Tập huấn về quản lý dự án và theo dõi đánh giá

Thứ sáu, 08/06/2012 06:49
(ThanhtraVietnam) - Thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2012 của Ban quản lý các dự án hợp tác phát triển tăng cường năng lực ngành thanh tra, trong khuôn khổ Chương trình “Tăng cường năng lực tổng thể ngành Thanh tra đến năm 2014” (gọi tắt POSCIS), trong 2 ngày 7, 8/6/2012, tại Thành phố Huế đã diễn ra Hội nghị tập huấn về quản lý dự án và theo dõi đánh giá. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng chủ trì Hội nghị.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng và Giám đốc BQL các dự án Nguyễn Hồng Giang chủ trì Hội nghị


Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo, cán bộ nghiệp vụ của thanh tra các Bộ, địa phương và Dự án Hợp phần tham gia Chương trình (Thanh tra các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Nội vụ, Tài chính; Thanh tra các tỉnh Hà Tĩnh, Khánh Hoà, Bình Dương, Kiên Giang và TP. Hồ Chí Minh) và cán bộ đầu mối các đơn vị tham gia Dự án hợp phần Thanh tra Chính phủ (Tạp chí Thanh tra, Văn phòng, Vụ Tổ chức Cán bộ, Vụ Pháp chế, Cục Chống tham nhũng, Viện Khoa học Thanh tra, Trường Cán bộ Thanh tra, Báo Thanh tra và Trung tâm Thông tin) cùng lãnh đạo, cán bộ Ban quản lý dự án.

Ngày làm việc đầu tiên, Hội nghị tập trung vào nội dung chính là Hệ thống theo dõi đánh giá của Chương trình. Các cán bộ nghiệp vụ trong toàn Chương trình đã được nghe T.S Adam MacCarty, Trưởng đoàn Tư vấn và Chuyên gia kinh tế quốc tế Mark Oldenbeuving trình bày hệ thống các chỉ số theo dõi đánh giá; phương pháp sử dụng hệ thống chỉ số; hệ thống báo cáo theo dõi đánh giá và cùng thực hành áp dụng hệ thống theo dõi đánh giá.

Toàn cảnh Hội nghị


Theo T.S Adam McCarty, đầu ra của Chương trình POSCIS hiện đang được theo dõi một cách thiếu hiệu quả, điều này có nghĩa là hoạt động theo dõi và đánh giá tác động của Chương trình vẫn chưa được thực thi hoàn chỉnh do đó cần có một Hệ thống Chương trình mới được lược giản hóa và hài hòa hóa để thiết thực hơn. Quá trình này sẽ liên quan đến việc loại bỏ những chỉ số không thể đo lường được hoặc những chỉ số không phản ánh được tác động của Chương trình và làm rõ mối liên kết giữa những chỉ số của POSCIS và những dữ liệu đã được thu thập thành công qua hệ thống báo cáo của ngành Thanh tra. Sau khi hoàn thành các bước này, các cuộc khảo sát có thể được thiết kế triển khai để thu thập dữ liệu định tính sơ cấp bổ sung nhằm xây dựng một bức tranh toàn cảnh rõ ràng về tiến độ thực hiện dự án.

Tư vấn và các cán bộ nghiệp vụ của các Dự án Hợp phần làm việc trọn một ngày


Khung Chỉ số Hợp phần được chỉnh sửa (RCIF) là trung tâm của cấu trúc báo cáo mới. Khung chỉ số này được xây dựng dựa trên các chỉ số được rút ra từ hệ thống hiện tại sau khi được lược giản và củng cố. Thông tin bổ sung được thu thập từ hai cuộc khảo sát về khách hàng và cán bộ. Thông tin từ RCIF cùng với thông tin từ đánh giá cán bộ được lưu trữ dưới dạng cơ sở dữ liệu Excel để so sánh giữa các Hợp phần cũng như so sánh theo thời gian. Ngoài ra, RCIF là một đầu vào quan trọng nhất trong hệ thống báo cáo cuối cùng bên cạnh việc phân tích cơ sở dữ liệu.

Cấu trúc theo dõi và đánh giá mới của Chương trình POSCIS

Khung chỉ số được chỉnh sửa này được thiết kế và phát triển xoay quanh ba trụ cột chính và tám chỉ số cốt lõi của chương trình POSCIS: Khung nghiệp vụ (công tác thanh tra, nghiệp vụ khiếu nại, tố cáo, nghiệp vụ phòng chống tham nhũng); Tăng cường năng lực (tuyển dụng và quản lý cán bộ, tập huấn); Cải tiến hệ thống (năng lực công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng, phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ và các Hợp phần, theo dõi và đánh giá).

Buổi làm việc hôm nay, Hội nghị sẽ nghe Cố vấn trưởng của Chương trình trình bày cơ sở và sự cần thiết phải tiến hành sửa đổi Cẩm nang quản lý Chương trình, những nội dung sửa đổi và cùng thảo luận về các nội dung sửa đổi.

Ngày 13/10/2009, Thanh tra Chính phủ và đại diện các nhà tài trợ là Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển đã ký thoả thuận đồng tài trợ và các hiệp định tài trợ song phương về việc thực hiện Chương trình “Tăng cường năng lực tổng thể ngành Thanh tra đến năm 2014” (gọi tắt POSCIS).

Với quy mô triển khai rộng gồm 10 dự án hợp phần, Chương trình hướng vào hỗ trợ tăng cường năng lực cho ngành Thanh tra trong 03 lĩnh vực: thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng. Thời gian thực hiện Chương trình sẽ từ 2009 tới 2014 với số vốn tài trợ cam kết là 11,7 triệu đô la Mỹ.

Mục tiêu tổng thể của Chương trình POSCIS là “Xây dựng ngành thanh tra trong sạch, vững mạnh, từng bước chuyên nghiệp, hiện đại và có đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao phó trong lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng”.

Ngô Tân

nguyenthuhang
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra