Thanh tra Chính phủ: Khẩn trương hoàn thiện quy trình quản lý văn bản đi và đến

Thứ năm, 28/01/2010 00:08
(Thanhtraviethanhfnam.vn) – Theo quy định tại Quy chế làm việc của Thanh tra Chính phủ hiện hành, văn bản ký thay phải gửi Tổng Thanh tra, văn bản ký thừa lệnh phải gửi lãnh đạo Thanh tra Chính phủ. Quy định này bất hợp lý trong một số trường hợp khi nội dung văn bản phát hành không liên quan đến phạm vi trách nhiệm của tất cả các Phó Tổng Thanh tra.

Ngày 28/8/2010, tại Hòa Bình, đã diễn ra buổi Hội thảo Quy trình xử lý văn bản đi, văn bản đến của Thanh tra Chính phủ. Nhiều vấn đề các đại biểu quan tâm đã được đưa ra thảo luận tại Hội thảo.

Hội thảo Quy trình xử lý văn bản đi, đến của Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Quang Vững

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Ngô Đại Tuấn – Phó Chánh văn phòng cho biết, việc xây dựng Quy chế quy định quy trình xử lý văn bản đi, đến của Thanh tra Chính phủ nằm trong khuôn khổ Chương trình POSCIS (Chương trình tăng cường năng lực tổng thể ngành thanh tra đến năm 2014), đây cũng là một trong những điều kiện cơ sở xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000 đối với các hoạt động của cơ quan Thanh tra Chính phủ. Quy trình này cũng nhằm hướng đến mục tiêu: văn bản đến được tiếp nhận, xử lý kịp thời, đáp ứng yêu cầu của cơ quan, đơn vị phát hành, văn bản đi phải đảm bảo chất lượng, hạn chế sai sót, giảm bớt thủ tục khi phát hành.

Thảo luận về quy định xử lý các văn bản mật, đồng chí Vũ Minh Thành – Cục 4 cho rằng, Quy trình nên quy định rõ cách xử lý đối với từng mức độ cụ thể như: mật, tuyệt mật, tối mật... Đồng thời nên có quy định về phạm vi thẩm quyền của các Vụ, Cục, đơn vị để tránh tình trạng văn bản chuyển đến nhầm địa chỉ.

Theo đồng chí Phan Thăng Long –  Phó Cục trưởng Cục I thì về cơ bản nội dung của hai quy chế đã giải quyết được các vấn đề bất cập của công tác quản lý văn bản đi, đến trước đây. Tuy nhiên, nên có hướng dẫn cụ thể cho từng cục, vụ, đơn vị. Bởi hiện nay vẫn tồn tại sự chồng chéo về thẩm quyền trong việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong thực tế đã xảy ra trường hợp cùng một vụ việc nhưng cả Văn phòng và bộ phận tiếp dân tại trụ sở tiếp dân Trung ương Đảng - Cục I đều có công văn trả lời, hướng dẫn công dân nhưng nội dung lại khác nhau. Nguyên nhân là do xuất phát từ những quy định hiện nay về chức năng, nhiệm vụ của các Cục, Vụ còn bất cập. Bên cạnh đó, cũng nên quy định những loại văn bản nào được ký nháy nhằm hạn chế bớt các thủ tục rườm rà.

Đối với các văn bản ký thay, hiện nay, theo Quy định tại Quy chế làm việc của Thanh tra Chính phủ, văn bản ký thay phải gửi Tổng Thanh tra, văn bản ký thừa lệnh phải gửi lãnh đạo Thanh tra Chính phủ. Quy định này bất hợp lý trong một số trường hợp khi nội dung văn bản phát hành không liên quan đến phạm vi trách nhiệm của tất cả các Phó Tổng Thanh tra. Để khắc phục sự bất hợp lý này, Dự thảo quy đinh theo hướng văn bản ký thừa lệnh gửi Phó Tổng Thanh tra phụ trách. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí với hướng xử lý này.

Sắp tới, Dự thảo Quy trình này sẽ sớm được hoàn thiện trình Tổng Thanh tra ban hành./.


Bảo Anh - Quang Vững

Host
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra