Đây là chương trình hỗ trợ cho ngành Thanh tra đối với công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, đổi mới tổ chức và đào tạo cán bộ nhằm nâng cao năng lực trên 3 lĩnh vực chính: thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Theo như quy định tại Văn kiện Chương trình, sau 2 năm thực hiện, Chương trình POSCIS sẽ được đưa ra đánh giá giữa kỳ. Việc rà soát tổng thể đối với toàn Chương trình là kết quả của việc thực hiện các khuyến nghị mà tư vấn đánh giá giữa giai đoạn đề ra, trong đó dựa trên định hướng chiến lược của Chương trình và ngành Thanh tra trong thời gian tới để xác định các hoạt động, đầu ra cần thiết, có tầm quan trọng trong việc hỗ trợ ngành Thanh tra một cách hiệu quả, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ được giao
Qua hơn 17 tháng chính thức thực hiện, bên cạnh những khó khăn trong năm đầu tiên, nhìn chung cho đến nay Chương trình đã được điều hành đúng hướng, bám sát những mục tiêu đề ra nhằm thực hiện và hoàn thành với tỷ lệ cao các hoạt động, đầu ra so với kế hoạch, Chương trình và các dự án hợp phần. Chương trình có nhiều tác động tích cực không chỉ đối với việc tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của ngành Thanh tra mà còn có những ảnh hưởng hiệu quả đến một số lĩnh vực công tác cơ bản như xây dựng và hoàn thiện thể chế; kiện toàn và đối mới tổ chức; đào tạo cán bộ…
|
Toàn cảnh Hội nghị |
Việc xây dựng Chương trình được đánh giá phù hợp với các chiến lược phát triển của Việt Nam nói chung cũng như yêu cầu đổi mới và phát triển ngành Thanh tra nói riêng nhằm đáp ứng các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.
Tuy nhiên, quá trình hoạt động vẫn cho thấy nhiều hạn chế và thách thức trong năng lực quản lý ở nhiều cấp độ, công tác theo dõi, đánh giá; cơ chế điều phối; áp lực về thời gian và ngân sách; sự thay đổi trong cơ chế hợp tác phát triển của các nhà tài trợ…
Phát biểu tại Hội nghị, Bà Maria Selin, Đại sứ quán Thụy Điển cho biết để các hoạt động của Chương trình đi đúng hướng và đạt hiệu quả thiết thực thì cần thiết phải có sự đổi mới về chiến lược; năng lực quản lý cần được tăng cường; đánh giá hệ thống cần được triển khai thực hiện; cần có rà soát các hoạt động và những yếu tố đầu vào, phát huy sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan nhằm xây dựng năng lực tổng thể, đặc biệt là năng lực quản lý. Bà cũng khẳng định đã đến lúc Chương trình cần phải thực hiện các bước triển khai nhân rộng, đào tạo chuyên sâu, ngoài ra, bên cạnh việc phát triển, Chương trình cũng cần chú ý đến công tác bảo vệ những kết quả đã đạt được.
|
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng phát biểu kết luận Hội nghị. |
Tại Hội nghị, đa số các đại biểu đều nhất trí với những nội dung trong báo cáo tổng thể. Các đại biểu đánh giá cao sự mạnh dạn nhìn vào những khó khăn, thẳng thắn nhìn nhận các thách thức trong thời gian tới đặc biệt về nguồn lực tài chính.
Kết luận tại Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng nhấn mạnh về định hướng thời gian thực hiện Chương trình. Theo đó, Chương trình sẽ chính thức hoàn thành kế hoạch hoạt động và ngân sách năm 2014 vào ngày 30/06/2014. Với mốc thời gian kết thúc vào ngày 30/09/2014, Chương trình cần chú trọng triển khai xác định lộ trình hợp lý nhằm hoàn thành các công việc đề ra, đặc biệt là việc cân đối khối lượng công việc với thời gian cho phép để quyết tâm hoàn thành những nội dung hoạt động và yếu tố giải ngân giúp Chương trình đạt hiệu quả ở mức cao nhất.
Dương Nguyễn