Theo nhóm Tư vấn đánh giá quốc tế, sau những khó khăn, thách thức ban đầu thì hiện tại dự án đang “đi đúng đường ray”. Với những kết quả bước đầu, chương trình đã và đang mang lại những chuyển biến đáng kể cho ngành thanh tra. Đó là những thay đổi trong ý thức đạo đức thanh tra; ý thức trong phòng, chống tham nhũng; thanh tra với quan hệ công chúng; cũng như những kỹ năng đã được nâng cao như kỹ năng quản lý dự án, tổ chức đào tạo…
Ngài Claes Sandgren cho biết, với khung chương trình được vạch định rõ ràng, POSCIS thực sự là một chương trình lớn, có ý nghĩa nhưng cũng vô cùng phức tạp, đa mục tiêu. Do đó, để nâng cao chất lượng của chương trình, cần phải có những đánh giá, rà soát toàn diện về tất cả những vấn đề đặt ra. Trong đó, bao gồm 3 lĩnh vực ưu tiên: rà soát toàn bộ đầu ra hoạt động của chương trình, nâng cao năng lực quản lý dự án, đưa hệ thống theo dõi, đánh giá vào thực tế và 2 lĩnh vực trong tương lai: nhân rộng kết quả dự án và đảm bảo tính bền vững của chương trình.
|
Phó Tổng TTCP đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Thụy Điển trong thời gian qua. |
Về phần mình, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng bày tỏ sự cảm ơn trước những thông tin bổ ích của nhóm Tư vấn. Bên cạnh đó, đồng chí Trần Đức Lượng cũng trình bày những kết quả của việc thực hiện mục tiêu chung cũng như 9 mục tiêu cụ thể của chương trình. Theo đó, hiện tại Luật Thanh tra cùng các Nghị định hướng dẫn đã được ban hành, góp phần tăng thẩm quyền cũng như tính chủ động của hoạt động thanh tra từ khâu lập kế hoạch đến tổ chức thực hiện hoạt động thanh tra. Và thực tế, sau khi Luật Thanh tra ra đời đã có những tác động tích cực đến toàn bộ nền hành chính Nhà nước. Ngoài ra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, quá trình xây dựng Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo mới cũng được đẩy nhanh nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người dân. Về việc ban hành Luật Phòng chống tham nhũng mới, dự kiến theo lộ trình vào cuối năm nay sẽ trình Quốc hội thông qua. Điều này góp phần tăng cường tính công khai minh bạch, tăng thẩm quyền cho các cơ quan thanh tra, điều tra, tòa án…, tăng trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hành chính cũng như phát huy mạnh mẽ vai trò của báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng nói chung… Ngoài ra, đối với công tác đào tạo, việc đổi mới chương trình được lãnh đạo hết sức quan tâm. Lượng cán bộ được đưa đi đào tạo trong và ngoài nước cũng như số lượt cán bộ công chức tham gia tập huấn nghiệp vụ đã tăng đáng kể góp phần tăng cường năng lực thanh tra, quản lý dự án…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng đã cám ơn những ý kiến đóng góp nhiệt tình, tâm huyết, những chia sẻ hữu ích, đồng thời giải đáp tất cả những băn khoăn, thắc mắc của các đại biểu tham dự. Bên cạnh đó, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đánh giá rất cao mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển nói chung trong thời gian qua, đặc biệt là trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình Poscis.
Dương Nguyễn