Theo đó, 5 đầu ra của Dự án mà Nhà trường cam kết hoàn thành trong năm 2012, đó là: phương pháp giảng dạy hiện đại, xây dựng tình huống và giảng dạy bằng tình huống, đổi mới khung chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ thanh tra cho 3 đối tượng: thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp, công chức làm công tác thanh tra chuyên ngành.
Nhà trường đã hoàn thành 2 đầu ra của chương trình Poscis trong năm 2012
|
Khóa học về phương pháp giảng dạy hiện đại, xây dựng tình huống và giảng dạy bằng tình huống |
Nhằm triển khai tích cực nhiệm vụ đã đề ra, Ban Giám hiệu Trường CBTT đã phối hợp với trường Đại học Kinh tế Quốc dân mở khóa học đặc biệt với 2 lớp: phương pháp giảng dạy hiện đại, xây dựng tình huống và giảng dạy bằng tình huống trong 5 ngày (từ ngày 27 – 31/8/2012). Khóa học do 2 chuyên gia nổi tiếng: Ths. Daniel và TS. Tôn Quang Cường giảng dạy với sự tham gia của 50 học viên là giảng viên, giáo viên trường CBTT có số năm công tác từ 1 đến 30 và đều có trình độ chuyên môn từ thạc sỹ trở lên.
Có thể nói khóa học đã được tổ chức đúng tiến độ và thực sự thành công, thu hút được sự tham gia nhiệt tình của cả chuyên gia giảng dạy và học viên. Nhìn chung, các học viên đánh giá cao các yếu tố của khóa học, điều đó được thể hiện qua điểm trung bình của các yếu tố khảo sát mức độ hài lòng đều trên 4 điểm và đánh giá chung về khóa học là 4,33/5. Ngoài ra, khóa học đã tác động rất tích cực đến phương pháp giảng dạy của học viên thể hiện ở chỗ: 100% học viên cho biết sẽ điều chỉnh phương pháp giảng dạy sau khóa học. Thực tế là, qua 3 đợt thẩm định (tháng 6 – tháng 8 – tháng 9), các giáo viên vốn là những cán bộ các phòng ban của Nhà trường được cử đi thực tế, làm thực tế công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ quan thanh tra các bộ, ngành địa phương, sau khi trở về đã rất linh hoạt, áp dụng ngay các phương pháp giảng dạy hiện đại và giảng dạy bằng bài tập tình huống trong bài giảng của mình với những ví dụ sát thực và kinh nghiệm quý báu;…
Huy động mọi lực lượng hiện có, tích cực hoàn thành 3 đầu ra còn lại
|
TS Lê Tiến Hào - Phó Tổng TTCP tại Hội thảo |
Chiều 25/9, Trường Cán bộ Thanh tra phối hợp với Công ty CP tư vấn và phát triển quản lý MCaD tổ chức Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo cập nhật khung chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ thanh tra cho 3 đối tượng: thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp, công chức làm công tác thanh tra chuyên ngành.
Qua hội thảo, Ban soạn thảo Khung Chương trình cập nhật đã nhận được rất nhiều góp ý của lãnh đạo TTCP và thanh tra các bộ, ngành địa phương. Trên cơ sở những góp ý quý báu đó, Ban soạn thảo đã xây dựng đề cương và nội dung chi tiết của đề cương, sau đó biên tập phù hợp với Luật Thanh tra, Khiếu nại, Tố cáo nhằm khắc phục những hạn chế của chương trình cũ, tăng cường trao đổi thảo luận và đi thực tế cơ sở, phát triển kỹ năng, nghiệp vụ thanh tra. Qua đó, nâng cao chất lượng giảng viên và đổi mới nội dung chương trình, từng bước hoàn thành mô hình đào tạo mới – mô hình Học viện Thanh tra.
Trao đổi với phóng viên ThanhtraVietnam về những khó khăn hiện tại trong việc thực hiện đầu ra của dự án, Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Hải cho biết: thời gian từ nay đến cuối năm chỉ còn 2 tháng, khối lượng công việc rất lớn và rộng. Đặc biệt, kiến thức về công chức làm thanh tra chuyên ngành liên quan đến toàn bộ các bộ, ngành, trong khi kinh phí hạn hẹp và công tác biên soạn viết tài liệu cực kỳ khó khăn, đòi hỏi người viết phải ở tầm chuyên gia cao cấp trong ngành.
Để giải quyết khó khăn đó, Nhà trường đã thành lập một Ban để thực hiện dự án này, trực tiếp tham gia là Hiệu trưởng, Hiệu phó và cán bộ đầu mối các phòng,khoa. Quá trình biên soạn, Nhà trường tận dụng lực lượng giảng viên và cán bộ cả 3 khoa (Khoa Đại cương – Chương trình Thanh tra viên cao cấp, Khoa Nghiệp vụ thanh tra – Chương trình Thanh tra viên chính, Khoa Nghiệp vụ Khiếu nại tố cáo – Chương trình Công chức làm công tác thanh tra) đồng thời đây cũng là cơ hội để các cán bộ, giảng viên tiếp cận nội dung và áp dụng vào công tác giảng dạy sau này.
Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng và tiến độ hoàn thành 3 đầu ra còn lại của dự án, lãnh đạo Trường CBTT mong muốn có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà trường và Ban Quản lý dự án, đối tác nước ngoài, khắc phục hạn chế lớn nhất trong thời gian qua giữa các dự án hợp phần – trong đó, vai trò điều phối, chia sẻ thông tin của Ban Quản lý các dự án là rất quan trọng, nhằm kết nối các mục tiêu của Chương trình, chia sẻ những kinh nghiệm tốt đã được tổng kết tại các dự án thành phần trong toàn ngành Thanh tra.
Cùng với việc tích cực hoàn thành 5 đầu ra theo đúng tiến độ cam kết với Ban QL Dự án Poscis và để đảm bảo sự hỗ trợ của dự án có hiệu quả và bền vững, giai đoạn 2013 – 2014, Trường CBTT mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Dự án Poscis về cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cán bộ giảng dạy và chất lượng đào tạo của Nhà trường./.
Kim Dung