Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Văn Truyền - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra; đồng chí Mai Quốc Bình - Phó Tổng Thanh tra thường trực; đại diện các nhà tài trợ, các tổ chức CDA, UNDP; đại diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đại diện Thanh tra một số bộ, ngành, tỉnh, thành tham gia Dự án hợp phần (DAHP) và lãnh đạo các vụ, đơn vị của Thanh tra Chính phủ.
Chương trình tăng cường năng lực tổng thể ngành Thanh tra do các nhà tài trợ Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan cam kết được thực hiện trong giai đoạn 2009-2014 với tổng số vốn viện trợ không hoàn lại là 11,83 triệu USD.
Mục tiêu của Chương trình là nhằm xây dựng ngành Thanh tra trong sạch, vững mạnh, từng bước chuyên nghiệp, hiện đại và có đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
|
Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Vững |
Theo báo cáo, mặc dù đã có sự nỗ lực cố gắng, song quá trình triển khai thực hiện Chương trình POSCIS ở Thanh tra Chính phủ cũng như ở các bộ, ngành, địa phương còn chưa đáp ứng được tiêu chí đánh giá đã đề ra.
Từ thực tiễn triển khai 6 tháng đầu tiên của Chương trình và để triển khai có hiệu quả trong thời gian tới, Ban Quản lý các dự án đã kiến nghị Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành hữu quan có những giải pháp cụ thể như:
- Cần triển khai ngay việc thiết lập hệ thống theo dõi và đánh giá thực hiện trong toàn Chương trình.
- Tiếp tục kiện toàn năng lực của Ban Quản lý các dự án và các Ban Quản lý DAHP theo hướng bổ sung thêm cán bộ chuyên môn nhằm giám sát việc triển khai hoạt động và tập huấn về các kỹ năng quản lý dự án chuyên sâu.
- Cần rà soát lại các Cẩm nang và Hướng dẫn của Chương trình để điều chỉnh cho phù hợp với các yêu cầu về quản lý và điều phối trong toàn Chương trình.
- Cần tăng cường các phương thức trao đổi, chia sẻ thông tin kịp thời giữa các Ban Quản lý DAHP và giữa các Ban Quản lý DAHP với Ban Quản lý các dự án nhằm hỗ trợ cho các DAHP trong triển khai hoạt động.
- Cần xây dựng và cập nhật dữ liệu về hỗ trợ kỹ thuật trong toàn Chương trình để có giải pháp chủ động giúp cho các DHP nâng cao chất lượng tuyển chọn và sử dụng tư vấn.
- Cần rà soát kế hoạch năm đầu tiên của các DAHP để có những điều chỉnh phù hợp trong những tháng thực hiện tiếp theo.
Đại diện nhà tài trợ Thụy Điển đã hoan nghênh sự hợp tác cũng như các nỗ lực từ phía cơ quan Thanh tra Chính phủ, nhưng cũng lưu ý về tình hình thực hiện Chương trình trong thời gian qua, ở một số khâu của các DAHP còn chậm so với mục tiêu đặt ra.
Đại diện các DAHP cũng đưa ra nhiều ý kiến giải trình, kiến nghị về những mặt đã làm được và một số nguyên nhân, tồn tại của Chương trình.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền cho rằng: Nguyên nhân của sự chậm trễ trong quá trình triển khai Chương trình là do: Bước đầu tiếp cận với một dự án lớn và phức tạp nên chưa có đầy đủ kinh nghiệm ; quy chế quản lý chưa rõ ràng và sự phối hợp giữa BQL dự án với các đơn vị chưa tốt...
Theo Tổng Thanh tra, để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình trong thời gian tới, thì Ban quản lý các dự án và các Ban quản lý DAHP cần nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa để hoàn thành mục tiêu của các đầu ra với tinh thần đạt được 100% và cần phân bổ lực lượng, thời gian hợp lý để đạt được kế hoạch, tạo lòng tin cho các nhà tài trợ.
Tổng Thanh tra cũng tin tưởng rằng nếu các đơn vị thực hiện nêu cao tinh thần trách nhiệm và có giải pháp tích cực, cụ thể thì Chương trình POSCIS sẽ được hoàn thành tốt đẹp, góp phần nâng cao năng lực tổng thể của toàn ngành để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng nặng nề của ngành Thanh tra trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.
Vững Tin