Khuyến nghị trên được đưa ra tại Hội nghị tập huấn Chiến lược truyền thông do Ban quản lý các dự án hợp tác phát triển tăng cường năng lực tổng thể ngành thanh tra tổ chức với sự tham dự của các đơn vị tham gia Dự án hợp phần của Thanh tra Chính phủ; Dự án hợp phần các bộ: Công an, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư; các tỉnh: Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Bình Dương, Kiên Giang và Thành phố Hồ Chí Minh. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng chủ trì Hội nghị.
|
Quang cảnh buổi tập huấn |
Đại diện các Dự án Hợp phần đã được chuyên gia tư vấn phân tích về sự cần thiết phải xây dựng Chiến lược truyền thông, các nội dung cơ bản cũng như phương pháp tiếp cận, lập kế hoạch truyền thông.
Theo đó, công tác truyền thông của Chương trình đã được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: việc trao đổi trong nội bộ Chương trình, trao đổi với các đối tác phát triển; chia sẻ kết quả, sản phẩm của Chương trình / dự án trong ngành thanh tra…Tuy nhiên, hoạt động này trong thời gian qua chưa được thực hiện bài bản, thường là lồng ghép với các hoạt động cụ thể của dự án mà không có một kế hoạch truyền thông cụ thể, do đó, hiệu quả chưa cao.
Phạm vi của Chiến lược truyền thông tập trung vào các hoạt động của Chương trình nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chương trình cũng như nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc đổi mới hoạt động thanh tra,giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiếp công dân và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức ngành thanh tra.
Đối tượng truyền thông chia thành 2 nhóm chính gồm: nhóm nội bộ chương trình bao gồm: Ban chỉ đạo chương trình; Ban quản lý các dự án; các Ban quản lý dự án hợp phần; Thanh tra Chính phủ; các bộ, địa phương tham gia chương trình; các đối tác phát triển tài trợ cho chương trình; cán bộ, công chức của Thanh tra Chính phủ; thanh tra các bộ, địa phương tham gia chương trình và nhóm bên ngoài chương trình bao gồm: Thanh tra các bộ, địa phương chưa tham gia chương trình; các đối tác phát triển hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng; các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng; các cơ quan liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng; cộng đồng, xã hội.
Nói về việc tổ chức các hoạt động truyền thông, chuyên gia tư vấn khuyên nên có sự phối hợp tốt về công tác truyền thông với các cơ quan thông tin như Báo, Tạp chí Thanh tra, Trung tâm thông tin, Viện khoa học thanh tra để phát huy các chuyên mục của Chương trinhfh trên các tờ báo, tạp chí, website của các cơ quan này. Ngoài ra, có thể xem xét xây dựng một số chuyên mục với các báo, đài truyền hình, đài tiếng nói để tuyên truyền về kết quả đạt được của Chương trình; phân công cán bộ chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan thông tin nói trên để truyền tải thông tin chính xác, kịp thời và thường xuyên.
Ngô Tân – Duy Thành