Tập huấn Thông tư quy định tiêu chí nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác PCTN

Thứ sáu, 06/04/2012 15:07
(ThanhtraVietnam) -  Văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên quy định cụ thể các nguyên tắc, tiêu chí nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên phạm vi quốc gia và trách nhiệm của các bộ, ngành địa phương, cơ quan tổ chức có liên quan trong việc nhận định, đánh giá đã được Thanh tra Chính phủ tổ chức tập huấn sáng nay (06/4) tại Hải Phòng – Hội nghị tập huấn dành cho Thanh tra các bộ, ngành, địa phương khu vực phía Bắc do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng chủ trì.

Việc nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác PCTN ở phạm vi quốc gia thời gian qua đã gặp rất nhiều khó khăn. Do đó việc phải xây dựng một hệ thống tiêu chí để theo dõi, đánh giá tình hình là hết sức cần thiết, đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng Chính phủ giao cho Thanh tra Chính phủ trong Kế hoạch thực hiện giai đoạn thứ nhất chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng chủ trì Hội nghị


Theo đó,  ngày 09/11/2011, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 11/2011/TT-TTCP quy định tiêu chí  nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng chống tham nhũng (Thông tư).  Đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên  trong lĩnh vực PCTN quy định cụ thể các nguyên tắc, tiêu chí nhận định tình hình tham nhũng, đánh giá công tác PCTN trên phạm vi quốc gia và trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan trong việc nhận định, đánh giá.

Thông tư này cũng được đánh giá là một văn bản chưa có tiền lệ, chứa đựng nhiều nội dung mới, do đó cần thiết phải được quán triệt hướng dẫn đầy đủ để thống nhất nhận thức và đảm bảo cho việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao.

Tại Hội nghị, ông Ngô Mạnh Hùng – Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, TTCP đã giới thiệu toàn bộ nội dung chính của Thông tư gồm các vấn đề:  phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; các nguyên tắc nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác PCTN; quy định về căn cứ đo lường dự báo tình hình tham nhũng; quy định về tiêu chí nhận định tình hình tham nhũng; phương pháp nhận định tình hình tham nhũng; trách nhiệm thu thập, xử lý thông tin phục vụ việc nhận định tình hình tham nhũng trên phạm vi quốc gia; quy định về tiêu chí đánh giá công tác PCTN; phương pháp đánh giá PCTN; trách nhiệm thu thập, xử lý thông tin phục vụ việc đánh giá công tác PCTN ở cấp độ quốc gia; trách nhiệm cụ thể của Thanh tra Chính phủ; trách nhiệm của các bộ ngành địa phương; nguồn kinh phí phục vụ việc nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác PCTN; hiệu lực thi hành của Thông tư.

Ông Ngô Mạnh Hùng – Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, TTCP đã giới thiệu toàn bộ nội dung chính của Thông tư

Cũng tại Hội nghị, Thanh tra Chính phủ cũng đã hướng dẫn cụ thể phương pháp tính chỉ số đo lường thực trạng tham nhũng và công cụ thu thập thông tin. Trong đó chỉ số đo lường thực trạng tham nhũng được tính bằng 02 bước (bước 01: thu thập thông tin về các tiêu chí - tiêu chí định lượng và tiêu chí định tính; bước 02: tính toán các chỉ số thành phần). Còn công cụ thu thập thông tin sẽ gồm Hệ thống thông tin, báo cáo về thực trạng tham nhũng và PCTN (hệ thống dữ liệu chung về PCTN) và Kết quả khảo sát, điều tra xã hội học về chi phí không chính thức hoặc nhận thức của chuyên gia, của công chúng về thực trạng tham nhũng và PCTN.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, lãnh đạo thanh tra một số bộ, ngành và địa phương như: Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, Bộ Quốc phòng, Bộ Công An, Bộ Công Thương; Thành phố Hà Nội, Hải Phòng; các tỉnh: Hòa Bình, Nam Định, Sơn La... cơ bản đều nhất chí với nội dung của Thông tư và cho rằng công thức đánh giá là có cơ sở khoa học... Tuy nhiên, một số ý kiến cũng còn băn khoăn về việc: quá trình thu thập số liệu đòi hỏi phải có sự chính xác cao, hoặc nên quy định chi tiết và cụ thể hơn nữa để thuận lợi cho việc thực hiện ở các địa phương...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng đã cám ơn những ý kiến đóng góp rất nhiệt tình, tâm huyết và giải đáp tất cả những băn khoăn, thắc mắc của các đại biểu dự Hội nghị. Đồng thời Phó Tổng Thanh tra CP cũng nhấn mạnh: sự ra đời và tổ chức thực hiện Thông tư vào thời điểm này là rất cần thiết, nó không chỉ góp phần hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ đã giao cho Thanh tra Chính phủ trong Kế hoạch thực hiện giai đoạn thứ nhất chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc chiến chống tham nhũng mà toàn Đảng, toàn dân ta đang quyết liệt thực hiện. Phó Tổng thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Thanh tra các bộ, ngành, địa phương sẽ vẫn tiếp tục trao đổi, và có phản hồi thêm trong quá trình áp dụng vào thực tế để việc tổ chức thực hiện Thông tư đạt kết quả cao nhất./.

Thiên Cầm

letiendat
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra