp tục giải quyết một số vụ việc theo đơn, thư khiếu nại, phản ánh của quần chúng nhân dân. Phần lớn các vụ việc được giải quyết với các hình thức là phê bình, cảnh cáo và khuyến nghị các nhân viên có hành động sai phạm. Lúc này hoạt động của Ban Thanh tra đặc biệt chủ yếu diễn ra tại địa bàn các tỉnh Bắc Bộ và bắc Trung Bộ. Có thể coi đây là thời kỳ thành lập và bắt đầu hoạt động của ngành Thanh tra. Số người trong lực lượng Thanh tra, từ Ban Thanh tra đặc biệt đến Ban Thanh tra các bộ, các xứ còn rất ít ỏi, chưa có hệ thống tổ chức chặt chẽ và chưa hoạt động thường xuyên, giải quyết công việc phần nhiều còn mang tính chất kiêm nhiệm.

Tuy hoạt động chưa nhiều, nhưng những vụ việc đã được Ban Thanh tra đặc biệt giải quyết có tính chất điển hình, liên quan đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Qua các hoạt động thanh tra, nhân dân thấy rõ Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng tiếng nói, yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của tất cả các tầng lớp nhân dân, nghiêm trị bất cứ ai làm sai đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, qua đó đề cao kỷ cương, phép nước.

Trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, việc làm của Chính phủ thông qua các hoạt động thanh tra, trước hết là của Ban Thanh tra đặc biệt đã thực sự gây được niềm tin trong các tầng lớp nhân dân, động viên toàn dân tập hợp trong trận tuyến đấu tranh giữ vững và xây dựng chính quyền cách mạng, chuẩn bị thực lực cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược./.


(Theo Lịch sử Thanh tra Việt Nam 1945-2005 - Nxb Chính trị Quốc gia)

letiendat
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra